Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhà báo nữ: Đam mê nghề & giữ lửa hạnh phúc

Thứ hai, 18/06/2018 - 06:30

(Thanh tra)- Ít ai biết rằng, đằng sau mỗi bài viết, mỗi bút danh ẩn chứa biết bao niềm vui, trăn trở, nguy hiểm và cả những hy sinh thầm lặng của người làm báo, đặc biệt với nữ nhà báo. Chỉ có niềm đam mê, tình yêu nghề và hậu phương vững chắc từ gia đình, từ độc giả mới giúp họ vượt qua thử thách, vững bước trên con đường đã chọn.

Các nhà báo nữ thuộc CLB Nhà báo nữ Việt Nam tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: PV/nguoilambao.vn

Đam mê nghề

Tại Việt Nam, số nhà báo, phóng viên, biên tập viên là nữ chiếm một số lượng lớn trong các cơ quan báo chí. Các nữ nhà báo ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và có tiếng nói trong đời sống báo chí hiện nay, đồng thời có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển không ngừng của nền báo chí nước nhà. 

Ngoài chịu áp lực trong công việc, nhà báo nữ còn mang trên vai trách nhiệm, bổn phận của người vợ, người mẹ. Do đó, họ phải nỗ lực nhiều hơn để cân bằng giữa công việc và gia đình. 

Nhà báo Nguyễn Thùy Dương, Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia từng chia sẻ: “Nếu các anh làm việc muộn, chắc chắn sẽ nhận được từ vợ một ly nước cam, một ly sinh tố. Nhưng nếu chúng tôi làm việc muộn, chắc không nhiều người nhận được sự quan tâm ấy”.

Vất vả, gian nan và mệt nhọc là vậy nhưng chưa bao giờ những nữ phóng viên, nhà báo đưa lên bàn cân để cân đong, đo đếm sự được mất của nghề. Bởi với họ, dù vất vả, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng thì nghề báo luôn đem tới cho họ nhiều điều. Đó là sự thỏa mãn đam mê, sự hiểu biết, sự trải nghiệm và những mối quan hệ mà nhiều nghề khác chẳng có được. Mỗi lần xách ba lô đi là một lần trải nghiệm với bao cung bậc cảm xúc, những nỗi trăn trở. Là sự vui mừng khi họ được thay mặt những người dân “thấp cổ bé họng”, những người nghèo khó được nói lên, phản ánh những khó khăn, nỗi oan sai mà người dân đang phải gánh chịu.

Chị Trần Minh Thủy (phóng viên Phòng Văn hóa - Xã hội, Báo Tuyên Quang) chia sẻ: “Gần 10 năm gắn bó với nghề, tôi càng hiểu rằng công việc của mình chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó gắn với những chuyến đi, những trải nghiệm có những kỉ niệm buồn, vui mãi chẳng thể quên. Công việc làm báo không phân biệt nam hay nữ, khi có sự kiện, nữ phóng viên, nhà báo cũng phải mặc ngày đêm, mặc nắng cháy hay gió bão để lên đường. Ở tỉnh miền núi như Tuyên Quang, khi tác nghiệp ở các huyện vùng sâu, xa như Na Hang, Lâm Bình, để có tác phẩm báo chí cần phải vượt khó cả quãng đường đi cơ sở. Có những lần phải mất 2 ngày mới tới các bản, có cả mồ hôi, nước mắt, sự kiên trì và cả nguy hiểm của người cầm bút. Ngoài ra, trình độ dân trí của bà con nơi đây còn hạn chế, bởi vậy trong mỗi lần khai thác thông tin, mỗi con chữ viết ra, mỗi tác phẩm được đăng đều khiến tôi trăn trở là phải làm sao viết cho thật đơn giản, gần gũi để bà con dễ hiểu mà vẫn đúng chủ trương tuyên truyền. Quý nhất là bà con nơi đây luôn có tình cảm đặc biệt dành cho chúng tôi. Mỗi khi chúng tôi lên công tác bà con luôn nhiệt tình, sẵn lòng giúp đỡ. Những điều đó là động lực để chúng tôi sống với nghề”.

Đồng quan điểm, nhà báo Lê Thị Mỹ Phượng (Chủ tịch Công đoàn Báo Xây dựng) chia sẻ: “Nghề báo đối với nam giới đã vất vả nhưng với phái nữ thì còn vất vả gấp đôi. Công việc ở một tờ báo ngành luôn đòi hỏi có sự gắn bó với công trường, đơn vị. May mắn cho tôi là có chồng cũng là bạn học, cùng nghề. Khi tôi có những chuyến công tác xa nhà, chồng tôi đã động viên hỗ trợ rất nhiều để vợ yên tâm. Khi chúng tôi có con gái đầu lòng, tôi đã dạy cháu tính tự lập từ nhỏ. Cháu luôn gương mẫu trong học tập cũng như quan tâm đến các bạn. Sau này khi chúng tôi sinh lần hai được 2 cháu trai sinh đôi, việc phối hợp giữa việc nhà, việc nghề càng phải được tính toán chi tiết. Mỗi khi cần hoàn thành bài viết ở nhà tôi phải đợi các con ngủ say hoặc tranh thủ sáng sớm khi các con còn đang ngủ để làm việc”.

Giữ lửa hạnh phúc

Áp lực về thời gian là phổ biến nhất mà bất kỳ một phóng viên nào cũng phải trải qua. Trong nghề báo, mỗi thông tin đưa ra đều phải chính xác, trung thực và khách quan. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, để tạo uy tín, thu hút đông đảo bạn đọc đòi hỏi mỗi tờ báo phải cạnh tranh để thông tin nhanh nhạy, chính xác, bám sát sự kiện. Do đó, nhà báo phải luôn trong tư thế sẵn sàng đi, sẵn sàng đến, sẵn sàng chọn lọc thông tin, sẵn sàng viết... 

“Thời gian làm việc chẳng phải 8 giờ hành chính, cần phải bố trí một cách hợp lý để đảm bảo công việc của cơ quan và gia đình. Những người phụ nữ làm báo chúng tôi luôn thầm cảm ơn người chồng, cảm ơn gia đình đã biết cảm thông chia sẻ những gánh nặng để giúp chúng tôi có thể dung hòa giữa việc làm nghề và giữ lửa gia đình”, chị Minh Thủy chia sẻ.

Chưa dừng tại đó, chuyện những nữ nhà báo, phóng viên gặp phải sự phản đối hay sự lo lắng của gia đình chẳng phải hiếm gặp.

Nhà báo Phạm Thảo (Báo Lao động Thủ đô) chia sẻ: “Nghề báo “đa-zi-năng” hơn bất kể ngành nghề nào. Trong quá trình làm việc, chuyện “ăn - ngủ” với đề tài, nhân vật hay những chuyến đi xa bất chợt là thường tình. Dẫu có không ít những vất vả trong nghề nhưng có ai được đi nhiều như nghề báo - tôi vẫn thường tự an ủi mình như thế. Mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm. Mỗi câu chuyện là cách để mình tự rút ra bài học cho mình và cho mọi người. Được thấy mình trưởng thành qua những chuyến đi, những bài viết luôn khiến tôi tự hào và yêu nghề hơn”.

“Giữ đạo đức nghề nghiệp chẳng phải là câu chuyện riêng của nhà báo nữ hay nam bởi nghề báo trước hết cần cái tâm. Tâm mình vững thì ngòi bút mới sáng” - chị Minh Thủy nhấn mạnh. Vượt lên khó khăn của nghề và giữ lửa gia đình nhưng không quên rèn luyện tâm sáng, lòng trong, bút sắc, có lẽ, đây cũng là lựa chọn của tất cả chúng tôi - những nhà báo nữ trong thời đại công nghệ số!

Nhà báo nữ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba

Nghề báo nhiều vinh quang nhưng đôi khi phải đối mặt với những nguy hiểm, cạm bẫy. Vốn được coi là phái yếu, phụ nữ luôn được nhìn nhận sẽ có nhiều khó khăn để theo đuổi công việc vất vả, áp lực lớn này. Có khi, phụ nữ phải nỗ lực làm việc gấp đôi, gấp ba mới được thừa nhận năng lực so với nam giới... Không chỉ chịu áp lực trong công việc, những nhà báo nữ còn mang trên vai vô vàn trách nhiệm cũng như phải làm tròn những thiên chức của người phụ nữ.

(Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh như vậy tại buổi giao lưu các nữ tổng biên tập diễn ra vào sáng 17/3, tại Bảo tàng Hà Nội, trong khuôn khổ Hội Báo Toàn quốc năm 2018)


Nguyễn Điểm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm