Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Yến
Thứ sáu, 13/01/2023 - 19:14
(Thanh tra) - Bằng những bí quyết riêng được lưu truyền, trầu không "tiến vua" được các con, cháu dòng họ Phạm Công gìn giữ từ đời này sang đời khác. Loại trầu đặc biệt mang hương vị thơm cay rất riêng đã giúp hàng trăm gia đình có nguồn thu nhập ổn định, nhất là dịp Tết đến, Xuân về.
Thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) từ xưa đã nổi tiếng với đặc sản trầu không “tiến vua”. Ảnh: Hải Yến
Làng trầu hiếm hoi được công nhận là nghề truyền thống
Làng Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những làng trồng trầu hiếm hoi được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là nghề truyền thống Việt Nam. Hiện nay toàn xã Đỉnh Bàn có hơn 100 hộ dân trồng trầu "tiến vua", tập trung chủ yếu ở thôn Văn Sơn (phần lớn là người dòng họ Phạm Công).
Theo truyền thuyết của dòng tộc họ Phạm Công, trước đây trầu của tổ tiên trồng được sử dụng để dâng lên vua, nên được mọi người gọi là trầu của vua hay còn gọi là trầu "tiến vua". Từ những câu chuyện được lưu truyền về loại trầu này, vào mỗi dịp Tết mọi người thường săn mua cho kỳ được để làm đồ lễ ngày Tết. Cũng vì thế, những ngày cận Tết, làng Văn Sơn lúc nào cũng nhộn nhịp người bán, kẻ mua.
Bằng những bí quyết riêng, được lưu truyền, trầu "tiến vua" được các con, cháu dòng họ Phạm Công gìn giữ từ đời này sang đời khác. Nhờ trồng trầu không mà người dân nơi đây có thu nhập khá, phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái ăn học. Cây trầu không đang được người dân, chính quyền địa phương chú trọng phát triển, mở rộng quy mô và diện tích.
So với các loại trầu không khác, trầu không “tiến vua” ở thôn Văn Sơn có lá dày, mùi thơm và vị cay đặc trưng mà không nơi nào có được. Chính vì đặc điểm riêng này, trầu không tiến vua luôn được thượng khách săn đón, nhất là những ngày lễ, Tết.
Là hậu duệ của dòng họ Phạm Công nối nghiệp nghề trồng trầu, ông Phạm Công Nhứ (70 tuổi, trú tại thôn Văn Sơn) chia sẻ: “Tôi sinh ra đã thấy các cụ trồng, sinh sống bằng nghề trồng lá trầu tiến vua. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình và cũng đã trải qua nhiều nghề mưu sinh nhưng đều không như mong muốn nên từ năm 1981 tôi cũng nối nghiệp cha ông trồng và chăm sóc cây trầu không, đến nay có 360 gốc trầu trên diện tích 200m2. Lá trầu được chúng tôi bán quanh năm, tuy nhiên giá trầu từ tháng 10 (âm lịch) đến Tết Nguyên đán có giá cao hơn so với những thời điểm khác”.
Theo ông Nhứ, trầu sau khi hái sẽ được xếp thành từng xấp, mỗi xấp 50 lá, ngày thường chỉ có giá 5.000-7.000 đồng/xấp, còn dịp Tết, ngày lễ có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần. Thậm chí những lúc khan hiếm hàng, giá trầu có thể lên đến 2.000 đồng/lá.
Cách vườn trầu nhà ông Nhứ không xa, bà Phan Thị Lý (57 tuổi) cũng là con dâu dòng họ Phạm Công, nối nghiệp trồng và chăm sóc trầu không đã gần 30 năm. Bàn tay thoăn thoắt hái những xấp trầu để kịp giao cho khách hàng, bà Lý nói: "GầnTết Nguyên đán, bây giờ đã có người đến đặt hàng từ sớm. Để đáp ứng đủ số lượng hàng lớn vào đợt cao điểm, gia đình cũng phải lên kế hoạch thu hái 2 ngày 1 lần, chú ý cách hái đúng kỹ thuật để cây cho ra lá đều đặn".
Theo kinh nghiệm của người dân trồng trầu, để có những lá trầu đảm bảo chất lượng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3-5 lá. Cây trầu thích hợp bón phân chuồng, phân vi sinh, chứ không bón phân hóa học và phun thuốc. Khi hái lá trầu người dân không sử dụng dao hay kéo mà trực tiếp dùng móng tay bấm vào cuống lá. Cuống lá được giữ lại dài khoảng 2-3 cm.
Người trồng trầu "tiến vua" rất kiêng kỵ người lạ vào vườn hái lá trầu, vì quan niệm cho rằng nếu không phải chủ vườn mà hái lá sẽ khiến cây dần bị khô héo và chết đi. Cũng không cho chó, mèo, gà, vịt… vào vườn trầu vì có thể mang nguồn bệnh vào cho cây trầu.
Cháy hàng dịp Tết
Mặc dù cây trầu cho thu hoạch quanh năm, song tháng Chạp vẫn là thời điểm được bà con trồng trầu ở thôn Văn Sơn mong chờ, bước vào giai đoạn thu hoạch trầu lá để bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm vui nhất của các hộ trồng trầu, so với ngày thường, giá lá trầu không dịp này sẽ tăng gấp 3 đến 4 lần. Các hộ trồng trầu cũng phấn khởi trông chờ một cái Tết sung túc hơn.
Theo các hộ trồng trầu không, những tháng giáp Tết thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng tốt cho năng suất cao và ít bị bệnh nấm lá. So với những loại cây trồng khác thì cây trầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Chi phí đầu tư ít nhưng thu nhập ổn định quanh năm. Trầu thường được bán thành từng xấp 50 lá, với giá 5.000 đồng/xấp vào những ngày bình thường, còn dịp Tết, ngày lễ giá trầu có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần.
Không nằm ngoài sự tất bật, hối hả, bà Nguyễn Thị Liêu (70 tuổi, trú tại thôn Văn Sơn) cũng vừa thu hoạch xong hơn 300 lá trầu để kịp cho thương lái đến lấy vào cuối ngày.
Bà Liêu cho biết: “Chưa đầy 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này giá trầu đã có dấu hiệu tăng. Không khí sôi động nhất của mùa vụ trầu Tết là từ ngày 24-28 Tết. Trầu cứ thu hoạch đến đâu là có người thu mua tận vườn đến đó. Mỗi ngày, tôi hái được khoảng 1.500 lá nhưng hầu như không đáp ứng được số lượng thương lái yêu cầu. Hiện, gia đình chủ động trồng xen kẽ trầu tốt lẫn trầu tơ để có thu hoạch liên tục vào dịp Tết".
Cùng tâm trạng phấn khởi như bà Liêu, ông Phạm Công Nhứ phấn khởi nói: "Thời điểm cuối năm giá trầu "tiến vua" tăng từ 13.000-15.000 đồng/tấm, có những lúc lên đến hơn 30.000 - 35.000 đồng/chục trầu. Đặc biệt, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, chúng tôi bán được từ 1,6 triệu - 2 triệu đồng/ngày. Cây trầu mang lại nguồn thu kinh tế cao cho bà con, chỉ với khoảng 200m2 đất để sử dụng trồng trầu bán lá có thể thu về tiền bằng cả héc ta lúa”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hoài Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đỉnh Bàn nói: “Thôn Văn Sơn có truyền thống trồng trầu từ lâu đời tuy nhiên vẫn còn manh mún, hộ gia đình. Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập tổ hợp tác trồng trầu tiến vua với 30 thành viên. Từ khi tổ hợp tác được thành lập, bà con đã dần chuyên nghiệp hóa quy trình trồng trầu, giải quyết việc làm cho hàng chục chị em phụ nữ và người già”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.
Trung Hà
15:05 11/12/2024(Thanh tra) - Những năm gần đây, tại nhiều vùng quê Việt Nam, việc lắp đặt đèn năng lượng mặt trời (NLMT) trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành xu hướng nổi bật, diện mạo nông thôn từ đó cũng trở nên hiện đại, tiện nghi, an toàn hơn.
PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024PV
10:46 11/12/2024Tuấn Khải
18:41 10/12/2024Hải Hà
Trung Hà
Chính Bình
Chính Bình
Trung Hà
Trung Hà
PV
Hải Hà
ĐT
Văn Thanh
PV
Hải Hà