Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lào Cai 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia

ND

Thứ sáu, 23/08/2024 - 21:27

(Thanh tra) - Đó là kết quả được thông tin tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ IV với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Lào Cai đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển” do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức vào chiều ngày 23/8.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai tặng hoa chức mừng đại hội. Ảnh: ND

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ 4 là sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, một biểu tượng sinh động nhất về sự đoàn kết dân tộc, như cây một cội, như con một nhà. Đại hội không chỉ là ngày hội của đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn là đợt sinh hoạt chính trị, tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Trong 5 năm vừa qua, công tác dân tộc, việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực, trọng tâm là phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào. Tập trung xây dựng hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục dân tộc, giáo dục vùng cao qua việc phát huy hiệu quả hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường học có học sinh bán trú, tập trung xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, đầu tư trang thiết bị dạy học, tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nơi hội tụ của 13 dân tộc với 25 nhóm ngành dân tộc gồm nhiều thành dân tộc cùng chung sống, các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số toàn tỉnh (Trong đó dân tộc Hmông chiếm 26%; dân tộc Tày chiếm 15%; dân tộc Dao 14%; dân tộc Giáy 4,3%; dân tộc Nùng 4,3%; còn lại là các dân tộc khác như: Hà Nhì, Phù Lá, Sán Chay, Bố Y, La Chí…).

Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu tỉnh Lào Cai lần thứ III, năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được xây dựng, nâng cấp đồng bộ. Diện mạo nông thôn thay đổi với 63/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% UBND xã có đường ô tô đến trụ sở; 98% số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; đã phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã và trên 98% thôn, bản; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; 97% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Công tác giảm nghèo chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 5%/năm. Từ đầu nhiệm kỳ đã hỗ trợ xây mới, cải tạo gần 5.800 nhà tạm, nhà dột nát và mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TU ngày 03/7/2024 để quyết tâm xóa hơn 7.000 nhà còn lại không đủ điều kiện ở (trong đó chủ yếu là nhà ở của các hộ dân tộc thiểu số) trước Đại hội Đảng các cấp trong năm 2025.

Công tác giáo dục dân tộc được đặc biệt chú trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo thường xuyên được đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú phát triển mạnh và ngày càng trở thành trụ cột của giáo dục vùng cao.

Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 134 trường phổ thông dân tộc bán trú; 131 trường phổ thông có học sinh bán trú; trên 50% số trường nội trú, bán trú đạt chuẩn quốc gia.

Các cơ sở dạy nghề được mở rộng quy mô, đa dạng loại hình đào tạo, từng bước chú trọng đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số; cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc được quan tâm; hệ thống y tế được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư; đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Chính sách khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo được thực hiện nghiêm túc.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào được coi trọng. Nhiều lễ hội truyền thống đã được phục dựng; gìn giữ được nhiều mô hình làng, bản văn hóa truyền thống để gắn với phát triển du lịch. Thông qua công tác tuyên truyền vận động, nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào dân tộc chuyển biến rõ nét. Nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, trong lễ hội cũng như sinh hoạt dần thay đổi phù hợp với điều kiện hiện nay. Nhận thức về giới và bình đẳng giới ngày càng được nâng lên, phụ nữ dân tộc ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương.

Công tác đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở vùng đồng bào DTTS thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Đến nay, 100% thôn bản, tổ dân phố đều có tổ chức Đảng; gần 90% có chi ủy. Việc phát huy vai trò của gần 1.100 người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm.

Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc đã tặng bằng khen cho 1 tập thể và 5 cá nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Chủ tịch tặng bằng khen cho 1 tập thể và 32 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm