Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trọng Tài
Thứ ba, 15/04/2025 - 13:46
(Thanh tra) - Những ngày gần đây, thời tiết tại Quảng Ninh diễn biến khắc nghiệt, đặc biệt là tình trạng nắng nóng kéo dài, khiến nguy cơ cháy rừng tăng cao. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo an toàn cho người dân.
Cán bộ, nhân viên Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Vân Đồn phát quang, dọn thực bì, tạo đường băng cản lửa tại khu vực rừng đơn vị quản lý. Ảnh: TTTT
Quảng Ninh hiện có gần 300.000ha rừng, bao gồm, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tuy nhiên, khoảng 80% diện tích này có nguy cơ cháy cao, đặc biệt là những khu vực trồng các loại cây dễ bắt lửa như thông, keo, bạch đàn, tre và nứa. Ngoài ra, cơn bão Yagi vừa qua đã làm gãy đổ hơn 60.000ha rừng, càng làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 4 vụ cháy rừng lớn tại Đông Triều, Bình Liêu, Tiên Yên với tổng diện tích rừng bị thiệt hại gần 49ha.
Ngoài ra, trên địa bàn còn xảy ra 59 điểm cháy khác liên quan đến cây gãy đổ sau bão, cháy thực bì và cháy trên diện tích rừng sau khai thác, gây thiệt hại lên tới hơn 600ha. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do người dân đốt thực bì để chuẩn bị trồng rừng mới nhưng không kiểm soát được ngọn lửa, dẫn đến cháy lan rộng.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy rừng và giảm thiểu thiệt hại, UBND tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao giúp các đơn vị chủ động phòng ngừa, hướng dẫn chủ rừng xử lý vật liệu dễ cháy tại các khu vực rừng bị thiệt hại nhằm giảm tối đa nguy cơ xảy ra cháy, phát động chiến dịch thu dọn thực bì sau bão nhằm loại bỏ những vật liệu có khả năng dẫn cháy.
Đặc biệt, thực hiện Công điện số 36/CĐ-TTg ngày 13/4/2025 của Thủ trướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 13/4/2025. Chỉ thị yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, khẩn trương khắc phục hậu quả và phục hồi diện tích rừng bị cháy.
Bám sát chỉ đạo, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”(chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đồng thời, siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại các khu vực rừng bị ảnh hưởng do thiên tai, xử lý nghiêm các hành vi cố ý đốt, phá rừng trái pháp luật…
Tại huyện Bình Liêu, nơi vừa xảy ra nhiều vụ cháy rừng, chính quyền đã huy động hơn 560 người tham gia chữa cháy, bao gồm lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, dân quân tự vệ và người dân địa phương. Các biện pháp như tạo băng cản lửa, phun nước trực tiếp và cô lập điểm cháy đã giúp kiểm soát tình hình, ngăn chặn nguy cơ lửa lan rộng.
TP Hạ Long cũng là một địa phương chịu ảnh hưởng lớn bởi cháy rừng. Từ cuối năm 2024 đến nay, địa phương này đã ghi nhận 28 vụ cháy với diện tích thiệt hại hơn 440ha. Chính quyền địa phương đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giám sát và triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng xảy ra trong mùa khô.
Tại huyện Vân Đồn, với diện tích đất rừng trên 42.300ha, công tác phòng chống cháy rừng được triển khai nghiêm túc. 100% chủ rừng tại địa phương đã ký cam kết không đốt thực bì trong điều kiện thời tiết khô hanh nhằm giảm nguy cơ phát sinh cháy rừng trong mùa trồng rừng sắp tới.
Không chỉ tập trung vào việc phòng, chống cháy rừng, tỉnh Quảng Ninh còn đặt mục tiêu phục hồi và phát triển diện tích rừng bị ảnh hưởng sau thiên tai. Trong năm 2025, tỉnh dự kiến trồng mới gần 32.000ha rừng, gồm 2.724ha rừng phòng hộ và 29.123ha rừng sản xuất, tăng 2,4 lần so với chỉ tiêu trồng rừng năm trước. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm khôi phục sản xuất lâm nghiệp, ổn định đời sống của người dân và bảo vệ hệ sinh thái.
Đặc biệt, công tác khắc phục diện tích rừng bị gãy đổ do bão cũng được các địa phương đẩy mạnh. Các lực lượng chuyên trách đang tập trung thu dọn thực bì, tận thu cây bị thiệt hại và triển khai các biện pháp tái tạo rừng. Các chủ rừng cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền để thực hiện các quy định an toàn trong quá trình xử lý thực bì.
Có thể thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền và sự chung tay của các lực lượng chức năng cùng người dân, Quảng Ninh đang từng bước kiểm soát nguy cơ cháy rừng... Những nỗ lực này không chỉ giúp đảm bảo sự an toàn cho người dân mà còn giúp hạn chế tối đa những thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ màu xanh của rừng, góp phần quan trọng vào việc phát triển lâm nghiệp ổn định, bền vững trong tương lai.
Trước đó, từ chiều đến tối ngày 12/4, trên địa bàn huyện Bình Liêu và TP Hạ Long đã xảy ra các vụ cháy rừng, ảnh hưởng tới hàng chục hecta cây trồng và thảm thực vật.
Tại huyện Bình Liêu, đã ghi nhận ba điểm cháy chính gồm thị trấn Bình Liêu, nơi vụ cháy xảy ra lúc 18h00 tại khoảnh 6, tiểu khu 290, khu vực Pắc Liêng, với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 40ha; thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại, nơi vụ cháy bùng phát lúc 16h00 tại tiểu khu 284 Khe Ngày với diện tích chưa thống kê cụ thể và thôn Nà Nhái giáp ranh thôn Bản Ngày, xã Vô Ngại, nơi đám cháy bắt đầu lúc 15h00 tại tiểu khu 285, ảnh hưởng khoảng 1,35ha.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, đến rạng sáng ngày 13/4, toàn bộ các điểm cháy đã được khống chế hoàn toàn, không để lửa lan rộng sang khu vực rừng lân cận.
Nguyên nhân bước đầu được xác định do người dân xử lý thực bì (cành cây, củi khô cây keo, cây bạch đàn sau cơn bão số 3 năm 2024) để chuẩn bị trồng vụ mới. Trong quá trình thực hiện xảy ra dông lốc, cuốn tàn lửa gây cháy lan.
Tại TP Hạ Long, vào 20h15 ngày 12/4, một vụ cháy xảy ra tại rừng sản xuất lô 4, khoảnh 1, tiểu khu 96B, phường Đại Yên, ảnh hưởng khoảng 0,4ha cây trồng gồm thực bì, lau lách, bạch đàn và keo bị gãy đổ sau bão số 3 Yagi.
Các biện pháp chữa cháy được áp dụng gồm dùng máy bơm công suất lớn phun nước trực tiếp vào khu vực cháy, cô lập phần rừng bị cháy bằng các băng cản lửa, kết hợp với triển khai lực lượng theo dõi ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, đến 22h20 cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, không có thiệt hại về người.
Qua đánh giá sơ bộ ban đầu, đám cháy không gây thiệt hại về người, nguyên nhân và thiệt hại về tài sản đang được các cơ quan chức năng điều tra, xác minh theo quy định.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Không có mái ấm nào thực sự trọn vẹn nếu thiếu đi sự tôn trọng và an toàn cho mọi thành viên. Hiện thực ấy đã thôi thúc những người làm công tác cộng đồng, cán bộ hội, luật sư và cả những nạn nhân từng chịu tổn thương cùng chung tay hành động. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2022) đã đi vào cuộc sống, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai các mô hình phòng ngừa và can thiệp kịp thời, hiệu quả, góp phần gìn giữ sự yên ấm cho hàng trăm nghìn gia đình.
Ngọc Diễm
(Thanh tra) - Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào sáng 26/4 tại km 19 + 250 (đường lên thị trấn Tam Đảo) khiến 3 người tử vong và nhiều người bị thương nặng. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả và điều tra nguyên nhân vụ việc.
Chính Bình
Ngọc Diễm
Nguyễn Điểm
Ngọc Diễm
Phương Anh
Minh Tân
Vinh Nghị
Thùy Dương
TL
P.V
Phúc Anh
Anh Quân
Nhật Huyền
Nhật Huyền
Minh Tân