Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

No ấm Mường Do

Đơn Thương

Thứ hai, 15/11/2021 - 15:16

(Thanh tra) - Hôm ở Phù Yên, miền đất đầu tiên của khu tự trị Thái - Mèo xa xưa, trên con đường viễn lộ “nguyên thủy” lên Tây Bắc, đối diện với một mùa vàng và ngần ngật những nồi cơm trắng đầu vụ, hỏi về những đổi thay ở một nơi xa nữa của đất này, tôi đã được giới thiệu tới Mường Do.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Mường Do đã được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Đơn Thương

Xã Mường Do vốn là nơi xa với huyện, nằm trong danh sách xã 30a Phù Yên (tỉnh Sơn La), mà “tiếng tăm” về sự đổi thay đã “bay” về đến đây thì hẳn là “có vấn đề” lắm. Thế là tôi đi. 

Đổi thay ở chốn miền rừng

Đường lên Mường Do có xa, dẫu gập ghềnh, nhưng bù lại cũng dễ đi vì tuyến đường liên xã này đã được kiên cố hóa. Đường tốt, phương tiện đi lại nhiều, nên cảm giác trống vắng vốn có mà người ta hay gặp ở các miền rừng đã vợi đi rất nhiều.

Đồi núi êm đềm, xanh ngắt cây, với những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Mường dường như làm cho con đường gần như ngắn lại. Chả mấy chốc, khi những ánh nắng găn gắt vàng buổi sáng, của tiết cuối Thu, đầu Đông đủ sức xuyên thấu mây trời Tây Bắc thì chúng tôi cũng đến xã.

Hút nhờ điếu thuốc lào của anh Đinh Văn Vợi, đang tíu tít cùng vợ con thu hoạch đỗ tương - cây đặc sản của Mường Do, tôi hỏi thăm địa chỉ của một nhà giàu trong xã. Giơ bàn tay chai sạn, cần cù, vốn có của bất cứ một sơn nông nào mà người ta hay gặp trên chốn miệt rừng, anh bấm đốt liệt kê.

Hai bàn tay đã hết các đốt bấm, anh cười hiền rồi bộc bạch: Người có kinh tế khá ở Mường Do giờ khó đếm lắm. Nó nhiều đến “hết cả đốt tay” của mình rồi đấy. Gặng hỏi mãi, lại chau mày, anh dễ dãi: Tốt nhất là cán bộ tìm vào nhà Lường Văn Vương, ở bản Han 2. Ở Mường Do giờ nói đến người giàu, “nó” hay được nhắc đến lắm. “Nó” làm giàu đến cán bộ xã, cán bộ huyện còn biết cơ mà. Tên “nó” còn được ghi cả vào tờ giấy, có cái dấu đỏ của cán bộ đóng rồi gửi đi để đồng bào chỗ khác học hỏi đấy.

Bản Han 2, nơi có triệu phú Lường Văn Vương ở là 1 trong 5 bản nằm ở khu Suối Han, hình thành do những người Mường mạn Hòa Bình di về tái định cư để nhường đất cho Thủy điện Sông Đà hơn 20 năm về trước. Mùa này ở Mường Do bát ngát màu hanh vàng của đỗ tương chín.

Tìm tới nhà triệu phú Vương, anh cũng đang cùng vợ con thu đỗ tương. Vợ chồng con cái đi trước, nhổ đỗ tương xếp đống, sau đó là hàng chục con trâu bò đang đủng đỉnh “tận thu” cỏ, loang khắp một sườn đồi. Trông khung cảnh hệt như một nông trang mà người ta đã từng chứng kiến trên phim ảnh ở một nơi nào đó.

Có khách, với bản chất quý người, chai rượu mang theo để “đưa cơm” bữa trưa đã không nề hà được anh Vương mang ra đãi. Vương bảo, năm nay ngoài ngô thì đỗ tương ở Mường Do cũng khá được mùa. Ước chừng năm nay, toàn vụ, gia đình anh cũng thu được khoảng 25 - 30 triệu.

Nguồn thu ấy, so với người nông dân miền này như thế là cao, nhưng theo Vương, so với gia đình, số tiền thu ấy chỉ dùng cho… vợ đi chợ thôi. Nguồn thu lớn nhất của gia đình anh giờ là chăn nuôi đại gia súc mà lớn nhất là trâu và bò.

Hơn 100 con trâu, bò là cái anh nói làm chúng tôi phải giật mình. Hỏi lại, anh bảo, đấy chỉ là số lượng trâu, bò đã trưởng thành, còn trâu bò thuộc loại mới sinh thì… bận việc nên chưa đếm, chưa biết. Nếu có thời gian mà đếm, chắc sẽ phải hơn.

Vương bảo, trước, cũng như đồng bào Mường trên đây anh cũng no đói phập phù lắm. Chỉ biết trồng lúa, trồng ngô theo kiểu quảng canh, trồng nhiều nhưng thu ít nên lúa, ngô về nhà hàng năm không nhiều.

Đói no kéo dài, sau được cán bộ dạy cách làm ăn, lại cho vay vốn nữa nên cái đầu cũng tỉnh táo dần. Mỗi năm học một tý, mỗi năm thay đổi một tý, thế là cuộc sống dần được cải thiện.

Cái cải thiện lớn nhất và đem lại thu nhập cao nhất cho gia đình anh ấy là việc tập trung và đi chuyên sâu vào chăn nuôi đại gia súc. Để có đàn đại gia súc như bây giờ, ngoài việc tận dụng trâu bò gia đình, bà con để nhân đàn, anh còn cùng vợ con mạnh dạn vay vốn để mua thêm.

Với một trọng tâm được xác định, lại thêm kỹ thuật chăn nuôi được tiếp cận nên đàn trâu bò của anh đã vượt qua mọi bệnh tật, giá rét để phát triển. Ngoảnh đi, ngoảnh lại, ngoài việc lựa chọn đầu con đã trưởng thành để bán, đầu tư làm nhà, mua sắm vật dụng cho gia đình thì với đàn trâu bò hiện có của nhà anh, không ai bảo anh không là triệu phú.

Lại nhẩm tính, anh Vương bảo: Trung bình mỗi con trâu bò hiện có, với giá thành rẻ nhất là 5 triệu/con thì hiện tại anh đang có một khoản tài chính ước chừng lên đến 1,5 tỷ đồng.

Vốn về thức dậy đất nghèo

Ngược dòng lịch sử, trước đây, bà con Mường Do cũng khó khăn lắm. Các cụ thường có câu: “Khó bó khôn”, những năm trước đây bà con ở Mường Do cũng đã có cho mình những khát vọng để đổi đời. Nhưng đụng đâu, vướng đấy vì một nguyên nhân rất đơn giản: Thiếu tiền.

Thế rồi không để bà con chờ, với chính sách dân tộc và miền núi, các chương trình 134, 135 đồng loạt ra đời để hỗ trợ người dân. Sau điện, đường, trường, trạm, chợ thì các nguồn vốn khác như vốn cho Chương trình 167, vốn Chương trình 30a tiếp tục được triển khai để hỗ trợ cho người dân.

Cùng vốn, các chương trình làm ăn, các kinh nghiệm kỹ thuật, chăn nuôi và gieo trồng cũng đã được định hình, theo chân cán bộ lên đến với dân.

Ngoài lúa thì cái cơ bản nhất là việc chuyển đổi cây trồng đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn về cái ăn và thu nhập cho dân. Sau khi nghiên cứu, thấy đất đai ở Mường Do phần lớn đều bị tận thu, sử dụng không đúng kỹ thuật nên đều đã bạc màu. Nếu cứ huy động quỹ đất ấy vào trồng lúa thì sẽ không đem lại năng suất cho dân được.

Sau một thời gian tìm hiểu, trồng thử nghiệm, cây đỗ tương đã được đưa trồng đại trà vào Mường Do. Gần 100ha đất được thâm canh đỗ tương đã đem lại nguồn thu lớn cho dân và với sinh trưởng đại trà đã làm giàu lại cho đất.

Cùng nguồn vốn hỗ trợ, chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng chục ha ruộng được mở mới, phục hóa, gần 20ha ruộng bạc thang được cải tạo, đưa quỹ đất có cây lương thực được gieo trồng của xã lên trên 1.200ha.

Đáng chú ý nhất của các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ trong thời gian gần đây phải kể đến là vốn của Chương trình 30a. Nhờ những đồng tiền của nguồn vốn này mà hệ thống các tuyến đường vừa thiếu, vừa yếu của xã đã được cải thiện một cách kiên cố.

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại thì những tuyến đường này còn góp phần tạo thuận lợi cho thông thương. Những nông, lâm sản của người dân, thay cho việc trước đây phải mất cả ngày mới xuống được chợ thì bây giờ đã bon bon xe chạy, đi lại vận chuyển. Người dân đỡ mất sức, mất chi phí, hơn nữa hàng hóa thông thương nhiều, giá thành cũng rẻ hơn.

Từ nguồn kinh phí của các chương trình, dự án, chương trình nông thôn mới, hỗ trợ cây, con giống để người dân phát triển sản xuất nên hiện, xã đã có 125ha cây ăn quả các loại, như: Chanh leo, xoài, nhãn, cam, bơ, trong đó 74ha chanh leo đã cho thu hoạch, năng suất đạt gần 6 tấn/ha.

Ngoài ra, xã đang hướng dẫn người dân duy trì chăm sóc hơn 21ha chè lâu năm, sản lượng đạt gần 30 tấn chè búp tươi/năm; trồng mới 9ha cà phê; chăm sóc hơn 136 rừng sản xuất. Bà con duy trì chăn nuôi hơn 3.100 con gia súc và 17.800 con gia cầm các loại… Nhờ những nguồn thu này mà thu nhập bình quân của xã đạt gần 18 triệu đồng/người/năm.

Đứng trên tuyến đường mới mở bằng nguồn vốn của Chương trình 30a như bản Do 2, Suối Lồng, Bãi Lươn, bản Páp, Tân Do, bản Kiểng… anh Hoàng Văn Tanh vui vẻ cho biết: Không nhờ các nguồn vốn của Chính phủ thì không biết bao giờ dân chúng tôi mới có được những con đường liên thôn kiên cố như thế này.

Cùng với con đường mới mở, cùng sự hân hoan của anh Tanh, tôi đã thấy lấp ló bên vệ đường những quán hàng đã được mở ra. Nhờ con đường, các hình thức dịch vụ cũng bắt đầu có điều kiện phát triển. Mới đầu là manh mún, nhỏ lẻ, nhưng chỉ một thời gian nữa, theo đà phát triển, các quán hàng này sẽ là các đại lý bầy bán các mặt hàng cần thiết và là nơi thu gom nông phẩm của dân.

Do chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên các giống ngô cao sản đã được trồng, đem lại năng xuất cao và thu nhập lớn cho dân. Ảnh: Đơn Thương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé

Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé

(Thanh tra) - Vừa qua, tại Thái Bình, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé” cho hơn 300 phụ nữ tỉnh Thái Bình. Đây là hoạt động nằm trong chương trình kết hợp dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà Vinamilk đang thực hiện.

Uyên Phương

16:56 25/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm