Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 06/06/2013 - 10:14
(Thanh tra) - Trong những ngày hè, trời càng nắng nóng thì các thợ điện lạnh càng phải “chạy sô” và họ trở nên vô cùng “có giá”. Họ có thể thất hẹn, không nghe điện thoại của khách, yêu cầu thêm tiền bồi dưỡng… nhưng các “thượng đế” vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Có lẽ vì thế mà người trong nghề lắp đặt, bảo dưỡng máy điều hòa thường nói với nhau đây là nghề “làm 3 tháng, nuôi cả năm”.
Thợ sửa điều hòa "đắt giá" trong những ngày hè. Ảnh: Việt Trinh
"Cháy" hàng, "cháy" cả thợ
Mùa hè nóng nực “cơn sốt” máy điều hòa nhiệt độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kéo theo tình trạng “cháy” thợ lắp đặt, bảo dưỡng. Anh Đức, Giám đốc Công ty Điện lạnh trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy cho biết: “Cháy" hàng chúng tôi còn giải quyết được chứ “cháy” thợ thì đành bó tay vì để đào tạo một thợ cứng, có kinh nghiệm, ít nhất phải mất 2 năm, chưa kể thời gian học nghề.
Anh Đức cho biết thêm, công ty của anh có hơn 50 thợ, đợt nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, công ty huy động hết quân số nhưng vẫn thiếu người trầm trọng. Công ty anh phải đào tạo cấp tốc một số thợ mới để đáp ứng đủ cho nhu cầu của khách hàng.
Anh Hưng, chủ cửa hàng điện lạnh số 5 phố Quang Trung, Hoàn Kiếm, than thở: “Cửa hàng của tôi có hơn 40 thợ chuyên lắp đặt, sửa chữa điều hòa nhưng vẫn “cháy” thợ vì nhu cầu bảo dưỡng, lắp đặt quá cao. Anh em đều phải làm 12, 13 tiếng mỗi ngày”.
Có những thợ đã “cứng” tay, ngoài giờ làm, họ còn “chạy sô” cho các cửa hàng, siêu thị. Tuy vất vả, nhưng bù lại, một ngày họ có thể kiếm hàng triệu. Những thợ sửa chữa, bảo dưỡng được loại điều hòa Inverter còn có thể kiếm nhiều tiền hơn vì loại máy này đòi hỏi kỹ thuật cao, tiền công cũng cao hơn các loại máy khác.
Không chỉ các công ty, siêu thị lớn cháy hàng, cháy thợ, mà ở các cửa hàng nhỏ lẻ cũng trong tình trạng tương tự. Việc bỗng chốc trở nên “có giá” đã khiến không ít thợ điện lạnh trở nên “kiêu”, tệ hơn là nhiều thợ lợi dụng cơ hội này để “móc túi” khách hàng một cách trắng trợn.
Nghìn lẻ một chiêu vòi vĩnh
Anh Nguyễn Văn Tuấn, giảng viên Trung tâm Dạy nghề Điện tử, Điện lạnh Cầu Giấy cảnh báo, một trong những “chiêu” mà thợ lắp đặt điều hòa hay áp dụng là ăn gian về chiều dài ống đồng, dây dẫn để tính thêm tiền. Giá của ống dẫn ngoài thị trường khá cao, khoảng 180.000 - 250.000 đồng/m, chỉ cần nói tăng thêm chút ít, họ đã có thể đút túi hàng trăm nghìn đồng. Ngoài ra, sự thiếu rõ ràng về giá thiết bị, phụ kiện khi lắp đặt cũng là một cách “móc túi” khách hàng của thợ lắp đặt, sửa chữa điều hòa. Hầu hết người tiêu dùng khi đi mua đều không nắm được giá cả các thiết bị có thể phát sinh kèm theo như ống đồng, dây dẫn điện, ốc vít, giá đỡ… Hơn nữa, khi thỏa thuận thường chỉ có giá bảo dưỡng, lắp đặt, đến khi thanh toán, thợ mới cộng tất cả các khoản. Và, bao giờ cũng là một khoản tiền gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với thỏa thuận ban đầu.
Chị Ngô Hải Hậu (Cổ Nhuế, Từ Liêm) phản ánh, nhà chị có 2 chiếc điều hòa đến thời kỳ bảo dưỡng. Chị đã gọi điện đến Trung tâm Sửa chữa Điện lạnh trên phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, là địa chỉ quen biết để thuê thợ đến nhà bảo dưỡng. Theo thỏa thuận, chị Hậu phải trả 500.000 đồng để bảo dưỡng 2 chiếc điều hòa. Tuy nhiên, sau khi làm xong, 2 người thợ yêu cầu chị Hậu phải thanh toán thêm 350.000 đồng chi phí phát sinh như tiền ống dẫn, tiền ốc vít, phụ tùng thay thế... Nghĩ tới cảnh các con đi học về, điều hòa không mát, chị Hậu đành ngậm ngùi móc ví trả số tiền đúng như thợ yêu cầu.
Một chiêu “qua mặt” khách hàng cũng thường xuyên được thợ bảo trì, bảo dưỡng áp dụng là: Khi đến làm vệ sinh, bảo dưỡng máy xong, họ đều nói máy thiếu ga và cần nạp thêm. Phần lớn các gia chủ chỉ nghe và biết vậy rồi đồng ý nạp ga, nhưng thực chất họ có nạp hay không thì chỉ có họ mới biết.
Gia đình anh Nguyễn Văn Khương (Cầu Giấy) là một ví dụ. Sau khi vệ sinh máy điều hòa, thợ bảo dưỡng tư vấn rằng, nếu muốn máy chạy khỏe thì phải nạp thêm ga, vậy là ngoài tiền bảo dưỡng máy 200.000 đồng, anh Khương phải thêm tiền ga là 150.000 đồng. Tuy nhiên, 3 ngày sau điều hòa nhà anh Khương lại trục trặc. Gọi đến cửa hàng yêu cầu bảo hành thì họ hẹn sau 2 ngày, gọi cho cậu thợ hôm trước thì không nghe máy. Ngán ngẩm, anh Khương tìm đến một công ty điện lạnh khác. Sau khi đo lượng ga bằng đồng hồ, người thợ này cho biết: “Máy không mát do thiếu… ga”. Và quả thật, chỉ số ga trong bình vẫn ở dưới mức trung bình.
Còn vô số những chiêu trò mà thợ lắp đặt, bảo dưỡng điều hòa áp dụng để moi thêm tiền của khách hàng như: Phải đi xa, trời nắng nóng hay điều hòa ở vị trí khó sửa... Với tâm lý chịu đựng cho qua, miễn sao được bảo dưỡng, lắp đặt nhanh, các “thượng đế” thường phải chịu thiệt thòi về mình.
Để tránh mất tiền oan, các chuyên gia về điện lạnh khuyến cáo, người tiêu dùng nên thỏa thuận rõ ràng về tiền công lắp đặt và giá thiết bị ngay từ ban đầu, không nên lắp đặt, bảo dưỡng vào những đợt nắng nóng cao điểm.
Việt Trinh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành