Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mong ước của một cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa

Thứ ba, 11/07/2017 - 06:35

(Thanh tra)- Tháng 7 là thời gian để các cấp, ngành nhìn lại những hi sinh, mất mát của người có công trong hai cuộc kháng chiến. Câu chuyện dưới đây cho thấy, vẫn còn đó những nỗi buồn thời bình cho người chiến sỹ từng xông pha trận mạc, vì cách làm chính sách cứng nhắc, vô cảm tại cấp cơ sở.

Đã hơn 20 năm nhưng chính sách được mua nhà tái định cư của cụ Xâm vẫn chưa được giải quyết xong. Ảnh: Giáng Thăng

Nỗi đau thời chiến

Từ thông tin của Cục Chính sách Quân khu 7, chúng tôi gặp cụ Lê Thị Xâm tại căn nhà tạm (vốn là kho hàng đang thuộc diện quy hoạch chờ giải tỏa cho một dự án giáo dục trên đường Nguyễn Văn Linh), thuộc địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.

Trong tiếng mưa đổ dồn dập trên mái tôn cũ, cụ Xâm kể rằng: Tháng 2/1945, khi mới 16 tuổi, cụ thoát ly gia đình đi theo cách mạng làm giao liên, tham gia dân quân du kích hoạt động tại khu vực nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Những năm tháng hoạt động cách mạng, cụ đã đã có nhiều lần vào sinh ra tử với hàng loạt trận chống càn lớn, nhỏ. Từ cô gái trẻ làm giao liên xông pha trận mạc, cụ Xâm trưởng thành, trở thành Tiểu đội trưởng liên lạc du kích hoạt động tại xã Phong Đước, huyện Cần Giuộc, Chợ Lớn (nay là xã Phong Phú, huyện Bình Chánh). 

Năm 1947, cụ được cấp trên tin cậy giao nhiệm vụ chỉ huy Đội 2 biệt động thuộc Tiểu đoàn 307. Tham gia 9 năm chiến đấu trên các mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn, Giồng Ông Tố, An Phú Đông, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước khi xuống tàu tập kết ra miền Bắc, cụ là Đại đội trưởng du kích hỗ trợ đặc công thuộc Tiểu đoàn 307.

Trong những năm tháng khói lửa chiến tranh đó, tình yêu giữa nữ chỉ huy dân quân cùng chiến sĩ quân y Lưu Đình Tích nảy nở. Đám cưới đơn sơ được tổ chức ngay trong căn cứ kháng chiến và hai người con trai lần lượt ra đời là Lưu Đình Lẹ và Lưu Đình Gòn. Hai người con lớn lên trong lửa đạn. Nhưng năm 1952, nỗi đau đổ xuống người nữ chỉ huy du kích trẻ. Trong một trận càn của quân Pháp vào căn cứ, sợ bị lộ đồng đội đã bịt miệng để hai cháu đừng kêu khóc. Điều không ngờ, vì quá vội vàng, bàn tay thô ráp của đồng đội đã bịt luôn mũi làm hai cháu ngạt thở. Bị ngạt, hai cháu càng vùng vẫy, càng bị xiết chặt. Khi quân Pháp đi qua, mọi người nhìn lại đã thấy hai cháu nhỏ đã tím tái, tắt thở từ lúc nào. Cùng một lúc người mẹ trẻ đã hy sinh cả hai con trai của mình. Nén nỗi đau mất con vào lòng, vợ chồng cụ tiếp tục cầm súng đánh giặc.

Không chỉ gánh trên mình nỗi đau của người mẹ có hai người con trai hy sinh, cụ còn là con liệt sĩ. Cha cụ là chiến sỹ cách mạng Lê Văn Côn trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1946, do cơ sở bị lộ, cha cụ đã bị thực dân Pháp bắt giam tại huyện Xuyên Mộc. Những đòn tra tấn dã man của bọn thực dân không làm khất phục được ý chí của người chiến sĩ cách mạng. Năm 1947, cha cụ được thả tự do nhưng không lâu đã qua đời do hậu quả của những đòn tra tấn trong tù.

Nỗi buồn thời bình

Sự mất mát trong chiến tranh quá lớn, nhưng cụ Xâm lại tiếp tục phải chịu nỗi đau thời bình suốt hơn 20 năm qua. Đó là nhà cửa bị cưỡng chế giải tỏa, cuộc sống vô gia cư phải nay đây mai đó, đến chỗ để đặt bàn thờ cho người cha liệt sĩ, chồng và hai người con đã hy sinh cũng không có nơi ổn định.

Ngay sau khi đất nước thống nhất, cụ Lê Thị Xâm đã trở lại Sài Gòn để tìm hài cốt, lo hương khói cho hai người con trai đã hy sinh. Cụ không chờ sự bố trí nhà của Nhà nước. Năm 1976, với số tiền dành dụm, cụ mua ngôi nhà số 17 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, có diện tích hơn 90m2 để làm nơi ở và làm nơi thờ tự cho cha, chồng và hai con trai.

Theo hồ sơ của UBND quận 1, vào năm 1994, thực hiện chủ trương giải tỏa di dời để chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhà của cụ Xâm đã bị giải tỏa. Gia đình cụ đã chọn phương án mua nhà tái định cư và đã ký nhận 90 triệu đồng đền bù. Sau đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 6651/QĐ-UB ngày 11/12/1998, giải quyết cho gia đình cụ mua căn hộ lô C chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu quận 1, nhưng vì không có quỹ nhà nên việc này không được thực hiện.

Trong thời gian chờ mua nhà tái định cư, cụ Xâm chuyển đến sống cùng gia đình con gái là bà Lưu Thị Thu ở nhà số 1Kép/5L đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1. Tuy nhiên, chỉ ở trong một thời gian ngắn, ngôi nhà này cũng bị giải tỏa giao cho doanh nghiệp làm dự án bất động sản. Một lần nữa, cụ Xâm lại phải mang di ảnh của cha, chồng và hai người con trai theo con gái chuyển đến nhà số 11/11 tầng 1 đường Tản Đà, phường 10, quận 5, ở tạm để chờ nhận căn hộ tái định cư theo lời hứa của UBND quận 1. Nhưng chưa được bao lâu, thì nhà nhà số 11/11 lại bị lực lượng Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh thông báo là phải giải tỏa thực hiện nhà cao tầng. Một lần nữa, cụ Xâm lại phải cùng con gái chuyển về sống tạm tại huyện Bình Chánh.

Sau gần 10 năm chờ đợi và kiến nghị ngày 16/7/2007, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh có Văn bản số 4464/UBND, duyệt bán cho gia đình cụ Xâm căn hộ  số C1-404, tầng 4 lô C chung cư 212 Nguyễn Trãi, quận 1, có diện tích hơn 66m2. Nhưng điều trớ trêu là số tiền mà cụ Xâm nhận được từ đền bù nhà số 17 đường Nguyễn Văn Thủ khi giải tỏa là 90 triệu, còn giá bán căn hộ số C1- 404 là trên 176 triệu đồng. Trong khi đó, qua gần 10 năm chuyển dời, số tiền bồi thường đã được cụ Xâm dùng để chi trả thuốc thang mỗi khi ốm đau nên không còn đủ để mua căn hộ. Đáng lẽ UBND quận 1 cần vận dụng chính sách miễn giảm tiền mua nhà cho người có công để cụ Xâm có đủ điều kiện mua căn hộ nhưng việc này lại không được thực hiện.

Đến nay, đã hơn 20 năm nhưng chính sách được mua nhà tái định cư của cụ Xâm vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, hồ sơ người có công của cụ Xâm đang được Cục Chính sách Quân khu 7 lưu giữ và tiến hành các thủ tục để công nhận công trạng theo quy định đã đủ điều kiện để phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhưng trong câu chuyện của mình, cụ Xâm không nhắc nhiều đến những chiến công, công trạng của cá nhân mà chỉ day dứt một điều là tuổi đã cao, sức đã yếu mà tiêu chuẩn nhà tái định cư của mình vẫn chưa được UBND quận 1 giải quyết đúng chính sách để cụ có nơi ở ổn định, ngày ngày nhang khói cho cha, chồng và hai con trai đã ra đi vì đất nước. Vì rằng, khi tập kết ra Bắc, hai vợ chồng cụ Xâm cũng đã được tổ chức bố trí nhà tại Hà Nội nhưng hai cụ đã từ chối xin về Hải Phòng sống cùng đồng đội với mong ước chờ đợi ngày miền Nam giải phóng, để về lại nơi mình đã sống và chiến đấu thời thanh xuân, cũng như để tìm lại hai người con đã hy sinh trong hoàn cảnh khắc nghiệt của những năm chống Pháp tại mảnh đất phương Nam.

Giáng Thăng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm