Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Nóng” tình trạng “cát tặc”

Thứ năm, 12/12/2013 - 08:07

(Thanh tra)- Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, trên dòng sông Ayun, đoạn chảy qua địa phận các huyện Mang Yang, Ia Pa và thị xã Ayun Pa lại rộ lên nạn khai thác cát trái phép. Mặc dù UBND tỉnh Gia Lai có công văn chỉ đạo ngăn chặn, xử lý nạn khai thác cát sỏi “lậu”, nhưng chính quyền địa phương vẫn bất lực.

Sông Ayun chảy qua huyện Mang Yang bị băm vằm vì nạn khi thác cát trái phép. Ảnh: Trung Đức

Ồ ạt khai thác


Có mặt tại thôn 5, xã Ayun, huyện Mang Yang, vào một ngày đầu tháng 12, chúng tôi quan sát thấy dù đã quá trưa, nhưng trên một đoạn sông dài vẫn tấp nập người và phương tiện đang “cần mẫn” khai thác cát. Chạy dọc theo con sông là hàng chục đụn cát nằm chờ xe đến vận chuyển.


Theo tìm hiểu của PV, ngoài Doanh nghiệp Hùng Cường chuyên khai thác cát phục vụ các công trình xây dựng nông thôn mới, phần lớn các bãi cát khác đều do người dân địa phương khai thác trái phép. Thực trạng trên khiến nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng trăm hộ dân lo lắng không yên vì sông thay đổi dòng chảy, nhiều khả năng sạt lở đất canh tác.


Bà Đinh H’Yah, dân tộc Ba Na, người dân xã Ayun, ngao ngán nói: “Người ta khai thác cát dữ quá làm dòng sông sâu hoắm, mỗi khi mưa lớn hay lũ về là hai bên bờ bị ngoạm vào, gây sạt lở rất nguy hiểm. Khổ nhất là những gia đình có nương rẫy gần bờ sông, không sớm thì muộn cũng bị cuốn trôi nếu việc khai cát còn tiếp tục”.


Không chỉ ở xã Ayun mà người dân ở thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa cũng vô cùng bức xúc trước nạn khai thác cát trái phép. Hậu quả của việc làm này đã khiến bờ sông Ayun thuộc địa phận thôn Quý Đức, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa đang bị sạt lở nghiêm trọng. Không những vậy, phía bờ sông đoạn trên và dưới thuộc địa phận phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, do bị khai thác nhiều cũng bị sạt lở, khiến bờ sông tạo thành vách thẳng đứng, sâu hun hút, lòng sông ngoạm sâu vào đất rẫy, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và tài sản của người dân nơi đây.


Đáng chú ý, mặc dù UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản cấm khai thác cát trên địa bàn xã Ayun và chính quyền phường Cheo Reo đã gắn tấm biển cấm khai thác cát to tướng ngay đầu con đường dẫn vào bãi, nhưng việc khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ồ ạt từng ngày. Chỉ hơn 1 giờ đồng hồ “mục sở thị”, chúng tôi chứng kiến hàng chục chuyến xe chở cát liên tục ra vào như “chốn không người”. Trong đó, có không ít chuyến xe chở cát từ thị xã Ayun Pa xuôi về huyện Ea H’leo của tỉnh Đắk Lắk.

Khai thác cát trái phép tràn lan ở thị xã Ayun Pa. Ảnh: Trung Đức Chính quyền bất lực?


Đối với một bộ phận người dân xã Ayun, lâu nay, khai thác cát đã trở thành một nghề chính nuôi sống họ. Nếu như trước đây, phương pháp khai thác cát chủ yếu là thủ công với số lượng không nhiều, thì nay họ toàn dùng máy móc. Với “cánh tay” dài ngoằng, những chiếc máy hút cát sẵn sàng vét tất cả những hạt cát, hạt sỏi nằm tận đáy sông.


Ông Lê Văn Lộc, Trưởng thôn 5, xã Ayun cho biết: “Do không có đất sản xuất nên nhiều người dân chọn việc khai thác cát trái phép làm kế sinh nhai. Họ thường làm việc theo nhóm, từ 5 - 10 người hùn nhau mua một máy khai thác cát và làm việc vào ban đêm, để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Trong khi hút cát, họ cử người cảnh giới, nếu thấy bóng tổ kiểm tra, tổ cảnh giới lập tức thông báo để những người khai thác phía dưới nhanh chóng tẩu tán. Trung bình mỗi đêm 1 máy khai thác hơn 10m3 cát, với giá 100.000 đồng/m3. Cả thôn 5 có 44 hộ nhưng chỉ có hơn chục hộ theo nghề nông, còn lại làm đủ thứ nghề để kiếm sống, kể cả nghề khai thác cát trái phép”.


Cũng theo ông Lộc, thời gian qua, UBND xã Ayun đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát, thường xuyên kiểm tra tra tình trạng khai thác cát trái phép. Thế nhưng, “lực bất tòng tâm”, bởi lực lượng mỏng. Hễ “đánh hơi” có tổ kiểm tra, “cát tặc” lập tức “hô biến”, vì vậy nạn khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Khác với phương thức khai thác cát ở xã Ayun, nạn khai thác cát trái phép ở thị xã Ayun Pa diễn ra công khai hàng ngày, với nhiều nhóm người và phương tiện. Ngạc nhiên hơn nữa là bãi cát trái phép này chỉ cách trụ sở UBND phường Cheo Reo  chưa đến 2km, nhưng chúng tôi không thấy sự can thiệp của cơ quan chức năng?


Trước đây, việc khai thác cát vô tội vạ giữa dòng sông Ba từng làm người dân huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa đứng ngồi không yên, bởi nương rẫy, đất đai, nhà cửa của người dân ở ven sông ngày càng bị xâm hại do mỗi mùa nước lớn, con sông Ba thay đổi dòng chảy, hung hãn và dữ tợn. Nay vấn nạn khai thác cát trái phép lại tiếp tục tái diễn trên dòng sông Ayun. Không biết đến lúc nào người dân sống dọc con sông này mới được “ăn yên, ngủ yên” trên chính mảnh đất của mình?


Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm