Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 02/07/2013 - 08:21
(Thanh tra) - Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, có nguồn tài nguyên núi đá vô cùng phong phú và đa dạng phân bố ở khắp các địa phương trên địa bàn. Hoạt động khai thác, chế biến đá diễn ra sôi động, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý nên việc khai thác, chế biến đá trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập như khai thác trái phép, khai thác không đúng thiết kế mỏ, không bảo đảm các quy trình, mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, mất an ninh trật tự ở các khu vực mỏ...
Hiện trường vụ sập mỏ đá ở núi vức làm 3 người chết, 1 người bị thương. Ảnh: Văn Thanh
Những tai nạn rợn người
Mặc dù xảy ra cách đây gần 1 tháng, thế nhưng đến bây giờ người dân ở tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa hết bàng hoàng, rợn người về vụ tai nạn sập mỏ đá ở khu núi Vức, thuộc địa bàn xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, khiến các phu đá Phạm Văn Sự (46 tuổi, xã Đông Quang); Nguyễn Đình Năm (33 tuổi, xã Điền Lư, huyện miền núi Bá Thước); Hoàng Đắc Long (38 tuổi, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa) chết tại chỗ; 1 phu đá khác bị thương nặng là Lâm Bá Lạng (50 tuổi, quê xã Đông Quang) đang phải chữa trị ở Hà Nội.
Theo người dân ở hiện trường kể lại, hôm đó trời oi bức, nóng nực, công nhân ở đây đi làm rất sớm để tránh nắng. Khi các phu đá đang chuẩn bị chèo lên núi làm việc, bất ngờ hàng chục tấn đá đổ ập xuống gây nên vụ tai nạn kinh hoàng. Sau khi vụ việc xảy ra, hiện trường được phong tỏa, nước mắt của những người mẹ, người cha, người vợ, người con ròng rã chảy vì người thân ra đi quá đau đớn và đột ngột.
“Nguyên nhân có thể do trước đó nổ mìn, những khối đá chỉ bị nứt chưa đổ xuống. Do quá nặng, lại chịu sự tác động của gió nên sáng hôm đó những khối đá lớn mới đổ ập xuống gây ra tai nạn. Ở đây, tai nạn từ đá không phải là hiếm. Sau những vụ tai nạn không biết bao nhiêu gia đình mất người trụ cột, vợ mất chồng, con mất cha, có nhà rơi vào hoàn cảnh bi đát, khốn cùng. Làm nghề phu đá ở đây mạt lắm, tính mạng giao cho “thần núi” không biết sống chết lúc nào”, ông Lê Văn Lộc, phu đá quê ở xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa, chia sẻ.
Dẫn chúng tôi men theo con đường đất ra khu vực núi Thiều, thuộc địa bàn xã Đông Tân, TP Thanh Hóa, chị Ninh Thị Lan kể: “Sau vụ sập mỏ đá kinh hoàng ở núi Vức, mấy ngày sau tại núi Thiều lại tiếp tục xảy ra tai nạn lao động làm 1 phu đá quê ở xóm Cộng, xã Đông Tân chết tại chỗ. Sau đó, chủ doanh nghiệp nhanh chóng thương lượng với gia đình lo hậu sự, xử lý “nội bộ” bằng cách đền bù thỏa đáng cho gia đình người bị nạn”.
Trước đó, năm 2009, tại khu núi Giàn, cũng thuộc địa bàn xóm Cộng, đã xảy ra 1 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng từ việc khai thác đá khiến 2 người thiệt mạng.
Các phu đá ở núi Vức, xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa làm việc không bảo hộ lao động. Ảnh: Văn Thanh
“Ngoài những vụ tai nạn chết người thương tâm, trên địa bàn xã Đông Tân còn có những vụ tai nạn lao động từ núi đá làm cho những phu đá bị thương tật, mất khả năng lao động suốt cả cuộc đời”, chị Lan cho biết.
Ráo mồ hôi là hết tiền
Sau những vụ tai nạn lao động chết người này, dẫu biết là những bài học kinh nghiệm để đời, thế nhưng, vì mưu sinh, những phu đá ở các địa phương vẫn đổ về các mỏ đá thuộc địa bàn TP Thanh Hóa, các huyện: Đông Sơn, Nông Cống, Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy để làm việc.
Có mặt tại khu vực mỏ đá núi Vức, xã Đông Hưng, chúng tôi tận mắt chứng kiến những quả núi bị xẻ nham nhở, có điểm khai thác hở hàm ếch nhìn vào rợn cả tóc gáy. Thế nhưng, dưới khu vực này, các phu đá vẫn bốc đá, khoan lỗ, đánh mìn. Có phu đá do làm quá mệt đã chui vào một tảng đá lớn có bóng mát ngủ ngon lành...
Trong tư thế cầm một chiếc khoan thủ công cùng với dây điện kéo từ trong căn lều tạm bợ ra bãi đá để khoan lỗ bắn mìn, phu đá Thiều Văn Tuấn, người có thâm niên trong nghề đã gần 20 năm, đầu đội mũ lưỡi chai, chân đi đôi dép nhựa, không đeo khẩu trang, tay ghì chắc vào báng khoan đâm mũi khoan vào một tảng đá lớn. Tiếng máy khoan gầm lên ghe đinh tai, nhức óc, bụi bay mù mịt khắp nơi.
Thấy người lạ vào hỏi thăm, anh Tuấn dừng khoan, tay lau mồ hôi trên trán rồi tâm sự: "Làm nghề này khổ lắm, phơi nắng, phơi sương, hít bụi cả ngày. Mạng sống thì giao cho «thần núi», ông trời chấm cho chết lúc nào là hay lúc ấy cần gì phải mang bảo hộ lao động cho bếch rếch.
Trung bình 1 ngày làm cật lực may ra kiếm được 120.000 đồng, khi nào nghỉ tay phụ thêm bốc đá hộc lên xe ô tô thì kiếm thêm được 40.000 đồng. Thế nhưng, cứ ráo mồ hôi là hết tiền ».
Tiếp lời anh Tuấn, 1 phu đá tên Bình giãi bày: «Tôi làm nghề tạ đá, bốc đá ở đây đã mấy năm, phu đá hầu hết là những lao động lúc nông nhàn hoặc nhà nghèo không có việc gì làm nên mới theo nghề này. Việc tạ đá, bốc đá khi đi làm rất đơn giản, nếu là đàn ông thì chỉ cần mang theo chiếc mũ cối, chiếc búa tạ, cái xà beng, đôi găng tay; còn phụ nữ chỉ cần chiếc nón lá, khăn bịt mặt và một áo dài che nắng. Nghề đơn giản nhưng mất sức lao động vô cùng, tạ đá thì phải dùng sức đập, bốc đá thì phải lấy sức ném lên thùng xe ô tô. Chuyện sứt tay, mẻ chân xảy ra như cơm bữa. Ban ngày đi làm kiệt sức, tối về ăn cơm xong thì ngủ lăn quay.
Do đặc thù của công việc, làm nặng nhọc nên hầu hết các phu đá bám trụ nghề không được lâu dài, người thì bị mắc bệnh lao, người bệnh đau lưng, người thì không đủ sức khỏe... ».
Chia tay các phu đá ở khu vực núi Vức cũng là lúc chiều tà, các lao động bắt đầu ra về trên những chiếc xe đạp, xe máy cà tàng. Tiếng mìn nổ chát chúa tiên tiếp như sét đánh ngang tai vang ra từ các quả núi. Đá từ trên cao đổ ập xuống, bụi tràn qua từng thớ đá rồi bay mù mịt.
Văn Thanh
Kỳ II: “Thổ phỉ” đá phá nát nhiều quả núi
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chiều 13/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn đã đi thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở thành phố Nam Định và huyện Nam Trực.
Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024N. Phê
10:24 13/12/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý