Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quảng Nam: Nỗi lo sạt lở ở Hà Tân

Ngọc Phó

Thứ bảy, 23/03/2024 - 18:01

(Thanh tra) - Thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nằm kẹp giữa nơi giao lưu của dòng sông Kôn và sông Vu Gia từ thượng nguồn đổ về. Thời gian qua, tình trạng sạt lở xảy ra khốc liệt, đe doạ đến tài sản và tính mạng con người; nhưng giải pháp và phương án chống sạt lở lâu dài chưa được triển khai do thiếu nguồn kinh phí…

Tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra phức tạp, trầm trọng xung quanh chùa Hà Tân. Ảnh: N.P

Để đảm bảo an toàn, những năm qua, chính quyền xã đã quy hoạch và vận động 40 hộ dân trong khu vực sạt lở đến nơi cao ráo dựng nhà ổn định cuộc sống lâu dài.

Hiện tại còn 4 hộ chưa di dời và ngôi chùa Hà Tân nằm sát mép nước của hai dòng sông trên.

Tiếp chuyện chúng tôi, Đại đức Thích Đồng Nhãn cho biết, chùa Hà Tân có từ năm 1959, do một chí sĩ cách mạng lui về ở ẩn làm nghề dạy học hiến tặng đất với diện tích 3.600m2.

Sau đó, người dân và các Phật tử, tăng, ni góp sức, ngôi chùa được xây dựng bề thế, trang nghiêm cho đến ngày hôm nay.

Nơi đây cũng đang thờ tự vong linh của gần 1.000 chiến sỹ Sư đoàn 304, 324, Quân đoàn 2 hy sinh trong chiến dịch giải phóng và bảo vệ Thượng Đức năm 1974 – 1975.

Do biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, lại thêm trên đầu nguồn 2 con sông có nhiều nhà máy thủy điện, tình trạng khai thác cát trên dòng sông Vu Gia tại địa phương diễn ra phức tạp; không chỉ gây sạt lở khốc liệt hai bờ sông Kôn và Vu Gia trong mùa mưa mà cả những lúc các thuỷ điện đua nhau xả nước về xuôi.

Chùa Hà Tân tự khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa bão. Ảnh: N.P

Đưa chúng tôi đi vòng quanh chùa, Đại đức Thích Đồng Nhãn chỉ tay nói, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, có điểm trồng tre chắn nước nhưng bị quật ngã la liệt. Hiện nay, nhiều điểm chỉ còn cách các hạng mục của chùa khoảng vài ba mét. Cứ đà này, chẳng bao lâu nữa cơ sở của chùa sạt lở xuống dòng sông…

Để cứu nguy ngôi chùa, những năm qua, nhà chùa áp dụng tình thế khẩn cấp bằng việc mua đá tảng, xi măng rồi khuân vác thủ công các loại vật liệu kè quanh bờ sông ngôi chùa nhằm chống đỡ phần nào tình trạng sạt lở.

Tuy vậy, phía sau chùa hiện còn 4 hộ dân nhà nằm sát bờ sông Kôn và Vu Gia trong diện sạt lở nặng, mặc dù đã nhận đất tái định cư, nhưng vẫn chưa di dời; không chỉ gây ảnh hưởng đến sự an toàn tài sản của mình mà cả khu vực nhà chùa.

Qua khảo sát khu vực nằm tại hợp lưu sông Vu Gia và sông Kôn đang có hiện tượng sạt lở mái và có xu hướng tiếp tục xói sâu nếu không có biện pháp bảo vệ. Do đó, chùa Hà Tân đề nghị xây dựng kè sông bằng hình thức thả đá có khối lượng lớn vào vị trí xói lở cục bộ dọc theo chân mái dốc bờ sông để bảo vệ chùa và các hộ dân sinh sống trong khu vực là cần thiết, phù hợp thực tế.

Nhiều điểm sạt lở đã kè nhưng vẫn tái diễn sạt lở. Ảnh: N.P

Trong đơn đề đạt với chính quyền và ngành chức năng huyện Đại Lộc và tỉnh Quảng Nam, trụ trì chùa nêu: “Nhà chùa Hà Tân thấy tình trạng sạt lở bờ sông đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của chùa và khu vực dân cư lân cận, nên đã kêu gọi các mạnh thường quân là các Phật tử, đạo hữu, nhà hảo tâm… đóng góp để lập dự án (DA) kè chống sạt lở khu vực quanh chùa và khu dân cư bên cạnh có chiều dài khoảng 200 mét, kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay DA vẫn chưa được chính quyền và ngành chức năng xem xét, chấp thuận với lý do, khu dân cư của các hộ dân đã có quyết định di dời, nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất, nên cũng chưa có quyết định thu hồi đất và không thể triển khai bất cứ DA nào tại khu vực…”.

Ngày 14/3, Văn Phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có Văn bản số 1682/UBND-KTN về việc hướng dẫn giải quyết đề nghị của UBND huyện Đại Lộc liên quan đến việc chùa Hà Tân xin sử dụng nguồn vốn công ích để làm kè bảo vệ bờ sông.

Theo đó, xét đề nghị của UBND huyện Đại Lộc tại Văn bản số 857/UBND-TCKH ngày 5/3/2024 về việc hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư công trình do tổ chức, cá nhân trong nước làm chủ đầu tư, tổ chức thực hiện nguồn kinh phí tự có của mình và hoàn thành xong bàn giao cho Nhà nước quản lý. UBND Quảng Nam yêu cầu các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ trì với các ngành liên quan nghiên cứu đề nghị của huyện Đại Lộc và tiến hành rà soát các quy định pháp luật hiện hành để hướng dẫn địa phương, chùa Hà Tân triển khai thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư công trình theo đúng quy định.

Chùa Hà Tân đang thờ tự vong linh của gần 1.000 liệt sỹ. Ảnh: N.P

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: "UBND xã đã nhận được đơn của chùa Hà Tân về việc xin lập DA kè chống sạt lở bờ sông quanh chùa và khu vực dân cư lân cận. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền đối với các hộ dân di dời vùng sạt lở giáp với chùa Hà Tân vì chưa có kế hoạch sử dụng đất. Chúng tôi nhận thấy rằng, mong muốn của chùa Hà Tân là rất chính đáng, trước tình trạng sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà chùa và khu dân cư thì việc sẵn lòng cùng với Nhà nước lập một DA chống thiên tai là rất đáng hoan nghênh".

Bà Phương giải thích thêm, việc triển khai DA từ nguồn kinh phí tự có của mình xong thì bàn giao cho Nhà nước quản lý. Chùa muốn quản lý, sử dụng đất đai thì địa phương lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt mới đúng quy định.

Vấn đề quan trọng hiện nay là, để chống sạt lở làng và ngôi chùa Hà Tân, ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam xem xét, thẩm định để DA của nhà chùa sớm được triển khai và hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm