Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 03/02/2019 - 18:36
(Thanh tra)- Cuối năm thời tiết nhiều mưa, thừa gió, trong ngôi nhà nhỏ, lợp tôn cũ tại ao sen thuộc địa bàn ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nhóm nhà báo trẻ đã được người phụ nữ 25 năm trồng sen, biến vùng nước đầm lầy chua mặn thành mô hình du lịch sinh thái, kể về hành trình đi tìm, chăm lo cho những người con của người mẹ cầm súng.
Chị Hai Tiến và anh Lâm Thanh Hùng tại ao sen Phú Quốc những ngày tháng 12/2018. Ảnh: GT
Có duyên sẽ gặp
Cơ duyên để chúng tôi biết những người con của chị Út Tịch, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, nhân vật được cố nhà văn Nguyễn Thi khắc họa qua hình tượng người mẹ cầm súng, đang sống tại Phú Quốc, là một kỷ niệm đáng nhớ.
Đầu năm 2018, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình khi kể về cuộc đời hoạt động cách mạng, có nói đến tấm vải dù mà ông được chị Út Tịch tặng khi ông còn là học sinh của Trường Lý Tự Trọng thuộc khu Tây Nam Bộ những năm 1972. Nhân chuyến công tác về các tỉnh Tây Nam Bộ, qua trao đổi với cán bộ chính sách Quân khu 9, thì mới biết con cái chị Út Tịch đang sống dưới sự bảo bọc, chăm sóc của gia đình chị Hai Tiến tại Phú Quốc.
Với thói quen nghề nghiệp, chúng tôi đã ghi nhớ việc này và quyết tâm đi Phú Quốc để gặp chị Hai Tiến. Có lẽ làm việc tốt thì được giúp đỡ nên khi anh Lại Đình Hùng, một thương binh thời chống Mỹ, nhân dịp ghé thăm Phú Quốc, cũng lại mời cơm các nhà báo tại một nơi mà anh quả quyết rằng đấy là Đồng Tháp Mười thu nhỏ tại đảo ngọc. Từ nhà khách T90 của Văn phòng Quân khu 9 trên đường Trần Hưng Đạo đi đến quán ao sen khoảng gần 10 cây số, với cảnh sắc hai bên đường Dương Đông - An Thới đã bị biến dạng vì trật tự xây dựng không được quản lý tốt, nhưng gần đến ao sen thì cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp gần như được giữ nguyên, làm lòng người lắng lại.
Ngồi sát bên mép nước, nhìn đàn cá với hàng chục loài vô tư bơi lội trong không gian ao sen hồng rực được tô điểm bằng dãy chòi lá chen lẫn vài gốc tràm nước còn sót lại. Dãy núi Vô Hương sừng sững dội bóng phía sau càng làm say đắm lòng người. Điều bất ngờ là chủ quán ao sen lại là gia đình chị Hai Tiến, là nhân vật mà chúng tôi dự kiến sẽ gặp để tìm hiểu về câu chuyện hành trình đi tìm những người con của người mẹ cầm súng. Vậy là có duyên lại gặp được người và câu chuyện về tình đồng chí thời kháng chiến, tình người thời hậu chiến đã được khơi mở tại ao sen của đảo ngọc Phú Quốc.
Tình người Nam Bộ
Lịch sử chính thống viết rằng chị Út Tịch, là hiện thân cho tinh thần bất khuất trong kháng chiến chống Mỹ của người dân miền Nam. Chị sinh năm 1931, tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi với vai trò giao liên. Năm 1954, chị cùng chồng là anh Lâm Văn Tịch, không tập kết ra Bắc mà ở lại hoạt động binh vận, đánh nhiều trận, tuyên truyền vận động nhiều binh lính đối phương bỏ ngũ. Năm 1965, chị Út Tịch được cử đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang toàn miền Nam tại Hà Nội, được gặp Bác Hồ và được bầu là Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.
Câu chuyện mà chúng tôi được nghe qua lời kể của chị Hai Tiến và người chồng cũng là bộ đội chống Mỹ tại vùng căn cứ rừng U Minh thấm đẫm tình đồng chí, tình người. Chị Út Tịch khi tham gia kháng chiến đã gửi các con cho nhiều gia đình người quen, trong đó có gia đình chị Hai Tiến. Mẹ ruột chị Hai Tiến và chị Út Tịch đều có thói quen ăn trầu, nên hai người đã dùng thùng đạn cũ để đựng cau trầu, vôi têm. Hai vợ chồng chị Út Tịch đều hy sinh vì bom đạn giặc Mỹ trên đất Kiên Giang, những đứa con thì có 2 người được đưa về căn cứ, rồi sau đó ra Bắc, những người còn lại được tổ chức đưa về Cần Thơ, xuống Bạc Liêu, Cà Mau... sống nhờ nhà dân.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, con cái của chị Út Tịch được nhiều cán bộ Quân khu 9 bảo bọc, cưu mang cho đi học văn hóa, nhưng vì nhiều lý do nên họ quay trở lại mảnh đất Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, là quê hương của mẹ ruột để sinh sống. Khi đó (năm 1992), gia đình chị Hai Tiến cũng đã chuyển nhà từ đất liền ra ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc để lập nghiệp.
Thời điểm này, phần lớn người dân tại Phú Quốc đều tìm đến các khu đất có suối, có nước ngọt phía sâu trong các thung lũng để khai hoang trồng lúa, trồng tiêu, trồng sen, nuôi cá. Gia đình chị Hai Tiến đã bỏ công sức khai hoang nhiều khu đất tại xã Dương Tơ, Cửa Cạn, Bãi Thơm, An Thới,… cũng như bỏ tiền sang nhượng lại đất của các hộ dân khác để canh tác nông nghiệp. Đất mới đãi người mới, nên sau hàng chục năm đổ mồ hôi và công sức, gia đình chị Hai Tiến đã có cuộc sống khá hơn so với trước đây.
Năm 2010, khi nghe được tin các con của chị Út Tịch đã trở về dựng nhà sống gần nghĩa trang Cầu Kè, để ngày ngày chăm sóc phần mộ của cha mẹ, sau một đêm mất ngủ, vợ chồng chị Hai Tiến đã quyết định đi Trà Vinh. Do thời gian xa cách quá lâu nên khi gặp được nhau thì chỉ vợ chồng chị Hai Tiến nhận ra những đứa con của người mẹ cầm súng. Chỉ đến khi chồng chị Hai Tiến gọi tên và nói rằng “tụi bay không nhận ra anh chị sao”, thì ký ức mới dần trở lại với người con chị Út Tịch, rồi nước mắt ngày gặp mặt tuôn trào sau vòng tay ôm lấy nhau, trong nỗi xúc động của mọi người về ngày gặp mặt sau thời gian dài xa cách.
Khu ao sen là nguồn sống hàng ngày của gia đình chị Hai Tiến và là nguồn lực để chị san sẻ, chăm sóc cho các con chị Út Tịch. Ảnh: GT
Sau những cảm xúc và sẻ chia về cuộc sống, nhận thấy hoàn cảnh sống của con cái chị Út Tịch gặp nhiều khó khăn, chị Hai Tiến đã bàn bạc với gia đình là hỗ trợ cho con cái của người bạn chiến đấu bằng cách đưa họ ra Phú Quốc để bắt đầu cuộc sống mới. Lý do là gia đình chị đã có đất khai hoang tại Phú Quốc, chỉ cần chăm lao động thì đất sẽ không phụ lòng người.
Vậy là câu chuyện những người con của chị Út Tịch đã có mặt tại Phú Quốc chỉ đơn giản là tấm lòng son của những người đã sống và chiến đấu với niềm tin về cuộc sống tươi đẹp khi đất nước sạch bóng quân thù.
Mong ước giản đơn
Nói thì đơn giản nhưng thực tế là không vì ngôi nhà tạm, lợp tôn cũ được mấy người con của chị Út Tịch dựng lên để làm nơi thắp hương cho cha mẹ, cũng là nơi để buôn bán nhỏ nằm ven con đường nhựa tại ấp 2, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, lại được nhiều cán bộ địa phương với tư duy xơ cứng cho là nhà xây không phép nên liên tục đòi cưỡng chế.
Trong khi đó, hoàn cảnh của gia đình chị Hai Tiến cũng gặp khó khăn khi phần lớn diện tích ao sen lại rơi vào cảnh bị thu hồi đất cho Dự án Khu dân cư Phú Quốc Housing, dù về pháp lý thì đây là hành vi làm trái quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng bỏ lại vấn đề của gia đình mình, chị Hai Tiến đã dồn sức để lo cho đời sống các con chị Út Tịch. Cầm theo các giấy tờ có liên quan, chị Hai Tiến vào gặp chị Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang để cầu cứu. Nhờ đó, ngôi nhà tạm vẫn chưa bị cưỡng chế, nhưng sau đó vài tháng thì cán bộ UBND xã Cửa Cạn lại tiếp tục có thông báo sẽ cưỡng chế, sự việc cứ nhùng nhằng theo kiểu tạm ngừng vài tháng rồi lại có văn bản cưỡng chế.
Cuộc sống không yên ổn nên chỉ còn một người con của chị Út Tịch là anh Lâm Thanh Hùng vẫn ở lại ngôi nhà tạm để buôn bán nhỏ, sống qua ngày. Những người còn lại thì về ở chung với vợ chồng chị Hai Tiến tại ấp Suối Lớn, hàng ngày phụ giúp công việc tại quán ao sen. Khi chúng tôi đang viết về câu chuyện này thì nhận được điện thoại của chị Hai Tiến báo tin có hai người con của chị Út Tịch đang phải chữa trị tại Bệnh viện Quân y 121 tại Cần Thơ, những người còn lại vẫn chờ đợi được UBND xã Cửa Cạn bỏ lệnh cưỡng chế, cho sửa lại ngôi nhà tạm để không còn dột nước mỗi khi trời mưa, để bàn thờ anh chị Út Tịch bớt lạnh lẽo.
Với niềm tin vào Đảng và lòng tốt của các cán bộ đã giúp đỡ cho hoàn cảnh sống của những người con chị Út Tịch trong nhiều năm qua, chị Hai Tiến mong rằng cơ quan chức năng huyện Phú Quốc có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho con cái người có công với cách mạng, với quỹ đất được gia đình khai hoang từ năm 1993. Đáng tiếc là gần 1 năm qua, chị vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND huyện Phú Quốc.
Chúng tôi đã đem những điều được nghe, được thấy về đất liền để kể lại cho nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, với mong muốn với uy tín của một người đã nhiều năm gắn bó với mảnh đất Kiên Giang, ông sẽ có cách giúp đỡ phù hợp cho những người con của người mẹ cầm súng. Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã xúc động khi nghe nhắc đến việc làm có ý nghĩa của vợ chồng chị Hai Tiến. Ngoài việc sẽ có đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm đến vấn đề này, đồng thời đề nghị Báo Thanh tra phản ánh đậm nét hơn nữa về tấm gương sáng này, cùng mong ước đúng lý hợp tình, để cơ quan chức năng huyện Phú Quốc quan tâm đầy đủ đến hoàn cảnh gia đình có công với cách mạng. Việc làm này thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, là tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển, mà Chính phủ nhiệm kỳ này đang nỗ lực thực hiện.
Giáng Thăng
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh