Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trung Hiếu
Thứ ba, 12/10/2021 - 10:35
(Thanh tra) - Đó là những người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng ở hai xã đồng bào Mông Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Họ được ví như những ngọn đuốc sáng, những “cây đại thụ” của bản, như các ông: Vàng A Tình, Vàng A Kha, Khà A Dếnh, Tráng A Di… xã Hang Kia; Sùng A Lứ, Sùng A Dê, Sùng A Sa, Sùng A Pha, Sùng A Vờ, bà Sùng Y Nhon, Sùng Y Dua… xã Pà Cò.
Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Mai Châu gặp gỡ một số NCUT xã Pà Cò. Ảnh: Hải Yến
Theo ông Vì Văn Mè, Chủ tịch MTTQ huyện Mai Châu, hiện nay hai xã Hang Kia, Pà Cò có 12 người liên tục nhiều năm được người dân bình chọn là NCUT trong cộng đồng. Họ đã phát huy được vai trò của NCUT trên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt là trong các cuộc vận động lớn như: Phá bỏ cây thuốc phiện, phòng chống ma túy; giao nộp, thu hồi vũ khí vật liệu nổ; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, ông Sùng A Lứ, bản Pà Háng, xã Pà Cò, năm nay đã 86 tuổi, không chỉ là “cây cao bóng cả”, NCUT ở xã Pà Cò mà còn được đồng bào Mông xã Hang Kia tôn vinh là “cây đại thụ” trên đỉnh núi Xà Lĩnh, Lương Xa.
Ông Lứ tâm sự: Cuộc vận động giao nộp, thu hồi vũ khí vật liệu nổ do Đảng, Chính phủ phát động là đúng. Nói thế nào để đồng bào tự giác thực hiện giao nộp súng cho chính quyền, đây là vấn đề khó. Nhưng trong cái khó nhất định sẽ ló cái khôn. Cái khôn ở Hang Kia, Pà Cò đã “tìm” được là, lấy người cao tuổi, nhất là NCUT làm lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và hành động.
Dù tuổi cao nhưng sức không yếu, ông Lứ cùng một số NCUT trong xã như các ông Sùng A Xa, Sùng A Dê, Sùng A Giống thường xuyên có mặt trong các buổi họp của các bản để tuyên truyền, đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Đồng nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của bà con, từ đó báo cáo với cấp ủy, chính quyền xem, giải quyết, trả lời công dân. Có việc người dân chưa ưng cái bụng, chưa sáng cái đầu thì các ông đến tận nhà để khuyên giải. Nói phải, củ vớn trên núi cũng phải nghe. Và, những NCUT ở Hang Kia, Pà Cò đã vận dụng thành công phương châm “mưa dầm thấm lâu” vào các cuộc vận động lớn của Đảng, Chính phủ.
Cựu Chủ tịch UBND xã Hang Kia Khà A Váu cho biết: Người đầu tiên tự nguyện giao nộp vũ khí (súng) ở xã là đảng viên, NCUT Vàng A Tráng. Cùng một lúc hai bố con ông A Tráng vác 3 khẩu súng gồm, một khẩu hỏa mai, một khẩu tự chế, một khẩu một nòng ra nộp tại UBND xã.
Theo ông Vàng A Tráng, đây là vật báu, vật thiêng có từ đời ông, cha chuyền lại cho con cháu. Trước khi đem “nó” ra khỏi nhà, ông đã thắp hương xin các cụ tổ tiên cho phép đưa súng đi nộp cho chính quyền. "Tiếc lắm, nhưng đây là chủ trương của Đảng, Chính phủ. Một chủ trương đúng, hợp cái bụng của người Mông Hang Kia thì mọi người cùng tự giác thực hiện" - ông Vàng A Tráng chia sẻ.
Cũng như ông Vàng A Tráng, xã Hang Kia, ông Sùng A Dê, NCUT bản Pà Háng, xã Pà Cò là người đầu tiên trong xã đem khẩu súng một nòng của gia đình giao nộp cho chính quyền xã. Đây là khẩu súng được lưu giữ từ bao đời nay của gia đình ông Sùng A Dê. Ông nâng nưu, giữ gìn, coi cây súng như vật thiêng của gia đình, dòng họ, giao nộp khẩu súng, ông tiếc lắm nhưng không ân hận, vì đây là việc làm đúng.
Từ việc làm của hai ông Vàng A Tráng và Sùng A Dê, phong trào giao nộp vũ khí, vật liệu nổ ở Hang Kia, Pà Cò đã nhanh chóng lan tỏa khắp các bản, các dòng họ thi đua nhau vận động con cháu tự nguyện đem súng, vật liệu nổ đến UBND xã giao nộp cho Ban Công an xã.
Qua cuộc vận động, hai xã đã thu hồi được gần 400 khẩu súng các loại, gần 100 nòng sắt chế tạo súng săn, hàng chục kg đạn ria các loại. Có những người đã đem súng lên nương cất giấu không giao nộp, nhưng thấy các già bản, NCUT cùng lúc đem giao nộp 2, 3 khẩu súng cho chính quyền, được tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng trái phép vũ khí vật liệu nổ nên tự giác đem súng về giao nộp.
Là điểm nóng về tệ nạn mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Trong những năm qua Hang Kia, Pà Cò đã có hàng trăm đối tượng phạm tội về ma tý bị bắt, có nhiều đối tượng bị án tử hình. Những NCUT đã vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị, góp công phá nhiều vụ án ma túy lớn, tụ điểm ma túy trên địa bàn.
Đặc biệt, NCUT đã giúp đỡ Công an tỉnh, Công an huyện vận động hàng chục đối tượng truy nã ở Hang Kia, Pà Cò ra đầu thú. Như việc các ông Vàng A Tình, Vàng A Da, xã Hang Kia; Mùa A Dê, Sùng A Sa, xã Pà Cò đã giúp Công an vận động hai đối tượng bị truy nã đặc biệt về tội tham gia buôn bán ma túy với khối lượng lớn là Vàng A Tủa, Khà A Táu ở xã Hang Kia ra đầu thú. Hay như đối tượng Tráng A Di, bản Co Sung, xã Hang Kia. Di từng là đối tượng cộm cán có tiếng trong giới buôn bán ma túy ở Hang Kia. Khi bị Công an truy bắt, Tráng A Di đem theo súng AK, lựu đạn bỏ trốn vào rừng, hắn là đối tượng manh động, sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt. Bằng biện pháp nghiệp vụ và được sự giúp đỡ của NCUT xã Hang Kia tác động đến gia đình, người thân của A Di. Sau mấy năm lẩn trốn, ngày 23/3/2018, Tráng A Di đã xuống núi đến UBND xã Hang Kia đầu thú.
Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, những NCUT hai xã Hang Kia, Pà Cò còn là những điển hình, những tấm gương sáng “đón” cái chữ về bản.
Bà Sùng Y Dua, NCUT ở xã Pà Cò cho biết, trước đây người phụ nữ Mông ở Hang Kia, Pà Cò ít người biết chữ, ngay cả đàn ông cũng ít học nên nhận thức về pháp luật, phân biệt cái tốt cái xấu cũng hạn chế, vì vậy, trên địa bàn vẫn còn tồn tại các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Nhiều người, nhất là thanh niên bị kẻ xấu lợi dụng rủ rê tham gia vào các đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển ma túy trái phép.
Mấy năm trở lại đây, sự nghiệp giáo dục ở hai xã Hang Kia, Pà Cò đã có nhiều khởi sắc cả về lượng và chất, nhiều con em người Mông đã có trình độ đại học, cao đẳng, theo học các trường nghề vào làm công nhân ở các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh. Nhìn khu trường tiểu học, trung học cơ sở, trường dân tộc nội trú khang trang, rộng rãi. Có được cơ ngơi này là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của những NCUT trong xã, họ đã đóng góp công sức, tiền của để cải tạo mặt bằng, xây dựng tường bao, công trình lớp học, biến đồi hoang, bãi đá thành sân chơi. Lớp học đã về đến từng cụm dân cư.
Người dân xã Hang Kia luôn ghi nhận sự đóng góp của ba gia đình ở bản Hang Kia là Vàng A Súa, Vàng A Lềnh và Vàng A Páo. Ba gia đình trên đã hiến gần 400m2 đất vườn để xây trường Mầm non Khu 3, xóm Hang Kia. Tại bản Thung Ẳng, các hộ Khà A Phà, Sùng A Vàng và Giàng Y Chia đã hiến hơn 1.700m2 đất vườn để nhà trường mở rộng sân, xây công trình phụ.
Các bậc phụ huynh, giáo viên Trường Mầm non Pà Cò nghi nhận việc làm hết sức ý nghĩa của gia đình ông Sùng A Màng dành cho nhà trường. Ông Màng đã vận động gia đình chặt bỏ vườn đào đang độ cho trái, hiến 120m2 đất vườn để nhà trường mở rộng khuôn viên.
Một tấm gương khác đã gây ấn tượng mạnh không chỉ với cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THCS thị trấn Mai Châu mà đã lan tỏa khắp xóm, bản trên địa bàn huyện, đó là ông Sùng A Giống, bản Pà Háng lớn, xã Pà Cò. Trong lần xuống phố huyện dự lớp tập huấn kỹ thuật trồng ngô lai trên đất dốc, ông Giống vào thăm các em học sinh người Mông về học ở thị trấn, thấy chỗ ăn, ở của các em thiếu thốn, chật chội. Sau khi bế giảng lớp tập huấn, ông Giống quyết định dồn tất cả số tiền dành dụm mấy vụ đào, mận đem xuống thị trấn Mai Châu thuê người tu sửa lại nhà trọ, nhà bếp, nhà vệ sinh cho học sinh là con em người Mông hai xã có nơi ăn chốn ở yên tâm học tập.
Tại quê nhà, ông Sùng A Giống đã dành hơn 100 triệu đồng tu sửa 150m đường vào Trường THCS, Tiểu học xã Pà Cò; dựng một sân khấu nổi cho nhà trường.
Nói đến NCUT ở Hang Kia, Pà Cò không thể bỏ qua vai trò của những “ngọn đuốc sáng”, những “cây cổ thụ” ở bản Mông trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông ở đây.
Bà Sùng Y Dua, NCUT xã Pà Cò, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Pà Cò tự hào cho biết: Với một số dân tộc thiểu số, có những nét văn hóa mang bản sắc của dân tộc như trang phục, tiếng nói bị mai một, nhưng với người Mông Hang Kia, Pà Cò thì luôn được bảo tồn và phát triển làm cho bản sắc của dân tộc mình ngày càng rực rỡ, đậm đà.
Bà Y Dua nói rằng, đã là phụ nữ thì ai cũng biết trồng lanh, dệt vải, may áo lanh, dệt thổ cẩm, nhuộm hoa văn. Đây là nghề truyền thống của phụ nữ Mông. Trang phục là của hồi môn của người con gái trước khi đi lấy chồng, nhìn trang phục người ta có thể đánh giá được người con gái đó có khéo tay hay không.
Cụ bà Phàng Y Mải, bản Pà Háng nói rằng: Phụ nữ người Mông luôn mặc trang phục của dân tộc mình, ở nhà thì mặc bộ bình thường, ngày lễ, tết hay đi hội, họp thì mặc bộ đẹp, chị em luôn hãnh diện với trang phục của dân tộc mình. Với người đàn ông cũng vậy, họ thường xuyên mặc trang phục dân tộc nhất là các bậc trung niên, học sinh. Chính vì bảo tồn được nét đặc trưng của trang phục nên dù ở đâu, ở môi trường nào người Mông cũng không thể lẫn với dân tộc khác. Cùng với trang phục là tiếng nói. Trong giao tiếp khi ở nhà, ở bản họ đều giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc Mông.
Cụ Phàng A Mải nói với chúng tôi: "Chủ nhật hàng tuần các cháu cứ lên chợ phiên Pà Cò sẽ thấy, ở đó hội tụ gần như tất cả bản sắc văn hóa, tập tục của người Mông Hang Kia, Pà Cò. Có điều, bây giờ đời sống kinh tế của người Mông đã khấm khá, hết nghèo rồi nên người dân xuống chợ không cưỡi ngựa, đi bộ như trước mà họ đi ô tô, xe máy. Nhìn các cô gái địu con đi xe máy lướt trên đường, váy xòe ra như cái nơm hoa muôn màu rực rỡ. Đẹp lắm, khó tả lắm".
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà