Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều chính sách chăm lo cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Trọng Tài

Thứ năm, 28/10/2021 - 22:13

(Thanh tra) - Với nhiều chính sách riêng có và cách làm bài bản, đồng bộ, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần giảm nghèo bền vững, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Với chính sách hỗ trợ của địa phương, gia đình anh Hoàng Minh Tuyển (dân tộc Tày), bản Sông Moóc B, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã xây dựng được trang trại với hơn 1.000 con gà thịt. Ảnh: Trọng Tài

Quảng Ninh hiện có 56 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS với 162.531 người, cư trú rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 50 (tháng 12/2016) “về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Cùng với đó, tháng 1/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 196 “về việc phê duyệt đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu, chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (Đề án 196).

Từ những mục tiêu, giải pháp cụ thể mà nghị quyết và đề án đưa ra, cùng sự vào cuộc trách nhiệm, tâm huyết của cả hệ thống chính trị, những năm qua, diện mạo vùng đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có sự thay đổi rõ rệt.

Tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 1,87%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2015; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao; nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững. Niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền được củng cố, tăng cường…

Đặc biệt, Quảng Ninh đã thực hiện thành công mục tiêu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh trước 1 năm so với kế hoạch.

Tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn với đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 06 “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Đây là một trong 15 chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020-2025 được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, qua đó, góp phần thực hiện khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách vùng miền.

Trên cơ sở đó, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết “về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo Nghị quyết, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn; đến hết năm 2022 không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.

Để thực hiện các chương trình theo nghị quyết, trong 5 năm, ngân sách Nhà nước các cấp sẽ dành khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương 3% tổng chi ngân sách địa phương); đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực hợp pháp khác. Riêng năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Ninh phân bổ nguồn kinh phí 200 tỷ đồng chi cho các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu và ủy thác cho vay Ngân hàng Chính sách xã hội tạo sinh kế cho đồng bào…

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đang chỉ đạo xây dựng “Đề án Tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu - Tiên Yên - Ba Chẽ giai đoạn 2021-2025".

Đây là 3 địa bàn có đông đồng bào DTTS nhất tỉnh và cũng là địa bàn khó khăn nhất tỉnh. Điều này thể hiện rõ quan điểm của tỉnh là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho vùng khó phát triển.

Với việc triển khai các chính sách sát thực tế, cách làm bài bản cùng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, tỉnh Quảng Ninh đang thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, sự chênh lệch giữa các vùng miền. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, tạo nên sức bật mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo khu vực đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm