Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phật giáo đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng cộng đồng làng xã văn minh, tiến bộ

Ngọc Anh

Thứ sáu, 05/11/2021 - 16:15

(Thanh tra) - Huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) là mảnh đất địa linh, có dấu ấn của Đạo Phật từ rất sớm. Nhân dân nơi đây đa số theo Đạo Phật và có truyền thống đoàn kết tôn giáo. Trong 5 năm qua (2016-2021), Phật giáo Thuận Thành đã đồng hành với các tầng lớp nhân dân thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng cộng đồng làng xã văn minh, tiến bộ.

Chùa Dâu (Thuận Thành) nhìn từ trên cao. Ảnh: disanvanhoathuanthanh

Hướng tới cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”

Thuận Thành có 97 ngôi chùa, trong đó có 40/97 di tích được xếp hạng di tích (2 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh) và có 8 bảo vật quốc gia về Phật giáo.

Theo Ban Trị sự Phật giáo huyện Thuận Thành, với sự ổn định về mặt tổ chức, hoạt động tích cực theo đúng Hiến chương của Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự và quy chế hoạt động của Phật giáo tỉnh, Ban đã chủ động hướng dẫn tăng, ni và đồng bào Phật tử chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, thực hành việc sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đúng pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia học tập và thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để hướng tới cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Công tác tăng sự và tự viện là một trong những vấn đề được chú trọng trong những năm qua. Toàn huyện có 51 ngôi chùa có sư trụ trì. Những chùa này đã hình thành các hội Phật tử, hội đạo tràng chân quy. Đối với chùa di tích thì đã có sự phối kết hợp với chính quyền địa phương để thành lập ban quản lý di tích theo quy định của Sở Văn hóa Thông tin và Ban Quản lý Di tích tỉnh hay Ban Hộ tự có sự kết hợp chỉ đạo của chính quyền địa phương thôn, xã cũng như phối hợp với Ban Trị sự huyện. Tổng số tăng, ni đang hoạt động hợp pháp là 61 vị, trong đó có 13 vị tỳ khiêu tăng, 41 vị tỳ khiêu ni và 7 vị sa di.

Với số lượng chùa, tự viện nhiều, số lượng tăng, ni trụ trì và kiêm nhiệm các tự viện chiếm khoảng 2/3 số lượng chùa, nên Ban Trị sự huyện đã luôn động viên chư tôn đức tăng, ni an tâm tu học và sinh hoạt Phật sự, để thúc đẩy phong trào sinh hoạt và công tác Phật sự trên tinh thần lục hoà cộng trụ, vì sự phát triển chung của Phật giáo phục vụ cho lợi ích cộng đồng…

Không ngừng nâng cao trình độ về giáo lý Phật giáo

Ban Trị sự Phật giáo huyện luôn ý thức và động viên các tăng, ni không ngừng nâng cao trình độ về giáo lý Phật giáo, cũng như kiến thức ngoại điển và các vấn đề xã hội, tăng cường sự hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để áp dụng vào đời sống tu hành thường nhật.

Trong 5 năm qua, huyện Thuận Thành có 1 vị đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ luật của Học viện Tòa án, 1 sư cô đã bảo vệ luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục của Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, 1 vị đang là nghiên cứu sinh tại Học viện Trần Nhân Tông; 1 vị đang học lớp trung cấp lý luận chính trị Trường Nguyễn Văn Cừ.

Ngoài ra, hàng năm theo luật Phật chế và thực hiện Thông bạch của Trung ương Giáo hội và công văn hướng dẫn của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự huyện triển khai thông báo để tăng, ni trong huyện thu xếp công việc tại trụ xứ để tham gia khóa 3 tháng an cư kết hạ. Hầu hết các vị sư kể cả tuổi cao, chùa cảnh phan duyên cũng đều tích cực tham gia các khóa an cư kết hạ này tại chùa Đại Thành để trau dồi Giới - Định - Tuệ và trưởng dưỡng đạo tâm. Qua các kỳ kết hạ, tăng, ni được trao truyền trình độ về Phật pháp, nội điển và ngoại điển sâu rộng hơn.

Để nâng cao nhận thức pháp luật cho tăng, ni, trường hạ còn tổ chức học tập về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo như giảng dạy về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo do Ban Tôn giáo tỉnh hướng dẫn; giáo dục về đoàn kết tôn giáo, tư tưởng Hồ chí Minh do Mặt trận Tổ quốc tỉnh hướng dẫn, và các kiến thức về quốc phòng an ninh…

Tổ chức các lễ hội trang nghiêm, tiết kiệm; nhiệt tình tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo

Thuận Thành là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá và nơi mà Đạo Phật được bén rễ từ rất sớm, nên các chùa đều gắn với lễ hội truyền thống của làng xã. Hầu hết các chùa đều cùng với chính quyền địa phương tổ chức các lễ hội trang nghiêm. Phần lễ và phần hội hài hoà trong tinh thần tiết kiệm và không mê tín dị đoan, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc dân tộc.

Ban Trị sự Phật giáo huyện Thuận Thành cùng chư tăng chùa Bút Tháp ủng hộ tịnh tài, tịnh vật cho tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương, ngày 14/5/2021. Ảnh: Chư tăng chùa Bút Tháp

Bên cạnh đó, công việc từ thiện xã hội là một một công tác quan trọng mà Ban Trị sự Phật giáo huyện luôn kêu gọi các tăng, ni và tín đồ Phật tử nhiệt tình tham gia, với tổng số hơn 20 tỷ đồng trong 5 năm.

Hoạt động từ thiện nhân đạo được hầu hết tăng, ni tham gia nhân dịp đại lễ Phật Đản, lễ, Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7... Đặc biệt năm qua, khi trận lũ lụt lịch sử mà người dân miền Trung phải gánh chịu nhiều hệ lụy, hay đợt dịch Covid 19 lần thứ 4 bùng phát, thì các cơ sở tự viện trên địa bàn đều chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn.

Tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc

Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, gắn bó với dân tộc của Phật giáo Việt Nam, thực hiện phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật, là một thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngôi nhà Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, tăng, ni và đồng bào Phật tử huyện Thuận Thành luôn hưởng ứng tích cực các phong trào xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh tại các khu dân cư.

Cùng với các đoàn thể trong toàn xã hội thực hiện các cuộc vận động và thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng nhau xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu mạnh. Đảm bảo đời sống hoà bình, ổn định, giữ gìn an ninh trật tự, tích cực tham gia chống lại các tiêu cực xã hội và tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia.

Trong thời gian qua, các vị tăng, ni và Phật tử thực hiện tốt bầu cử HĐND các cấp năm 2021. Có 1 vị tham gia vào HĐND huyện, 1 vị Ủy viên Uỷ ban MTTQ tỉnh, 2 vị là Ủy viên MTTQ huyện, một số vị tham gia vào Ủy ban MTTQ xã. Qua đó, thấy được mối quan hệ khăng khít giữa đạo và đời nhằm thể hiện nguyện vọng của đồng bào theo đạo được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.

Đẩy mạnh công tác giáo dục, hoằng pháp là một nhiệm vụ trọng tâm

Thực hiện “hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh” mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra, trong 5 năm qua, ở một số chùa trong huyện đã tổ chức giảng dạy Phật pháp lồng ghép vào các hoạt động hè của các học sinh nhân kỳ nghỉ hè, như các khóa tu cho tuổi trẻ như chùa Ngà (xã Gia Đông), chùa Linh ứng (xã Ngũ Thái).

Một số chùa cũng tổ chức những buổi thuyết giảng về giáo lý Phật Đà cho đồng bào Phật tử nhân dịp các ngày đại lễ và ngày giỗ tổ. Hướng dẫn Phật tử tụng kinh hàng ngày, truyền thụ tam quy ngũ giới và giảng dạy cho các Phật tử.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, một số chùa đã tổ chức các khóa lễ online. Vào dịp hè, các chùa không tổ chức khóa tu tập trung mà tổ chức các khóa tu cho các tu sinh tại nhà bằng hình thức trực tuyến.

Trong 5 năm tới, Ban Trị sự Phật giáo huyện cho biết, bên cạnh việc tiếp tục động viên tăng, ni và đồng bào Phật tử đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hành đúng theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn về chính sách tôn giáo, thì tổ chức và đẩy mạnh công tác giáo dục, hoằng pháp là một nhiệm vụ trọng tâm.

Kêu gọi tăng, ni coi việc tham dự các khoá an cư kết hạ là quyền lợi và nghĩa vụ của người xuất gia. Động viên toàn bộ tăng, ni trong huyện tích cực theo học các khoá an cư để trau dồi kiến thức Phật pháp, trao đổi kinh nghiệm trụ trì, và nâng cao các hiểu biết về pháp luật để việc hành đạo có hiệu quả theo mục đích và phương châm “tốt đạo đẹp đời”, “bình đẳng vị tha”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.

 Lợi Châu

19:47 23/11/2024
Trợ giúp pháp lý… “điểm tựa” cho người dân

Trợ giúp pháp lý… “điểm tựa” cho người dân

(Thanh tra) - Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, thời gian qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp, nhất là đối với người dân ở các huyện miền núi, biên giới, có đồng bào DTTS sinh sống.

Đức Anh

19:47 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm