Theo dõi Báo Thanh tra trên
Văn Thanh
Thứ ba, 10/06/2025 - 17:36
(Thanh tra) - Ngoài việc bóc dỡ đường dây khai thác cát trái phép, vượt mốc giới, trong lĩnh vực khai thác đất, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu CO3 - Bộ Công an vẫn quan tâm, theo dõi, phá thêm chuyên án lớn về khai thác mỏ đất vượt công suất Nhà nước cho phép và bán hóa đơn có dấu hiệu trốn thuế ở xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống. Vụ việc đã khiến nguồn đất, cát đã khan hiếm, nay lại càng khan hiếm thêm.
Thanh Hóa khan hiếm nguồn cát làm vật liệu xây dựng ở các công trình xây dựng. Ảnh: P.V
Cụ thể, mới đây Bộ Công an đã bắt một đường dây khai thác mỏ đất, bán hóa đơn có dấu hiệu trốn thuế và khởi tố bị can Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn Thần Đèn, 51 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng 6 người khác liên quan đến những sai phạm trong khai thác khoáng sản tại mỏ đất xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trong số này, Tuấn Thần đèn và nhiều bị can bị khởi tố về 2 tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo lời khai của Tuấn Thần đèn tại cơ quan công an, đối tượng đã thành lập, điều hành hàng chục doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tuấn Thần đèn đã chỉ đạo các đối tượng liên quan tổ chức khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, vượt công suất được quy định của giấy phép với tổng khối lượng đặc biệt lớn.
Ngoài ra, Tuấn Thần đèn còn kê khai, báo cáo không đúng khối lượng khai thác, giá trị mua bán khoáng sản, để ngoài sổ sách, che giấu cơ quan chức năng một phần doanh thu thực tế từ việc tiêu thụ khoáng sản, gây thiệt hại rất nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Cũng theo lời khai Tuấn Thần đèn, công suất của mỏ đất được cấp phép khai thác là 400 nghìn tấn/năm nhưng đã cho khai thác lên 700 nghìn tấn/năm, vượt quá công suất cho phép. Tuấn Thần đèn lý giải do bản thân chưa hiểu biết về pháp luật nên dẫn đến sai phạm, do bản thân nghĩ mỏ của mình được cấp phép khai thác khoảng 1,7 triệu tấn trong 5 năm, nếu khai thác hết số được cho phép thì đóng cửa mỏ.
Ngoài khai thác vượt công suất, Tuấn Thần đèn còn chỉ đạo bán đất cho các doanh nghiệp với đơn giá 66 nghìn đồng/m3 nhưng chỉ xuất hóa đơn 53 nghìn đồng/m3, để ra ngoài sổ sách 13 nghìn đồng/m3.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản cát ở Thanh Hóa phần lớn là tàu vận chuyển hàng khô đã bị hoán cải trái phép thành tàu hút và chở cát (khoảng 135 phương tiện). Do đó, những tàu thuyền này không đủ điều kiện để được đăng kiểm. Hiện tại, chỉ có duy nhất 2 tàu được cấp đăng kiểm với chức năng hút cát.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Đỗ Văn Sáng, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 12 đóng trên địa bàn Thanh Hóa: Qua 1 năm thực hiện việc giao nhiệm vụ của Sở Giao thông Vận tải (nay là Sở Xây dựng) về việc đăng kiểm phương tiện thủy nội địa cho Chi cục Đăng kiểm 12 đảm nhiệm. Hiện, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 200 phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ thuộc diện bắt buộc đăng kiểm. Tuy nhiên, các phương tiện này phân bổ rải rác trên địa bàn rộng, gây nhiều khó khăn trong việc di chuyển để thực hiện công tác đăng kiểm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của một bộ phận người dân và chủ phương tiện vẫn còn hạn chế.
Thanh Hóa có hàng trăm tàu thuyền hút cát không đủ điều kiện đăng kiểm. Ảnh: P.V
Thực hiện chỉ đạo tại Văn bản 13677/UBND-CN ngày 18/4/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, Chi cục Đăng kiểm số 12 đã ban hành Văn bản số 122/CC12 ngày 27/9/2024 gửi đến chủ phương tiện và chính quyền địa phương các huyện nhằm tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện nội địa.
“Đối với các phương tiện đến kỳ kiểm tra nhưng không thể đưa về nhà máy để kéo lên đà, nếu không có yêu cầu sửa chữa, Chi cục cho phép kiểm tra trên đà tại chỗ theo đúng quy định. Vấn đề này đã được giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì trong quá trình hoạt động, các phương tiện không thể tránh khỏi việc hư hỏng và cần sửa chữa phục hồi”, ông Đỗ Văn Sáng nói.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng “mạnh tay” xử lý nhiều vụ việc các mỏ cát, đất khai thác vượt công suất, buôn bán hóa đơn trái phép khiến nhiều mỏ đất, cát trên địa bàn tỉnh này phải đóng cửa dẫn đến thiếu hụt, khan hiếm nguồn tài nguyên đất, cát phục vụ cho các công trình xây dựng, giao thông trên địa bàn.
Theo lãnh lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hóa: Dự báo nhu cầu nguồn vật liệu và quy hoạch nguồn vật liệụ thì hiện nay nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đang thiếu, chưa đảm bảo được nhu cầu cung cấp vật liệu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhất là nguồn cát xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ nay đến năm 2030 sẽ tăng cao, cụ thể: đất san lấp 197,3 triệu m3; cát xây dựng 38,3 triệu m3; đá xây dựng 115,3 triệu m3. Trong đó năm 2025, nhu cầu đất san lấp 33,3 triệu m3, cát 5,49 triệu m3, đá 8,43 triệu m3.
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện có 557 mỏ khoáng sản đã được tích hợp vào phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản, gồm 187 mỏ đá xây dựng, trữ lượng 652 triệu m3; 13 mỏ khoáng sản nhỏ lẻ do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân cấp; 233 mỏ đất làm vật liệu (đất san lấp, đắp đê và đất sét làm gạch), trữ lượng 235 triệu m3; 124 mỏ cát xây dựng, trữ lượng 18 triệu m3.
Thanh Hóa tìm cách tháo gỡ khó khăn nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn. Ảnh: P.V
Để bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng ổn định, liên tục, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh trước mắt và lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung và giải pháp liên quan đến nguồn cung cấp vật liệu cho dự án trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng, khai thác cung ứng vật liệu cho các dự án, công trình lớn, trọng điểm, quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung thực hiện các thủ tục cập nhật, bổ sung vào quy hoạch theo quy định; đánh giá công suất hoạt động của các mỏ khoáng sản trên địa bàn hiện nay và quy hoạch khoáng sản của tỉnh để tham mưu, đề xuất danh mục dự án khai thác, chế biến khoáng sản cần tổ chức đấu giá hoặc tổ chức không đấu giá đưa vào khai thác trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, để chủ động, kịp thời, không bị gián đoạn nguồn cung nhất là các công trình trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh sắp tới sẽ khởi công, như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, kiểm tra, khảo sát giá, trữ lượng, khối lượng cung ứng vật liệu xây dựng tại các mỏ, điểm tập kết, nơi sản xuất, kinh doanh và cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn để nắm chắc diễn biến của thị trường vật liệu xây dựng. Tổ chức rà soát, phối hợp và hướng dẫn chủ mỏ để thực hiện thủ tục nâng công suất khai thác. Đẩy nhanh kế hoạch đấu giá các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, ưu tiên đấu giá các mỏ đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng tại các địa phương chưa có mỏ được phép khai thác, gần các dự án, để đáp ứng đủ, kịp thời nguồn vật liệu cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh...
Thực hiện nghiêm việc kê khai giá và bán theo đúng giá niêm yết, không được đầu cơ, tự ý nâng giá, găm hàng, ép giá. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc hợp đồng với các doanh nghiệp, nhà thầu sử dụng khoáng sản, cung cấp đủ khối lượng vật liệu theo hợp đồng, đáp ứng kịp thời tiến độ phục vụ thi công dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh …
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 23/6, Ban Chỉ đạo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hoà Bình tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hoà Bình.
Trần Kiên
(Thanh tra) - Ngày 23/6/2025, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp chuyên đề thứ 32. Kỳ họp đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, mang tính cấp thiết của tỉnh.
Trần Kiên
Lê Hiền
Kim Thành
Thu Huyền
T. Minh
Nam Dũng
Văn Thanh
Kim Thành
Nam Dũng
Trần Kiên
Thanh Hoa
Bùi Bình
Lâm Ánh
Trần Kiên
Phương Anh
Hương Giang
Đình Thuyết