Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Minh
Thứ tư, 09/11/2022 - 09:50
(Thanh tra)- Già làng H’Lâm ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai là một tấm gương sáng. Có những việc không ai dám nghĩ tới, không mấy ai làm được thì H’Lâm lại làm và quyết làm bằng được. Trong chuỗi dài thành tích của H’Lâm, có lẽ đặc biệt hơn cả là chuyện “dắt làng bước qua lời nguyền”, vận động bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên giới bỏ đi luật tục chôn chung, một hủ tục lạc hậu kéo theo nhiều bệnh tật.
Nữ già làng Ksor H'Blăm - già làng làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai
Vùng đất nơi biên giới
Trở lại vùng biên giới xã Ia Mơr, chúng tôi rất ấn tượng bởi những con đường bê tông trải dài, những nương lúa bạt ngàn đang mùa thu hoạch, những vườn cà phê xanh tốt, vườn điều trĩu quả, những chuyến xe nối đuôi nhau giao thương hàng hóa, minh chứng cho một vùng đất trù phú đang phát triển.
Năm 1975, hòa bình lập lại, vùng đất biên giới Ia Mơ có hai ngôi làng của đồng bào Jrai là làng Krông và làng Klăh, sinh sống ở khu vực giáp đường biên giới với nước bạn Campuchia. Trải qua hàng chục năm xây dựng và phát triển, đến nay, xã Ia Mơ đã hình thành 5 làng gồm: Làng Krông, làng Klăh, làng Hnáp, làng Khôi và làng Ring, với 630 hộ và gần 1.600 nhân khẩu, người dân tộc thiểu số Jrai bản địa chiếm hơn 65%. Do điều kiện ở vùng sâu vùng xa nên hầu hết người dân ở đây nhận thức về pháp luật còn hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn, một số tập tục lạc hậu chưa chấm dứt.
Là xã biên giới vùng sâu nên những năm qua, xã Ia Mơ nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước thông qua các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dành cho vùng biên giới. Nhờ vậy kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng kiên cố, giúp người dân thuận lợi trong sinh hoạt, đi lại. Đối với gần 170 hộ dân ở 2 làng tái định cư làng Khôi và làng Náp, sau 10 năm về nơi ở mới, cuộc sống của bà con ngày càng ổn định.
Ông Rơ Ma Hom, làng Náp, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai chia sẻ: Dân làng chúng tôi qua làng Náp đỡ vất vả, trước đây khó khăn. Bây giờ điện, đường, trường học cũng đẹp; bò cũng nuôi, điều cũng trồng, làm lúa cũng có nên đỡ hơn trước đây.
Dù khí hậu khắc nghiệt, đất đai kém màu mỡ, song nhiều năm qua, người dân trong xã không ngừng vươn lên để phát triển kinh tế gia đình với các loại cây trồng chủ lực như lúa, mì, điều, bắp… và chăn nuôi dê, bò. Nhờ vậy, đã giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã từ 118 hộ (năm 2015) xuống còn 52 hộ vào năm 2019. Ông Siu Brông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia La cho biết, gia đình trồng 100 cây điều, mang lại thu nhập cho gia đình. Ngoài ra còn làm ruộng, trồng mì, lúa, bắp… nên đời sống gia đình đã khá hơn trước rất nhiều.
Không chỉ phát triển kinh tế, người dân ở đây cũng cho biết, đời sống tinh thần của họ cũng đã có nhiều cải thiện, nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ.
Người dân được phát huy những nét đẹp văn hóa của đồng bào Jrai và được tiếp cận văn hóa, văn minh hiện đại, nhờ vậy mà hiểu biết xã hội cũng được nâng cao, đặc biệt là hiểu biết về pháp luật.
Già làng đáng kính
Khi đặt chân đến xã Ia Mơ hôm nay, chứng kiến những đổi thay của vùng đất miền biên giới này, người luôn được người dân ở đây nhắc đến với một lòng kính trọng, biết ơn không ai khác chính là già làng Ksor H’Lâm. Cuộc đời của già làng đã trải dài cùng với lịch sử ra đời và phát triển của Ia Mơ.
Năm 1962, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Ksor H’Lâm đã nộp đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Vượt qua "mưa bom, bão đạn", nữ chiến sĩ người Jrai này đã liên tục lập nhiều chiến công xuất sắc.
Đến năm 1967, Ksor H’Lâm được gửi ra miền Bắc học văn hóa, chính trị, quân sự rồi trở về quê hương.
Bà Ksor H’Lâm đã có 25 năm phục vụ trong quân đội. Khi nghỉ hưu, già về làng Krông sinh sống và được bầu làm già làng từ năm 1995 đến nay. Việc già Ksor H’Lâm được bầu làm già làng có lẽ là điều hiếm thấy vào thời điểm đó vì theo tập tục của nhiều làng, bản ở Tây Nguyên, già làng thường là nam giới.
Nói đến nữ già làng H’Lâm là nói đến một tấm gương sáng, bởi có những việc làm không ai dám nghĩ tới, không mấy ai làm được thì H’Lâm lại làm và quyết làm bằng được. Trong chuỗi dài thành tích của H’Lâm, có lẽ đặc biệt hơn cả là chuyện “dắt làng bước qua lời nguyền”, đó là vận động bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên giới bỏ đi luật tục chôn chung, một hủ tục lạc hậu kéo theo nhiều bệnh tật.
Theo truyền thống của người Gia Rai, khi chết sẽ được chôn chung một nấm mồ. Có những người vừa mới về với atâu (ông bà) chưa đầy mười ngày, thân thể chưa phân hủy thì người sau bị chết, dân làng lại “bật nắp” lên và đưa thêm vào. Đây là nguyên nhân khiến các dịch bệnh lây lan. Thương đồng bào, thương những đứa trẻ xấu số chết đi vì môi trường sống không lành mạnh, H’Lâm quyết làm cuộc vận động: “Đưa người chết ra nghĩa địa” và bỏ tập tục chôn chung.
Từ vận động đến thực tế là cả một quá trình hết sức vất vả, bản thân H’Lâm nhiều lần còn bị cả làng đòi phạt mình 5 con bò vì “vi phạm” lời nguyền vạn kiếp của ông bà để lại, có tội với atâu, có tội với yang (thần linh)... Thế nhưng, nhờ quyết tâm đến cùng, H’Lâm vẫn không bỏ cuộc và tiếp tục làm tốt công tác vận động, tuyên truyền.
Mưa dầm thấm lâu, bà con thấy H’Lâm “vi phạm lời nguyền” đã lâu mà không thấy yang phạt gì, dân trong làng không ai ốm đau, trâu bò vẫn sinh nở, lúa tốt, bắp nhiều hạt, con chuột, con hoẵng không đến phá... Thấy H’Lâm nói đúng, dân làng nghe theo, và “cuộc cách mạng dành cho người ra đi” đã thành công.
Không dừng lại, H’Lâm tiếp tục vận động bà con bỏ đi hủ tục “vượt cạn” sinh con và cả hủ tục “năn tui mí” (mẹ mất chôn con theo). Chỉ vì hủ tục lạc hậu mà bao nhiêu đứa trẻ sơ sinh vô tội đã phải ra đi cùng với người mẹ xấu số. Đến từng nhà nói chuyện, chỉ cho người dân thấy bao nhiêu cái chết thương tâm cũng vì thiếu hiểu biết, rồi giải thích ý nghĩa của việc sinh con ở bệnh xá, bệnh viện... để cho mẹ tròn con vuông, những đứa trẻ sinh ra lành lặn, mạnh khỏe.
Lúc đầu chỉ một số chị em người nhà của H’Lâm đến bệnh xá để sinh và kết quả tốt đẹp, dần dần chị em trong làng cứ sinh là đến bệnh xá... Phong trào chị em phụ nữ bỏ tục một mình “vượt cạn” đã thành công, hủ tục “năn tui mí” cũng không còn. 5 năm qua, trong làng và trên địa bàn đã hết cảnh mẹ "vượt cạn" qua đời, con phải đi theo... cái bụng, H’Lâm mừng vô kể, cuộc sống đồng bào thay đổi, no đủ, bệnh tật đã lui dần...
Trao đổi với chúng tôi về nữ già làng H'Lâm, anh Rơ Châm Phót (21 tuổi, dân tộc Gia Rai) ở làng Krông xúc động: “Nếu như ngày ấy không có già làng H’Lâm đến cứu thì bây giờ tôi và em trai Rơ Châm Phét đã không còn trên cõi đời này. H’Lâm không chỉ là ân nhân cứu mạng của anh em tôi, mà ở vùng biên giới này còn nhiều người được nữ già làng cứu lắm...”.
Đánh giá về vai trò của nữ già làng Ksor H'Lâm, lãnh đạo Huyện ủy Chư Prông khẳng định: “H’Lâm là nữ già làng đầu tiên ở vùng biên giới Gia Lai; người dân địa phương rất tự hào về bà. Trong cuộc sống, bà luôn gương mẫu đi đầu, từ tham gia cách mạng cho đến vận động và giúp bà con phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân địa phương.
Chưa dừng lại ở đó, ngoài vận động bà con vùng biên giới bỏ chặt rừng, đốt cây lấy đất trồng lúa nương, chuyển sang khai phá đất trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, phát triển mô hình VAC... thì già làng H’Lâm còn tìm cách hỗ trợ cây giống, vật nuôi, cho mượn vốn, mượn bò để bà con phát triển kinh tế.
Bà Ksor H’Liêl, một người dân ở làng Klăh cạnh làng Krông của H'Lâm, đã ngoài 80 tuổi cho biết: “Ở vùng biên giới này, già làng Ksor H’Lâm là người của Bộ đội Cụ Hồ, người đem lại hạnh phúc, niềm vui đến cho mọi nhà, mọi người. Có được cuộc sống ấm no như hôm nay, chúng tôi thực sự tự hào về nữ già làng Ksor H’Lâm”!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương