Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nếu không quyết liệt ngăn chặn thuốc lá điện tử, hậu quả sẽ rất nặng nề

Phương Anh

Thứ tư, 31/05/2023 - 17:36

(Thanh tra)- Để hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá điện tử và những ảnh hưởng của nó tới sức khỏe, nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5/2023 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), chiều 31/5, bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ PCTHTL, Bộ Y tế, đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Thuốc lá điện tử với nhiều mẫu mã đa dạng "bủa vây" giới trẻ. Ảnh minh hoạ: Internet

Theo bà Phan Thị Hải, thời gian qua, công tác PCTH thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thực trạng đáng báo động: trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.

Theo điều tra năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%.

Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%.  Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.

“Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotine”, bà Phan Thị Hải chia sẻ.

Vì vậy, theo bà Hải, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2 - 3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo Quỹ PCTHTL, Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới là người trưởng thành hút thuốc lá rất thấp so với nam giới. Tuy nhiên với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Kèm theo đó sẽ là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do hiện tượng nữ hóa vị thành niên, thanh niên, người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá.

“Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ. Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ”, đại diện Quỹ PCTHL nhấn mạnh.

Diễu hành tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: PV

Trả lời báo chí về việc nhiều người cho rằng thuốc lá điện tử không nguy hại bằng thuốc lá điếu thông thường và cho rằng đây là cách để cai nghiện thuốc lá, đại diện Quỹ PCTHTL cho biết, theo WHO, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Để làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn và tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh… trong thuốc lá điện tử. Hiện có khoảng 20,000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe.

Tại Việt Nam, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới vào nên chưa được nghiên cứu để đề xuất đưa vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, do thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không được quy định cụ thể trong Luật PCTHTL nên chưa được phép nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và lưu hành.

Ngày 24/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả của công tác PCTHTL. Chiến lược nhấn mạnh việc tiếp tục “ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”.

Để ngăn ngừa các sản phẩm này, Bộ Y tế mong có sự chung tay của các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; các cơ quan, đơn vị cần kịp thời  có  các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở, các cơ sở giáo dục đào tạo.

Các lực lượng chức năng trong phạm vi thẩm quyền, tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha

Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ PCTHTL cho biết, trong thời gian tới, Quỹ PCTHTL sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử. Tăng cường thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp liên ngành để đảm bảo hoạt động PCTHTL được triển khai toàn diện tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm