Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những chuyến tàu chở Tết đi muôn phương

Nguyễn Điểm

Thứ năm, 27/01/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Ngoài kia, tiết trời se se lạnh, mùa Xuân đang đến thật gần. Không khí Xuân không chỉ đến giữa đất trời, đến trong lòng người, mà nó còn tràn ngập trên các sân ga, trên những chuyến tàu lăn bánh dọc theo chiều dài đất nước. Tiếng còi tàu vang lên càng thôi thúc những người làm ăn xa trở về với gia đình...

Hành khách đi tàu những ngày cuối năm luôn chứa đựng niềm háo hức, mong chờ trở về sum họp với gia đình. Ảnh: Nguyễn Điểm

Tết vui khi trọn sum vầy

Năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số hành khách đi tàu giảm nhiều so với những năm trước. Nhưng không vì thế mà làm vơi đi sự háo hức, mong chờ của hành khách nơi sân ga ngày giáp Tết.

Có mặt tại ga Hà Nội những ngày giáp Tết, chúng tôi thấy dòng người hối hả mang theo hành lý tấp nập về sân ga đợi tàu. Hiện lên trên khuôn mặt của mỗi người là niềm háo hức, mong chờ chuyến tàu khởi hành để trở về với quê hương.

Nhắc đến quê, ông Phan Văn Hai (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) chợt nhớ về cái Tết năm trước khi chuyện làm ăn thất bát, phải ở lại Hà Nội đón Tết xa quê. Năm đó, cả nhà đều mất Tết. Ông kể, ở vùng nắng gió quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì không đủ sức nuôi gia đình, chấp nhận xa vợ, con ra Hà Nội tìm công việc. Ông được nhận làm phụ hồ. Năm nay, ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, công việc làm ăn gặp nhiều khó khăn thế nhưng ông vẫn gác lại những trở ngại để về quê đón Tết. Cuối năm gom góp được chút tiền nho nhỏ, cộng với ít tiền thưởng, ông mua vài gói quà, bọc cẩn thận trong giấy báo, xem như gói ghém vị Tết của vùng Bắc để mang về cho gia đình thưởng thức.

Vội giấu những nỗi niềm chứa đựng trong đó là cả niềm vui và sự âu lo, ông Hai bày tỏ: “Năm ngoái thu nhập không nhiều tôi đón Tết ở Hà Nội, xa gia đình nhớ lắm. Cả năm trời làm ăn xa xứ, nhiều lúc nhớ gia đình đến trào nước mắt nhưng cũng chẳng dám về nhiều vì không có tiền. Năm nay công việc cũng không khấm khá hơn là mấy nhưng tôi vẫn về quê đón Tết bởi chẳng Tết nào bằng Tết quê hương”.

Thi thoảng ngoài sân ga, có những hành khách mang theo những cành đào đất Bắc vào phương Nam như thể muốn mang hết tất cả vị Tết ở nơi mà mình đã học tập, sinh sống làm việc về quê để ăn một cái Tết thật ấm, thật vui. Không ai bảo ai nhưng trên khuôn mặt họ đều toát lên sự mong chờ, mong cho chuyến tàu nhanh về đến ga để đoàn tụ với người thân, để được hít hà bầu không khí thân thuộc của quê hương mà bao lâu nay khi đi xa họ vẫn nhớ.

Trong các toa tàu, những gia đình ấm áp, hạnh phúc bên nhau. Những đứa trẻ cùng nhau chạy nhảy, nô đùa. Chị Nguyễn Thị Hằng (quê Nam Định) chia sẻ: “Hàng năm cứ sáng 30 Tết tôi cùng gia đình đón xe khách về quê ăn Tết với bố mẹ. Xe khách ngày Tết luôn đông, rất khó để đảm bảo an toàn phòng dịch. Tết này, gia đình tôi chọn đi tàu cho đảm bảo an toàn, cũng là dịp cho các con được “sống chậm hơn” có cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ dọc đường về quê ăn Tết”.

Chuyến tàu cuối năm còn có những vị khách nước ngoài chọn đi tàu để khám phá, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam qua khung cửa nhỏ chiếu ánh đèn vàng của mỗi sân ga…

Hành khách làm thủ tục, đợi tàu chuyển bánh

Chuyến tàu ngày cuối năm cũng khác nhiều so với thường lệ. Tại mỗi sân ga, những bản nhạc “chúc mừng năm mới” được phát vang đem đến không khí Tết rộn ràng. Mọi nhân viên từ lái tàu, nhân viên phục vụ... đều cố gắng đem đến cho hành khách niềm vui trọn vẹn.

Theo thường lệ, trên chuyến tàu ngày 30 Tết, buổi tối, nhân viên tàu sẽ chuẩn bị tiệc đón Giao thừa ở toa tàu. Đúng thời khắc Giao thừa điểm, trưởng tàu sẽ gửi lời chúc Tết, lì xì đến từng hành khách. Trong thời khắc thiêng liêng năm cũ chuyển sang năm mới, mọi người nhìn nhau với ánh mắt tươi vui cùng cất lên tiếng hát, lời reo “chúc mừng năm mới”. Bao lì xì đỏ trao nhau, bánh chưng, bánh tét xanh màu lá chuối non được cắt ra chia năm, xẻ bảy, ấm nồng tình cảm giữa hành khách và nhân viên đoàn tàu...

Đảm bảo an toàn trên mỗi chuyến tàu

Bên cạnh chuyến trở về của người con xa xứ, bến tàu những ngày giáp Tết còn chứng kiến câu chuyện buồn của những người ít có Tết đoàn viên. Đó là bác bảo vệ nhà ga, cô tiếp viên hay chú lái tàu... hơn nửa đời người làm nhiệm vụ chuyên chở bà con về quê nhà, cũng là ngần đó thời gian họ ít được đón Tết cùng gia đình.

Một hồi còi dài vang lên, tiếng bánh sắt lăn vào đường ray kêu ken két. Con tàu khởi hành. Đó cũng là hành trình thứ mấy trăm trong đời lái tàu của anh Nguyễn Lê Huỳnh (nhân viên lái tàu, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) mà bản thân cũng không thể nhớ hết.

Đi tàu từ năm 1988, đến nay anh Huỳnh cũng chẳng nhớ đã bao cái Tết đón Giao thừa trên tàu. Dẫu vậy, anh vẫn không tránh khỏi bùi ngùi. Anh kể, không khí chuyến tàu cuối năm đi xuyên Giao thừa lạ lắm, càng đến giờ phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ - năm mới, anh em trong tổ tàu, nhân viên với hành khách… như tình cảm hơn, thân quen hơn. Trên chuyến tàu ấy, ai nấy đều rộn ràng những câu thăm hỏi, động viên gửi đến nhau giúp cho người xa quê chưa kịp trở về đoàn tụ bên gia đình thấy ấm lòng hơn.

Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Xuân Huy (nhân viên lái tàu, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) tâm sự: “Có năm chúng tôi đón Giao thừa khi tàu đang đến thành phố Vinh, có năm thì tàu vào đến Quảng Bình nhưng cũng nhiều năm, đưa bà con vào ga Đà Nẵng thì thấy bầu trời pháo hoa sáng rực chào đón năm mới. Tàu ngày Tết lúc nào cũng đông như hội, người bồng bế con nhỏ, người mang thêm cành đào, cây quất, túi quà gói bánh… Dưới sân ga người đi, người tiễn đông đúc, rộn ràng với bao cung bậc cảm xúc. Trên tàu, hành khách rôm rả bàn chuyện đón Tết, thăm họ hàng. Tôi nhớ bố mẹ, nhớ các con tôi chứ, nhớ vợ… Dù mình làm công việc này đã quen nhưng giây lát vẫn thấy lòng chùng xuống… Ngày Tết, ai cũng muốn đoàn tụ, cũng muốn ở bên gia đình nhưng mình lấy niềm vui của hành khách để làm động lực, niềm vui cho chính mình và để nỗ lực làm việc”.

Những chuyến tàu chạy dọc theo chiều dài của đất nước, mang theo hương vị Tết của khắp mọi miền

Để đem tới sự an toàn trên mỗi chuyến tàu, áp lực và căng thẳng nhất vẫn luôn là lái tàu. Với nghề lái tàu, đêm Giao thừa cũng như ngày thường, đều không có giờ ăn, nghỉ cố định. Họ phải chờ khi tàu về đến ga mới có thể ăn cơm hoặc tranh thủ ăn luôn trên tàu. Khi Giao thừa sang, họ càng phải căng thẳng quan sát phía trước bởi mọi người đi chơi Xuân, đi lễ nhiều, nhiều người chếnh choáng hơi men, không chú ý đến đường ray, dễ xảy ra các sự cố.

“Khi ngồi buồng lái, chúng tôi phải làm việc căng thẳng, tập trung liên tục quan sát phía trước để nhận biết tín hiệu ra vào ga, các chướng ngại vật qua đường ngang để xử lý kịp thời, đồng thời để ý giờ tàu, trạng thái hoạt động của đầu máy để đưa tàu về đúng giờ, phát hiện các hư hỏng. Lúc này dường như mọi nỗi nhớ nhà bị lãng quên, ai nấy đều căng mắt, căng tai nghe và quan sát, tập trung, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện đúng quy trình tác nghiệp, chỉ mong sao kết thúc chuyến đi an toàn, suôn sẻ là niềm vui lớn nhất”, lái tàu Nguyễn Xuân Huy chia sẻ.

Cứ vậy, Tết đã đến, trong mỗi chuyến tàu dưới sự điều khiển của các anh, con tàu lần lượt dừng lại ở từng sân ga, đưa những người con xa quê về đoàn tụ cùng gia đình, xen kẽ trong đó là những bài hát Xuân rộn ràng được phát lên, cùng với tiếng cười, nói vui vẻ của mọi người. Trong số đó, các anh luôn là những người về nhà muộn nhất, rồi sau đó lại hối hả đưa những chuyến tàu chở mùa Xuân đi khắp muôn ngả, vào Nam, ra Bắc…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm