Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Mục tiêu đến năm 2030 không còn ca tử vong do bệnh dại

Lê Phương

Thứ ba, 28/09/2021 - 21:39

(Thanh tra)- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến đã chia sẻ như vậy tại hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021, góp ý Dự thảo Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 và Mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại, do Bộ NNPTNT chủ trì tổ chức, diễn ra ngày 28/9.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: LP

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2017 - 2021, có 41 tỉnh, thành phố báo cáo phát hiện và xử lý tổng cộng 15.082 con chó (chiếm khoảng 0,04 tổng đàn) và 6 con bò, bê nghi mắc bệnh dại; trung bình mỗi năm xử lý 3.016 con vật. Cả nước có 35 tỉnh, thành phố tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm bệnh dại với tổng số 2.068 mẫu được xét nghiệm, trong đó có 227 (10,98%) mẫu dương tính với vi rút dại. Đây là các mẫu bệnh phẩm được lấy từ chó nghi mắc bệnh dại nên tỷ lệ dương tính là khá cao.

Về tình hình bệnh dại ở người, trong giai đoạn 2017 - tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố; trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016 (438 người tử vong tại 48 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có 88 người tử vong).

Có 23/63 tỉnh, thành phố không ghi nhận ca mắc bệnh dại trên người liên tiếp trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn.

Cả nước đã xây dựng được 14 vùng an toàn dịch bệnh bệnh dại. Tỷ lệ đàn chó được tiêm vắc xin phòng bệnh dại tăng từ 38,5% lên 49,2%. Tuy nhiên, với tổng số đàn chó nuôi lớn, hiện có khoảng 7,5 triệu con, nguy cơ bệnh dại có thể xảy ra trong thời gian tới là rất cao.

Tại hội nghị diễn ra mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại lần thứ 15 với chủ đề "Bệnh dại: Hãy hiểu biết, đừng sợ”, lãnh đạo Bộ NNPTNT, Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức và thực hành phòng, chống bệnh dại để cứu sống con người; đồng thời nhấn mạnh vai trò của chính quyền các cấp trong công tác chỉ đạo, phòng chống bệnh dại dựa trên nền tảng vững chắc của ngành Thú y, ngành Y tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; tăng cường nhận thức đối với các biện pháp phòng bệnh và mở rộng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó cắn.

Giai đoạn 2017 - 2021, dù Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống bệnh dại nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại. Số ca tử vong do bệnh dại hàng năm có giảm nhưng chưa bền vững, số địa phương có bệnh dại chưa giảm so với giai đoạn 2011 - 2016.

Nguyên nhân là do việc quản lý đàn chó và tỷ lệ tiêm vắc xin phòng, chống dại cho đàn chó tại nhiều địa phương còn thấp. Việc tiếp cận vắc xin điều trị dự phòng tại khu vực biên giới, vùng sâu, xa còn khó khăn, đồng thời nhận thức của một bộ phận người dân về bệnh dại còn hạn chế...

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm, truyền lây giữa động vật và người, nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin cho động vật, chăm sóc y tế kịp thời, phù hợp với những người không may bị chó cắn.

Trên thế giới, mặc dù bệnh dại đã được phát hiện cách đây trên 4.000 năm, nhưng đến nay bệnh vẫn xảy ra tại trên 150 quốc gia, trung bình hàng năm có khoảng 59.000 người chết vì bệnh dại, hàng chục triệu người bị phơi nhiễm bệnh dại phải điều trị dự phòng gây tổn thất hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Ở Việt Nam, bệnh dại xuất hiện cách đây hơn 100 năm, nhưng hiện nay trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 80 - 110 người chết vì bệnh dại, khoảng 500 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng gây thiệt hại trên 500 tỷ mỗi năm.

Nhận thức được tầm quan trọng và mức độ nguy hiểm của bệnh dại, hàng chục năm qua, Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, được thể hiện ở nhiều nội dung như: Ban hành cơ chế, chính sách và quy định cụ thể về phòng, chống bệnh dại ở động vật và ở người; tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, nhất là công tác thông tin, truyền thông, thay đổi nhận thức, hành vi trong việc quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo; tăng cường năng lực quản lý, chủ động giám sát, đảm bảo và xử lý các trường hợp chó mắc bệnh dại, điều trị dự phòng cho người không may bị chó cắn.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định bệnh dại gây hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều lĩnh vực. Với mục tiêu 2030 không còn ca tử vong do bệnh dại, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Y tế Dự thảo Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 với các mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

Triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý đàn chó, mèo; đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin, xử lý bệnh dại theo quy định của Luật Thú y; tăng cường giám sát, phát hiện bệnh dại với sự tham gia của cộng đồng; chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin kịp thời giữa các ngành về biện pháp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng, chống bệnh dại, hành vi nuôi chó thả rông... theo quy định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm