Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sau “cổng trời” Tà Phìn

Hà Yên

Thứ sáu, 10/06/2022 - 15:46

(Thanh tra) - Vượt qua “cổng trời” Tà Phìn, chúng tôi về với Sín Chải - xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Những ngôi nhà thấp thoáng bóng người, cây vườn xanh tốt mang lại cảm nhận về một vùng đất bình yên. Sín Chải giờ đã bình yên thực sự vì nhiều năm trước đó, vùng đất này luôn bị xáo trộn bởi nhiều người dân vướng vào tệ nạn, mất trật tự an ninh.

Ruộng bậc thang - một vẻ đẹp đặc trưng của huyện vùng cao Tủa Chùa. Ảnh: Hà Yên

Khi hủ tục bủa vây bản làng

Nói đến xã Sín Chải không ai không nhắc đến thôn Cáng Tỷ, bởi đây từng là thôn “nổi tiếng” về nhiều tệ nạn và hủ tục lạc hậu trong xã.

Thôn Cáng Tỷ nằm ở phía Nam của xã Sín Chải, cách trung tâm xã khoảng 3 km. Toàn thôn có 103 hộ, 532 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông, với hình thức canh tác sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Nhiều năm trước đó, ở xã xảy ra tình trạng mua, bán và sử dụng các chất ma túy, nạn trộm cắp, tệ nạn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Nhiều gia đình ly tán vì người thân vướng vòng lao lý, trẻ em sống trong cảnh côi cút, đói nghèo.

Những năm trước, trình độ dân trí của bà con còn hạn chế, bị chi phối bởi nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Theo tín ngưỡng, quan điểm của người Mông, khi gia đình có người thân qua đời phải tổ chức ăn, uống linh đình nhiều ngày. Hậu quả của việc tang ma dài ngày và không đưa thi thể người chết vào quan tài gây nên tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy hại cho sức khỏe những người xung quanh. Khi có tang ma, người thân tập trung đông trở thành điều kiện nguy hại để các mầm bệnh, khí độc hại thoát ra từ thi thể trong quá trình phân hủy phát tán và lây lan.

Bên cạnh việc tang ma, trong hôn nhân của người Mông ở đây cũng tồn tại một số phong tục, quan niệm không còn phù hợp và không được pháp luật cho phép mà trong đó phải kể đến là tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn.

Theo quan niệm truyền thống của người dân ở đây, chỉ cần hai người không cùng họ là có thể kết hôn được. Vì vậy rất dễ nảy sinh tình trạng hôn nhân cận huyết thống giữa con cô, con cậu, mặc dù khác họ nhưng xét về trực hệ thì vẫn là họ hàng gần trong phạm vi 3 đời.

Xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa có hơn 3.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ được bà con trồng quanh nhà. Ảnh: Hà Yên

Tình trạng tảo hôn (kết hôn khi chưa đủ tuổi) cũng diễn ra khá phổ biến. Có nhiều em đang ngồi trên ghế nhà trường, mới 14 - 15 tuổi đã bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, tự đánh mất cơ hội học tập và lập nghiệp của mình để lo toan cho gia đình. Tình trạng này đã dẫn đến hệ lụy nhiều cặp “vợ chồng” không đủ kỹ năng, kiến thức sống để tự chủ trong sinh kế cũng như chăm sóc con cái, hòa giải các mâu thuẫn phát sinh.

Những hủ tục lạc hậu này đã kéo lùi sự phát triển, không chỉ của thôn mà toàn xã Sín Chải trong nhiều năm về trước.

Nhận thức được điều này cũng như sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền với những chương trình thiết thực, những năm gần đây, bộ mặt thôn Cáng Tỷ nói riêng, xã Sín Chải nói chung đã có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong thôn đã được nâng lên, bà con thực hiện tốt nếp sống mới, tham gia xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh tại khu dân cư.

Thắp thêm niềm hy vọng

Để có được những kết quả này, ngoài sự đóng góp của ban, ngành thì còn phải kể đến công sức đóng góp của những già làng, người uy tín.

Chị Chang Thị Dùa, người uy tín thôn Cáng Tỷ, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa là một trong những tấm gương tiêu biểu như vậy. Chị Chang Thị Dùa cho biết, những năm qua, bà con thôn Cáng Tỷ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dân trong bản có truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, lao động cần cù, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền các cấp. Đến nay, dưới sự vận động của cấp ủy, chính quyền cơ sở cùng với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa được triển khai sâu rộng.

Bằng uy tín của mình, chị Chang Thị Dùa đã sẵn sàng chia sẻ với bà con những gì mình biết, mình hiểu bất cứ lúc nào, khi thì trong các buổi họp của bản để tuyên truyền, khi thì tranh thủ những dịp lễ hội hay bà con tập trung sản xuất. Qua những lời lẽ cũng như những cách tuyên truyền khéo léo, có khi chỉ là cuộc trò truyện thân tình về cuộc sống hàng ngày, về cách làm ăn… của chị đã góp phần củng cố niềm tin của bà con vào Đảng, chính quyền, khuyến khích bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, hiểu được cái đúng, cái sai, cái tốt cái xấu đối với những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo thôn Cáng Tỷ giảm từ 75% (năm 2015) xuống dưới 50% (năm 2019); bà con trong thôn đã thực hiện tốt nếp sống mới, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang. Thôn đã cơ bản xóa bỏ được tình trạng thách cưới, hạn chế được tình trạng tảo hôn; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín. Về việc tang đã giảm các thủ tục rườm rà, người chết để vào áo quan, bà con đã thực hiện ăn, ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.

Người dân đi Chợ phiên Tả Sìn Thàng. Ảnh: Hà Yên

Để duy trì và phát triển hơn nữa công cuộc vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, ông Vàng A Hờ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thời cũng là một người con của dân tộc Mông Điện Biên nhấn mạnh: “Cần coi việc tiếp tục vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là trách nhiệm chung của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đặc biệt là ở cơ sở. Cần tích cực tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức bằng cả hai thứ tiếng phổ thông và tiếng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chú trọng phát huy uy tín của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có nhận thức tương đối đầy đủ về pháp luật; đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang vào quy ước của thôn, bản”.

Những ngày đến với Sín Chải - xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa, chúng tôi mới thấu hiểu được hết đời sống khó khăn của người dân miền núi. Nhưng chúng tôi có thêm niềm vui khi biết được rằng người dân nơi đây đã hiểu rõ được những tác hại của những hủ tục lạc hậu, những hậu quả khôn lường của việc vướng vào các tệ nạn xã hội, xuất cảnh trái phép… để từ đó nghe và làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, chịu khó làm ăn, từng bước thoát nghèo.

Người Mông ở Sín Chải ngoài sống bằng nghề làm ruộng, nương, trồng rừng, phát triển chè Shan tuyết, nấu rượu còn có các nghề thủ công truyền thống như rèn đúc dao, cuốc, lưỡi cày và nghề thêu dệt… Dẫu rằng, số hộ đói nghèo ở Sín Chải vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, lương thực bình quân đầu người còn thấp, nhưng với sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước nên mỗi người dân Sín Chải đã tự lực vươn lên, biết tận dụng tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế. Hy vọng trong thời gian không xa, cuộc sống no ấm sẽ sớm về trên vùng đất xa xôi, gian khó nhất huyện này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm