Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ năm, 30/01/2025 - 06:30
(Thanh tra) - Ẩn mình bên dòng sông Hồng có một làng quê cổ kính với nghề truyền thống "độc", "lạ" hàng nghìn năm tuổi. Nơi đây, những con rắn sống chung với người và trở thành “người bạn”, là biểu tượng văn hoá đặc trưng...
Nơi đây, những con rắn sống chung với người và là biểu tượng văn hoá đặc trưng... Ảnh: Hải Hà
Nơi chúng tôi đang nhắc tới là làng Lệ Mật nằm ở vùng châu thổ sông Hồng, thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội - ngôi làng cổ bình yên giữa lòng thành phố. Ở đây nổi tiếng với nghề nuôi, bắt rắn và những nghi lễ đặc sắc về loài rắn.
“Giữ lửa” nghề truyền thống
Một buổi chiều cuối năm, trong cái nắng hanh hao của mùa Đông xứ Bắc, chúng tôi tới thăm Lệ Mật để được “tận mục sở thị” hàng chục loài rắn và nghe kể về những sự tích đặc biệt gắn liền với nơi đây.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã làng nghề Lệ Mật chia sẻ, làng nuôi rắn Lệ Mật là một trong những ngôi làng có lịch sử lâu đời của đất Kinh kỳ từ thế kỷ XI. Làng nổi tiếng với nghề săn bắt, chăn nuôi và chế biến rắn - một nghề “độc” mà ít nơi có được.
Ông Tuấn cho biết, nghề bắt và nuôi rắn ở Lệ Mật theo tương truyền có từ hàng nghìn năm, gắn với tích truyện cứu công chúa con vua và thời kỳ "di dân lập ấp" của 13 làng trại phía Tây thành Thăng Long.
"Thuở xưa làng nổi tiếng với nghề bắt rắn do tiếp nối truyền thống của cụ Hoàng. Nhưng lớp con cháu thế hệ sau này đã hạn chế và dần ngưng việc bắt rắn do liên quan đến quy định về bảo tồn động vật hoang dã, nên cư dân trong làng chuyển sang hình thức nuôi và chế biến ẩm thực về rắn”.
Du khách đến với Lệ Mật thường ghé thăm nhà trưng bày sản phẩm truyền thống của làng nghề với rất nhiều các tiêu bản rắn. Ảnh: Hải Hà
Hiện nay, ở miền Bắc, ngoài Lệ Mật, nghề nuôi rắn cũng rất phát triển ở khu vực Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Song, ở đó không có thương hiệu làng nghề nổi tiếng và lâu năm như Lệ Mật. Làng Lệ Mật nổi tiếng từ xa xưa, du khách từ khắp nơi đổ về làng tham quan rất nhiều.
Để “giữ lửa” nghề truyền thống của cha ông, những năm 2015, 2016, các hộ dân trong làng đã thành lập câu lạc bộ làng nghề nuôi và chế biến rắn. Đến năm 2018, Lệ Mật đã chuyển sang thành lập Hợp tác xã Làng nghề Lệ Mật và phát triển đến hiện nay.
Ông Tuấn tâm sự: “Nghề nuôi rắn mang lại giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa, tác dụng trong y học, bồi bổ sức khỏe cho con người bởi mùi vị thơm ngon, nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi rắn của Lệ Mật đang đứng trước khó khăn do quá trình đô thị hoá”.
"Hiện, hợp tác xã của tôi có 35 thành viên, nhưng có nhà không còn chuồng nuôi rắn nữa do quỹ đất không còn. Các hộ chăn nuôi cũng đã ít dần, có nhà chỉ còn nuôi hơn chục con hoặc 20 con, nhà nào đất rộng thì nuôi khoảng 50, 70 con".
"Du khách vào Lệ Mật tham quan rất nhiều nhưng thường chỉ vào khu trưng bày với các tiêu bản; sản phẩm du lịch chưa được đa dạng, phong phú và sinh động, các hộ thì vẫn chăn nuôi rải rác nên du khách rất khó tìm đến từng nhà để tham quan”, ông Tuấn nêu thực tế.
Ông mong muốn làng Lệ Mật có một khu vực chăn nuôi rắn tập trung để “giữ lửa” nghề truyền thống và kết hợp với phát triển du lịch. “Khu vực chăn nuôi này chính là điều kiện để làng nghề phát triển bền vững, hiệu quả trong tương lai"…
Người dân làng Lệ Mật mong muốn có một khu vực chăn nuôi rắn tập trung để “giữ lửa” nghề truyền thống và kết hợp với phát triển du lịch. Ảnh: Hải Hà
Những kỳ vọng mới
Mong mỏi của ông Tuấn cũng là điều mà các hộ dân gắn bó với nghề truyền thống của cha ông như hộ gia đình anh Lập, chị Hường ngày đêm trăn trở. Gia đình anh chị hiện đang có nhà hàng "Vườn ẩm thực rắn ráo", là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Lệ Mật.
Chị Hường chia sẻ: Gia đình chị đã nuôi rắn từ 20 năm nay, có quy mô khoảng 50 chuồng, với hai loại Hổ mang và Hổ trâu, số lượng này chủ yếu để phục cho nhà hàng. "Đời cha ông đã gây dựng nên nghề nuôi rắn với bao vất vả, khó khăn, là thế hệ sau tôi rất mong mình sẽ góp phần phát triển thêm cho làng nghề", chị Hường tâm sự.
Không chỉ phát triển ẩm thực rắn ráo nổi tiếng, "lớp măng mọc" của làng Lệ Mật như con trai chị Hường - anh Trương Minh Khánh còn sản xuất, kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ từ da rắn với các sản phẩm như: Ví, dây lưng, giày da...
Hiện sản phẩm ví, dây lưng làm từ da rắn của gia đình chị đã được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP và có mặt ở nhiều hội chợ lớn, nhỏ trên khắp mọi miền đất nước. Đây có thể coi là một hướng đi mới của ngôi làng có lịch sử nghìn năm tuổi này.
Không chỉ phát triển ẩm thực về rắn, lớp trẻ của làng Lệ Mật còn sản xuất, kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ từ da rắn… Ảnh: Hải Hà
Tuy nhiên, chị Hường cũng trăn trở, nghề truyền thống của gia đình đang gặp khó khăn do diện tích đất ngày càng chật hẹp, không có không gian để mở rộng chuồng trại, phát triển nghề.
“Tôi rất mong có một khu chăn nuôi rắn tập trung cho làng Lệ Mật. Đây không chỉ là nơi “giữ lửa” nghề truyền thống mà còn là nơi phát triển du lịch làng nghề để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về một làng nghề độc đáo của Việt Nam”, chị Hường tâm sự.
Chia sẻ với mong mỏi của người dân, hiện quận Long Biên đã xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề và tìm hướng đi mới, tập trung vào việc cung cấp sản phẩm du lịch với nhiều sản phẩm đa dạng.
Đặc biệt, quận đã nghiên cứu hình thành khu vườn bảo tồn rắn tại Lệ Mật để tạo thành điểm nhấn trong làng. Ngoài các tiêu bản trong khu trưng bày thì sẽ có khu vực rắn được nuôi tập trung để giới thiệu đến với du khách.
Khu vực nuôi rắn vừa có không gian phát triển nông nghiệp vừa có khu chăn nuôi, bảo tồn rắn, khu trình diễn rắn… để phục vụ cho rất nhiều đối tượng từ học sinh đến thăm quan trải nghiệm đến khách từ các tỉnh, thành và quốc tế. Đây cũng sẽ là “kênh” kết nối với các nhà hàng ẩm thực rắn ở làng Lệ Mật.
Không chỉ phát triển ở làng Lệ Mật, quận cũng đẩy mạnh xúc tiến với các cơ sở chăn nuôi rắn khác như kết nối với trại rắn Đồng Tâm ở Tiền Giang để đưa rắn Lệ Mật trở thành đại lý cho các sản phẩm của Đồng Tâm, hay xúc tiến thương mại với khu nuôi rắn của Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, từ đó đưa Lệ Mật trở thành trung tâm của khu vực nuôi và bảo tồn rắn trong nước.
Về chiến lược dài hơi, Long Biên sẽ liên kết xúc tiến với Thái Lan, Trung Quốc… để mở rộng quy mô, thị trường phát triển, xây dựng và đưa Lệ Mật thành điểm du lịch làng nghề nổi tiếng với đặc trưng độc đáo của chính mình.
Trong năm 2024, tin vui đến với người dân làng Lệ Mật là làng đã được thành phố công nhận là điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô. Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân Lệ Mật. Đồng thời, cũng góp phần thúc đẩy người dân địa phương bảo tồn, phát huy di sản.
Năm mới Ất Tỵ đang gõ cửa từng nhà, với người Phương Đông nói chung và người làng Lệ Mật nói riêng, năm Ất Tỵ có một ý nghĩa đặc biệt, bởi họ quan niệm “rắn là loài vật mang đến sự may mắn, thịnh vượng”. Chia tay làng Lệ Mật, chúng tôi cũng kỳ vọng vào một năm mới với may mắn, trù phú và an lành.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công ty TNHH Đại Tâm Phát Nha Trang đã bị UBND TP Nha Trang xử phạt số tiền 96,5 triệu đồng do Nhà hàng Aroma Beach của Công ty này bán các món ăn giá “cắt cổ” như: Cà tím nướng mỡ hành 1.890.000 đồng/phần, rau muống xào tỏi có giá 500.000 đồng/đĩa, cơm trắng 250.000 đồng/phần…
Trần Lê
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 17/2/2025 về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã phấn đấu giải ngân đạt 100% tổng vốn đầu tư công năm 2025.
Trần Kiên
Phương Anh
Hương Trà
Trần Lê
Trần Quý
PV
Văn Thanh
Trần Lê
PV
T.Vân
Trần Quý
Văn Thanh
Bùi Bình
Hương Giang
Hoàng Long
Trần Kiên