Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm Nhâm Dần và câu chuyện nuôi hổ để bảo tồn

Quang Đông

Thứ ba, 08/02/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Hơn 30 năm qua, quần thể hổ tự nhiên đã suy giảm đáng kể tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Trong khi đó, hoạt động nuôi nhốt hổ “không vì mục đích thương mại” do các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện lại đang phát triển rất mạnh với số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tăng dần qua các năm.

Thiếu các quy định quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ sẽ là cơ hội cho các đối tượng mua bán, trao đổi các sản phẩm từ hổ vì mục đích lợi nhuận. Ảnh: QĐ

Hổ có thể đã tuyệt chủng tại các khu rừng Việt Nam?

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2009 trở lại đây, không có ghi nhận nào về hổ hoang dã tại Việt Nam. Và Việt Nam cũng không thực hiện khảo sát quốc gia về hổ tự nhiên. Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức, nhưng tính tới thời điểm hiện tại, nhiều nhận định cho rằng hổ có thể đã tuyệt chủng tại các khu rừng Việt Nam.

Trong bối cảnh hổ đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, hoạt động nuôi hổ để bảo tồn được đánh giá là một giải pháp cần thiết để góp phần phục hồi quần thể hổ tự nhiên tại Việt Nam.

Việc nuôi hổ với mục tiêu phục hồi, tái thả về môi trường tự nhiên là một quá trình lâu dài, tốn kém và đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể cũng như đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, để đảm bảo hổ được nuôi nhốt phải có nguồn gen thuần chủng của phân loài hổ Đông Dương. Hổ cần phải có sức khỏe đảm bảo, mang đầy đủ bản năng tự nhiên cũng như xác định được môi trường tái thả và kế hoạch tái thả phù hợp.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong hơn 10 năm qua, số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tại Việt Nam đã tăng mạnh từ 97 cá thể (năm 2010) lên tới 364 cá thể (năm 2021) tại 22 cơ sở, chủ yếu là các trang trại và sở thú tư nhân.

Dù tất cả các cơ sở này đều đã được đăng ký hoặc đặt dưới sự quản lý của các cơ quan chức năng để nuôi hổ “không vì mục đích thương mại”. Nhưng đối chiếu với các điều kiện và mục tiêu của hoạt động nuôi hổ bảo tồn, ENV cho rằng không có cơ sở nào trong những cơ sở nuôi nhốt hổ hiện nay đảm bảo được tiêu chí này.

Quan điểm này cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định năm 2012 khi tiến hành đánh giá các cơ sở nuôi nhốt hổ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ: “Hiện nay, các cơ sở không phân biệt được các phụ loài hổ, việc nuôi nhốt chung giữa các phân loài dẫn đến di truyền cận huyết, lai chéo giữa ba phân loài hổ, thế hệ F1 sinh ra không có khả năng thích nghi và không có ý nghĩa đối với bảo tồn hổ tự nhiên ở Việt Nam”.

Ngăn chặn núp bóng nuôi hổ bảo tồn để buôn bán động vật hoang dã

Cho đến thời điểm hiện nay, các quy định quản lý đối với các cơ sở nuôi nhốt hổ và động vật hoang dã (ĐVHD) khác “không vì mục đích thương mại” vẫn chưa hoàn thiện, bài toán đóng góp cho công tác bảo tồn hổ chưa giải quyết được.

Theo quy định hiện hành, tại những cơ sở nuôi hổ “không vì mục đích thương mại”, chủ cơ sở không bị yêu cầu kiểm soát sinh sản hay đảm bảo nguồn gen thuần chủng, khỏe mạnh của hổ mà chỉ cần thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi. Việc xử lý hổ, các loài ĐVHD chết tại những cơ sở này, hay trong trường hợp cơ sở bị hủy mã số, rút giấy phép cũng chưa được quy định.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: Hoạt động nuôi nhốt hổ “không vì mục đích thương mại” sẽ có thể được coi là nguồn cho công tác bảo tồn hổ nếu được đặt dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Việc thiếu các quy định toàn diện để quản lý hoạt động này sẽ là cơ hội cho các đối tượng núp bóng cơ sở được cấp phép lén lút mua bán, trao đổi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác vì mục đích lợi nhuận.

ENV đề xuất Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để thắt chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ tại Việt Nam. Trong đó, cần ban hành một chính sách cá biệt với hoạt động nuôi nhốt hổ. Quy định kiểm soát sinh sản đối với hổ nuôi nhốt nhằm đảm bảo duy trì số lượng hổ chỉ ở mức hỗ trợ cho công tác bảo tồn, cũng như xây dựng các cơ chế giám sát để đảm bảo các cơ sở không tham gia vào bất kỳ hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép nào.

Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiến hành hoạt động “điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi thực hiện qua hồ sơ gen, hình ảnh, gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu”.

Đây được xem là cơ sơ dữ liệu, công cụ cho việc thắt chặt quản lý các cơ sở nuôi nhốt hổ “không vì mục đích thương mại”. Việc làm này, không chỉ để đảm bảo hoạt động bảo tồn hổ trong tự nhiên tại Viêt Nam, mà còn thực hiện Hiệp ước Quốc tế về bảo tồn ĐVHD mà Việt Nam đã là thành viên từ năm 1994.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách đối với người có công

Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách đối với người có công

(Thanh tra) - Thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại Điện Biên được chi trả kịp thời, đúng đối tượng; đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được quan tâm hỗ trợ.

Trần Trung

17:51 22/11/2024
Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

Nghệ An mở đợt cao điểm kiểm tra trên biển xử lý tàu cá "3 không"

(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...

Văn Thanh

12:44 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm