Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 08/03/2014 - 09:11
(Thanh tra) - Giá gà lao dốc mạnh vì ảnh hưởng từ dịch cúm gia cầm (CGC) khiến cho nhiều vùng nuôi ở phía Bắc giá gà chỉ còn trên, dưới 40.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Người nuôi lỗ nặng, trong khi đó, thương lái vẫn sống khỏe, thậm chí vớ bẫm vì ăn chênh lệch cao.
Người nuôi lỗ nặng vì gia cầm rớt giá do ảnh hưởng dịch cúm.
Những ngày này, tại nhiều chợ của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, gà Yên Thế thu mua của các hộ nhỏ lẻ (không có giấy kiểm dịch) được bầy bán với giá chỉ hơn 40.000 đồng/kg. Những người bán cho biết, từ ngày có thông tin về dịch CGC lan rộng, giá gà rớt mạnh thế này.
Theo ước tính, huyện Yên Thế có gần 3.000 hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 1.000 con trở lên, tuy nhiên, hiện chỉ có 3 doanh nghiệp sản xuất thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” được kiểm soát từ con giống, thức ăn đến giết mổ, kiểm tra thú y nên vẫn tiêu thụ được bình thường. Còn lại, đa số gà nuôi của các hộ nhỏ lẻ không tiêu thụ được, người nuôi lỗ nặng khi giá từ 60.000 đồng/kg cuối năm 2013 còn khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg vào thời điểm hiện tại. Đến thời điểm này, lẽ ra phải tái đàn song nhiều hộ tạm dừng, hoặc nuôi cầm chừng.
Trong khi đó, tại nơi được coi là “vựa” gia cầm như: Chương Mỹ, Hà Nội, ông Đặng Đình Lộc, xã Đại Yên chia sẻ, gia đình nuôi 4.500 con gà đỏ, đẻ trứng thương phẩm. Lứa gà vừa bán, giá chỉ được 37.000 - 38.000 đồng/kg, bằng khoảng nửa so với năm trước. Thậm chí, có đàn, thương lái chỉ mua với giá chỉ bằng 40% so với năm trước. (Giá năm trước vào thời điểm này thương lái trả 86.000 - 87.000 đồng/kg).
Theo ông Lộc, mặc dù, có kinh nghiệm nuôi nhưng gặp dịch bệnh, cùng với lúc thị trường giảm sức mua thì việc tiêu thụ giảm kéo giá gà tụt xuống khá mạnh. Do vậy, thời điểm này, hộ nuôi nhỏ thì lỗ nhỏ, hộ nuôi lớn thì lỗ lớn. Ước tính, 1 kg gà so với năm trước giảm sút khoảng 40.000 đồng, như vậy đàn 4.500 con (trung bình 2 kg/con) thì 9.000 kg gà bán đi thu nhập giảm khoảng hơn 360 triệu đồng. Trừ tất các chi phí, đương nhiên cầm chắc lỗ hàng trăm triệu. Với nhiều hộ nuôi hàng trăm nghìn con thì còn lỗ cao hơn.
Nhiều hộ nuôi gà tại Chương Mỹ cho rằng, mặc dù, người nuôi lỗ lớn, song, đối tượng thương lái vẫn vớ bẫm, thậm chí là tận dụng thời cơ dịch bệnh để ép giá mua gà xuống thấp để ăn thêm chênh lệch. Ước tính, ở Chương Mỹ, trung bình giá gà thương lái thu mua hiện tại dưới 40.000 đồng/kg trong khi bán cho các đầu mối khác ít nhất là trên 50.000 đồng/kg là đã “vớ bẫm”. Chưa kể, giá gặp khách thương lái còn có thể bán cao hơn.
Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, hiện tại các siêu thị, giá gà, trứng gà không giảm hoặc giảm không đáng kể từ 2 - 5%. Cụ thể, giá thịt gà ta khoảng từ 130.000 đồng/kg, trứng khoảng từ 26 - 30.000 đồng/chục; giá gà công nghiệp thì từ 65.000 - 70.000 đồng/kg. Gà Yên Thế thì cao hơn, khoảng 160.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ cũng khá chậm. Thậm chí, giá gà ở tại các chợ còn cao hơn giá siêu thị như: Tại chợ Láng Hạ 160.000 đồng/kg gà ta, trứng từ 33.000 - 35.000 đồng/chục. Còn giá gà lông cũng chỉ giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg hơi so với trước đây.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, câu chuyện thương lái ép giá nông dân diễn ra hàng ngày, nhiều năm nay. Song, cứ vào thời điểm như dịch bệnh CGC lan rộng hiện nay thì lại càng có cớ để thương lái ép giá nông dân, đứng giữa ăn chênh lệch nhiều giá.
Thực tế, một số doanh nghiệp siêu thị cũng hăng hái muốn tổ chức thu mua cho nông dân nhưng vì chăn nuôi nhỏ lẻ, không có chứng nhận sản xuất sạch nên không dám mua. Vì vậy, việc thu mua vẫn phải qua thương lái nên khó có thể triệt tiêu được việc làm giá, ép giá. Cuối cùng chịu thiệt thòi, rủi ro vẫn là những hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo ông Phú, dù khó có thể triệt tiêu được việc ép giá của thương lái nhưng về việc kết nối cung cầu, kết nối sản xuất với tiêu thụ để giúp điều tiết thị trường là điều mà hoàn toàn Nhà nước có thể làm được, nhưng lâu nay vẫn chưa thấy vai trò nhạc trưởng của những cơ quan quản lý. Bởi Hà Nội và các thành phố lớn có nhu cầu tiêu dùng thịt cao hoàn toàn có thể tổ chức việc thu mua, rồi giết mổ để đáp ứng nhu cầu ăn thịt tươi, thịt sạch khoảng 1 vạn con/ngày. Nếu làm được điều này, sẽ hạn chế việc ép giá đối với nông dân, làm giá với thị trường của thương lái.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cách tốt nhất để nông dân không bị thiệt đơn, thiệt kép mỗi lúc mất mùa, mất giá hay lao đao vì dịch bệnh là tham gia liên kết vào các chuỗi sản xuất sạch, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhưng để làm được điều này cần phải thay đổi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ theo phong trào của các hộ nuôi, tham gia vào đào tạo và làm theo quy trình kỹ thuật sản xuất nghiêm ngặt.
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có thêm 26 ổ dịch CGC phát sinh tại 9 tỉnh, thành trên cả nước với số gia cầm mắc bệnh và bị tiêu hủy là hơn 80.000 con trong tuần qua. Tính đến ngày 04/3, cả nước còn 22 tỉnh, thành có dịch. Để áp dụng biện pháp cấp bách chống dịch, Cục Thú y đã cấp hơn 9 triệu liều vaccine CCG cho các địa phương. Ngoài gần 29 triệu liều trong kho thì sẽ nhập thêm 60 triệu liều vaccine ứng phó khẩn cấp CGC.
Bài, ảnh: Hữu Oanh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh