Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nỗ lực giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phương Anh

Thứ năm, 21/10/2021 - 14:33

(Thanh tra)- Giảm nghèo bền vững là chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách. Nhiều địa phương, vùng đồng bào DTTS đã có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đang đặt ra những thách thức cần có những giải pháp đồng bộ.

Theo mục tiêu Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 đến năm 2030, tỷ lệ giảm nghèo vùng DTTS giảm 3,5-4%. Ảnh minh họa: Internet

Đánh giá về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền.

Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam lần đầu tiên và là 1 trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đã hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo.

Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trung bình giảm 1,43%/năm; tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới.

Báo cáo tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 của Ủy ban Dân tộc cũng cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2020, lĩnh vực giảm nghèo nói chung và giảm nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS nói riêng tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững và ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp ở địa phương, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của đồng bào các DTTS đã tạo ra sự thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi.

Trong thời gian qua, các chương trình, chính sách đã hỗ trợ cho người dân vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, Chương trình 135 do Uỷ ban Dân tộc chủ trì đã hỗ trợ cho đồng bào DTTS 115.483 tấn giống cây lương thực, hỗ trợ 51.078 con gia súc, 124.242 con gia cầm; hỗ trợ 66.630 tấn thức ăn chăn nuôi, 492.022 liều thuốc thú y; xây dựng được 816 mô hình sản xuất (mô hình chăn nuôi, mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình trồng trọt...) với tổng số 1.697 triệu hộ hưởng lợi từ chương trình...

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, chương trình đã lồng ghép một số chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: Chương trình khuyến nông, khuyến lâm trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, vốn vay... Đến nay, có 100% xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi mới, các hộ nghèo, cận nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, kinh nghiệm sản xuất.

Đáng lưu ý, nhiều địa phương biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào DTTS và miền núi, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo cơ chế thị trường. Các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch danh thắng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh… đã khởi sắc và phát triển.

Nhờ đó, đời sống vật chất của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm: Bình quân toàn vùng DTTS và miền núi giảm 4%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 5-6%/năm trở lên. Giai đoạn 2015 - 2019, đã có 8/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Tính chung từ năm 2010 đến năm 2020, bình quân tỷ lệ giảm nghèo đồng bào DTTS mỗi năm đạt hơn 4%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn DTTS năm 2020 tăng 5 lần so với năm 2010.

Có thể nói, những kết quả trên đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của nông thôn vùng DTTS và miền núi, góp phần thúc đẩy nhanh công tác giảm nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước… Trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS tuy đã giảm mạnh nhưng chưa thực sự bền vững, có nguy cơ tái nghèo nhanh, đặc biệt khi áp dụng chuẩn nghèo mới.

Trong khi đó, chất lượng nhân lực thấp nhất; kinh tế, xã hội chậm phát triển nhất; tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Một trong những nguyên nhân đó là do điều kiện tự nhiên chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu; nguồn nhân lực hạn chế; tập quán canh tác còn lạc hậu, hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Tuy được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng tình trạng hộ nghèo và cận nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là tình trạng nghèo của người DTTS vẫn đang là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Tính đến năm 2020, hộ nghèo DTTS trong tổng số hộ nghèo cả nước chiếm đến 61,29% (trong khi đó, tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,7% dân số của cả nước).

Bên cạnh đó, chênh lệch giầu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư ngày càng lớn. Đối tượng nghèo của Việt Nam đang diễn biến theo hướng tập trung vào DTTS. Một số nhóm có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Ơ Đu 66,3%, Chứt 75,3%, Mảng 79,5%, La Hủ 83,9%...

Theo mục tiêu Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 đến năm 2030, thu nhập bình quân người DTTS theo giá hiện hành tăng gấp 4 lần so với hiện nay, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm giảm 3,5-4%, năng suất lao động xã hội vùng DTTS tăng bình quân 6-6,5%.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giảm nghèo cho rằng, để có thể tiếp tục phát huy vai trò của chiến lược công tác dân tộc giúp xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS, nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù trong đầu tư, phân bổ ngân sách Nhà nước hàng năm cho các địa phương vùng đồng bào DTTS. Các cấp chính quyền cơ sở và các cơ quan cần nâng cao trách nhiệm thực thi, tiến hành đồng bộ với những giải pháp cụ thể.

Cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là có thêm nhiều động lực để khuyến khích người nghèo DTTS chủ động vươn lên thoát nghèo. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng lưới điện, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu. Đặc biệt, có biện pháp căn cơ giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, đây là vấn đề mấu chốt thúc đẩy giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh việc đầu tư các loại cây trồng và con giống phù hợp, cần tiến hành tập huấn kỹ thuật cho người dân theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Có biện pháp theo dõi thường xuyên, động viên, khuyến khích đối với người nông dân trong quá trình lao động sản xuất. Tạo điều kiện cho họ được thăm quan các mô hình sản xuất làm ăn hiệu quả, có khả năng nhân rộng, phù hợp với điều kiện và khả năng của đa số người dân...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm