Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phục hồi thị trường lao động cuối năm

Phương Anh

Thứ năm, 16/11/2023 - 06:36

(Thanh tra)- Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), mặc dù còn tình trạng người lao động một số ngành nghề đang bị ảnh hưởng việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, nhưng ở nhiều ngành khác thì nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động đang có nhiều cải thiện. Thị trường lao động những tháng cuối năm 2023 đang có những kết quả phục hồi tích cực.

Ảnh minh hoạ: Internet

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý 3/2023 là khoảng 54,2 nghìn người, chủ yếu là lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3%), tập trung ở ngành da giày với 31,9% và dệt may với 30,9%.

Đáng lưu ý, lực lượng lao động, số người có việc làm quý 3/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm 2022; tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4/2022 đã giảm mạnh.

Đánh giá thị trường lao động từ đầu năm đến nay, Bộ LĐTB&XH cho rằng, bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, vẫn có những ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng, nhờ đó đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cũng cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, thị trường lao động chuyển biến tích cực cũng là nhờ các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp, chương trình đề án về lao động - việc làm trong chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, trong đó có các giải pháp tăng cường kết nối cung - cầu lao động, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, quý 3, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt được những kết quả khả quan, các ngành, lĩnh vực sản xuất phục hồi, phát triển ổn định. Nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ; công nghiệp - xây dựng. Những yếu tố này đã giúp thị trường lao động “ấm” dần lên.

Nhận định của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ nay đến cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều ngày lễ lớn như Noel, Tết Dương dịch, Tết Nguyên đán, từ đó sẽ tác động tích cực đến xu hướng tuyển dụng, đặc biệt với các vị trí việc làm bán thời gian.

Dự kiến, quý IV, trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ cần từ 35.000 - 45.000 lao động. Nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tập trung ở một số lĩnh vực, ngành nghề như thương mại - dịch vụ, hoạt động sản xuất. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, nhu cầu tuyển dụng rất nhiều, có thời điểm doanh nghiệp cần tuyển hàng nghìn lao động phục vụ cho sản xuất cuối năm, để kịp tiến độ hoàn thành các đơn hàng.

Tương tự, thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Những tấm biển tuyển lao động xuất hiện phổ biến tại cổng các nhà máy, khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... nhiều doanh nghiệp tuyển với số lượng lớn từ 1.000 - 2.000 lao động. Dù vậy, mới chỉ có khoảng 20% công nhân về lại nhà máy, vẫn còn hàng nghìn vị trí việc làm đang chờ người lao động.

Còn theo nhận định của Bộ LĐTB&XH, trong quý IV, 2 địa phương cần nhiều lao động nhất là TP Hồ Chí Minh với hơn 80.000 vị trí làm việc, Bình Dương hơn 10.000 vị trí làm việc. 70% nhu cầu tập trung ở nhóm lao động có tay nghề cao, lao động phổ thông. Để kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu, các địa phương đang liên kết với nhau để phân bố nguồn nhân lực đồng đều hơn.

Theo các chuyên gia lao động việc làm, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang dần thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, thích ứng linh hoạt với sự khó khăn, áp lực của thị trường, nhu cầu của khách hàng… nên doanh nghiệp sẽ yêu cầu cao về năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân sự, từ đó tăng nhu cầu tuyển dụng nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên. Để đáp ứng được điều này, phía người lao động cần tích cực trau dồi kỹ năng, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu của các doanh nghiệp.

Để thị trường lao động phát triển ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, triển khai thực hiện Nghị quyết 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả và các giải pháp, chương trình đề án về lao động - việc làm.

Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các địa phương có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm. Cùng với đó, hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động.

Ngoài ra, bộ cũng sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm, bởi hiệu quả kết nối cung - cầu lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm thời gian qua là rất tích cực trong bối cảnh thị trường lao động vẫn phải chịu nhiều khó khăn, thách thức.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm