Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng bản trong các lĩnh vực đời sống xã hội

Văn Thanh

Thứ sáu, 24/09/2021 - 15:43

(Thanh tra) - Huyện Quan Hóa là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa, có 14 xã, 1 thị trấn và 107 bản, khu phố, trong đó 14/15 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 11.107 hộ với 48.148 khẩu, có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm dân tộc Thái, Mường, Kinh, Mông, Hoa, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 91% tổng dân số.

Nhờ sự đầu tư các chương trình, dự án, kết hợp với việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống mọi mặt của huyện vùng cao Quan Hóa dần được thay đổi. Ảnh: VT

Thực hiện tốt công tác vận động đồng bào

Hiện nay, huyện vùng cao Quan Hóa vẫn là một trong những huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến đời sống, việc làm, chăm lo phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hóa xã hội của đồng bào các DTTS. Nhiều chương trình, dự án được ưu tiên đầu tư triển khai đến vùng đồng bào DTTS đã làm thay đổi cơ bản mọi mặt về đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Trong đó có sự đóng góp của lực lượng người có uy tín, già làng trưởng bản.

Từ năm 2011-2021, thực hiện Quyết định số 18/2011QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định 12/2018/QĐ-TTg) về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, huyện vùng cao Quan Hóa đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn huyện. Trong đó giao cho Phó Chủ tịch huyện trực tiếp chỉ đạo; hàng năm, giao Phòng Dân tộc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, bầu bổ sung, lựa chọn, thay thế người có uy tín, tổng hợp, lập danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Qua công tác bầu chọn, từ năm 2012 đến năm 2018 mỗi năm có 123 người có uy tín trên 123 bản, khu phố; từ năm 2019 đến nay sau khi sáp nhập còn 107 người uy tín trên 107 bản, khu phố. Về trình độ văn hóa, độ tuổi, sức khỏe của người uy tín cơ bản đáp ứng yêu cầu có điều kiện về kinh tế, có kiến thức về văn hóa, xã hội, có trải nghiệm và kinh nghiệm cuộc sống đảm bảo tham gia thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn được phân công.

Phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trên các lĩnh vực đời sống xã hội, lực lượng này đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các chính sách dân tộc, quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến với đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đồng bào các dân tộc trong huyện luôn tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của đảng, xóa dần những tập tục lạc hậu, phát huy những giá trị tốt đẹp trong ứng xử, tổ chức lễ hội, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở địa phương.

Trong lao động sản xuất phát triển kinh tế, để góp phần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp vùng đồng bào DTTS của Trung ương và của tỉnh, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín luôn vận động đồng bào tích cực lao động sản xuất, thực hiện và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, cây con giống Nhà nước hỗ trợ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm tăng nâng xuất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, ổn định đời sống. Thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chính sách khác, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tham gia hiến đất và đi đầu tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động tham gia làm đường giao thông, tu sửa kênh mương thủy lợi, đổi mới cách làm ăn, xây dựng vườn đồi, không phá rừng làm rẫy...

Nhiều nơi, với sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, những người có uy tín đã xây dựng và đưa vào sử dụng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng... cho chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu ổn định đời sống, có nơi còn tham gia giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong khu vực, đã giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống của mình tốt hơn. Vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vận động đồng bào các DTTS phấn đấu vươn lên tự thoát nghèo, góp phần quan trọng thực hiện tăng trưởng kinh tế của huyện.

Tạo được sự đoàn kết trong nhân dân

Ngoài ra, lực lượng người có uy tín, già làng, trưởng bản còn tích cực góp phần tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh thông qua các đợt tiếp xúc cử tri các cấp, hội nghị ở thôn bản... Nhiều người uy tín đã có những ý kiến đóng góp thẳng thắn, thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế xã hội và công tác xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở, qua đó đã tạo sự đồng thuận đoàn kết thống nhất trong nhân dân.

Bên cạnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn tuyên truyền vận động nhân dân các dân tộc nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng, chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở địa phương. Bằng uy tín của mình, những người có uy đã vận động nhân dân các dân tộc đoàn kết một lòng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực xã hội, phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng giải quyết tốt những mâu thuẫn ngay trong nội bộ gia đình, dòng họ, thôn bản.

Tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng quốc phòng toàn dân, vận động đồng bào các dân tộc ngăn chặn và chống lại các luận điệu phao tin, đồn nhảm, mê tín dị đoan, sinh hoạt tín ngưỡng trái với quy định của pháp luật; ổn định định canh, định cư, không di cư tự do, không tái trồng cây thuốc phiện, tích cực xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tham gia hoà giải, giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong vùng dân tộc, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật vào vùng DTTS, góp phần làm ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng thôn bản, khu dân cư vùng đồng bào dân tộc địa bàn huyện.

Trong với lĩnh vực văn hóa dân tộc, người có uy tín đã tích cực vận động, tuyên truyền gia đình, dòng họ, trưởng bản giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình, xóa bỏ những tập tục lạc hậu giữ gìn nét đẹp phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc mình; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bài trừ mê tín lạc hậu, thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình.

Đến nay, một số tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông giảm đáng kể như tình trạng không đi đăng ký khai sinh, khai tử, vận động các gia đình tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường học đông đủ. Đồng bào các dân tộc cũng đã chủ động đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã và đang được tuyên truyền sâu rộng, phát triển mạnh mẽ đến từng thôn bản, khu phố và từng người dân. Các già làng, trưởng bản, những người có uy tín luôn nâng cao vai trò, làm công tác tư tưởng vận động đồng bào các DTTS phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau cùng phát triển, xây dựng nếp sống văn hoá mới ở khu dân cư.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, Bí thư Huyện ủy Hà Thị Hương cho biết: Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 18/2011QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định 12/2018/QĐ-TTg) về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, công tác tranh thủ người có uy tín trong vùng DTTS tại địa phương được chú trọng và cải thiện rõ nét. Vai trò của người có uy tín được phát huy, tích cực vào việc vận động nhân dân, gia đình dòng họ thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đã và đang phát huy tốt vai trò trên mọi lĩnh vực, trong các phong trào cụ thể như giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ngoài ra, lực lượng này còn tham gia giải quyết nhiêu vụ việc phức tạp trong vùng đồng bào DTTS,  góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, tạo sự đoàn kết, gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện. Từ năm 2012 đến nay đã có 104 cá nhân tiêu biểu xuất sắc được biểu dương khen thưởng của các cấp, các ngành, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng giấy khen, trong đó có 1 người được tặng bằng khen đạt thành tích 5 năm, 2 cá nhân tiêu biểu...

“Do có đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản thực hiện tốt công tác tuyên truyền cùng với các chương trình, dự án của Nhà nước đã làm thay đổi đời sống của đồng bào DTTS, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của huyện Quan Hóa là 7,5 triệu đồng, đến năm 2020 tăng lên 30,2 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 là 46,53%, cuối năm 2020 giảm còn 6,4%, đến nay huyện có 100% xã có đường giao thông đến trung xã, 99/107 bản được dùng điện lưới quốc gia, 97% hộ nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã có nhà văn hóa và trạm y tế, 75/107 số thôn bản có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trong huyện đã được cải thiện và từng bước được nâng lên, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội của đồng bào các DTTS và miền núi trong huyện được giữ vững ổn định” - Bí thư Huyện ủy Hà Thị Hương chia sẻ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm