Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Rà soát thủ tục, làm “sạch” dữ liệu dân cư để bỏ sổ hộ khẩu

Quang Đông

Thứ sáu, 14/10/2022 - 06:35

(Thanh tra)- Theo Luật Cư trú, từ ngày 1/1/2023 tới đây, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Các cơ quan chức năng cũng đang gấp rút rà soát lại các thủ tục, làm “sạch” dữ liệu và đẩy nhanh việc kết nối Cơ sở Dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư để người dân không vướng khó khi thực hiện các giao dịch hành chính có liên quan đến nơi cư trú.

Các cơ quan giải quyết hành chính cần phải được kết nối dữ liệu dân cư từ các bộ, ngành liên quan và trang bị máy quét đọc thẻ CCCD, để tiến đến bỏ sổ hộ khẩu. Ảnh: ĐN

Đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”

Sổ hộ khẩu là giấy tờ quan trọng sử dụng để chứng minh thông tin cư trú của người dân, là loại giấy tờ cần thiết để đi làm nhiều thủ tục hành chính, giao dịch dân sự như: Đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xác nhận tình trạng hôn nhân…

Sau khi Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, Bộ Công an không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Khi công dân làm các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cơ quan công an thu hồi các sổ này đồng thời thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Từ ngày 1/1/2023 tới đây, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Vì khi đã thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin của người có sổ hộ khẩu trong CSDLQG về dân cư thì đương nhiên sổ hộ khẩu có giữ lại cũng không còn giá trị nữa (thông tin trong sổ có thể không còn chính xác, sai lệch).

Thay vào đó, người dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, cơ quan có thẩm quyền sẽ tra cứu được các thông tin cư trú, nhân thân.

Để đảm bảo phương thức sử dụng xuất trình thẻ CCCD thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự được đồng bộ thống nhất, Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, đồng thời trực tiếp làm việc với một số bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, tập trung việc cấp, trả thẻ CCCD gắn chíp.

Tính đến ngày 28/9/2022, toàn quốc đã thu nhận hồ sơ và cấp CCCD gắn chíp cho gần 82 triệu công dân đến độ tuổi. Thông báo mã số định danh cá nhân, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân; làm sạch, làm giàu dữ liệu dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” bền vững, lâu dài.

Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, trên cơ sở bổ sung, rà soát làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, đến nay, toàn tỉnh thu nhận được hơn 887.000 hồ sơ cấp CCCD gắn chíp cho công dân từ 14 tuổi trở lên, đạt 91,5%; thu thập, làm sạch thông tin dữ liệu của hơn 1,2 triệu nhân khẩu trên hệ thống CSDLQG về dân cư; tiếp nhận hơn 190.000 hồ sơ cấp định danh điện tử.

Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời cũng là tiền đề, để các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối liên thông với CSDLQG về dân cư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Rà soát bỏ quy định xuất trình sổ hộ khẩu

Để đảo đảm các điều kiện về an ninh, an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong CSDLQG về dân cư thay cho việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, Chính phủ đã có Nghị quyết số 121/NQ-CP yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay bãi bỏ các quy định yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu để sử dụng CCCD gắn chíp, mã số định danh điện tử, dữ liệu dân cư để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các văn bản thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ, ngành mình, xác định những vấn đề vướng mắc phải sửa đổi và kiến nghị phương án, lộ trình sửa đổi đáp ứng được lộ trình đề ra của Đề án 06, Luật Cư trú và bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Ngày 1/10, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3247/UBND-KSTTHC về việc triển khai ngay các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn từ nay đến hết năm 2022. Theo đó, tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, tái cấu trúc các thủ tục hành chính, đặc biệt lưu ý việc bỏ thành phần hồ sơ là chứng minh nhân dân/CCCD và sổ hộ khẩu giấy/sổ tạm trú giấy trong các thủ tục hành chính.

Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú thống nhất, giảm phiền hà cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tham gia việc giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh phương thức tra cứu thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: Sử dụng CCCD gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc QR code trên thẻ CCCD có gắn chíp; sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD.

Bộ Công an đang phối hợp cùng các bộ, ngành hoàn thiện thủ tục xây dựng nghị định trình Chính phủ ban hành để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân mà không cần xuất trình sổ hộ khẩu. Việc đề xuất văn bản theo hướng xây dựng 1 nghị định sửa đổi nhiều nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn để giải quyết các vấn đề liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023.

CSDLQG về dân cư đã kết nối với 12 bộ, ngành gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ…

14 địa phương đã kết nối là: Hà Nội, Yên Bái, Lai Châu, Ninh Bình, Lào Cai, Cao Bằng, Nghệ An, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Hà Tĩnh.

4 doanh nghiệp Nhà nước đã kết nối là: EVN, VNPT, Mobifone và Viettel.

Khi hệ thống CSDLQG về dân cư đã đồng bộ với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, người dân giao dịch các thủ tục hành chính... không cần mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ CCCD gắn chip để thực hiện các giao dịch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm