Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ cuối: Những con số “không” đáng giật mình

Thứ ba, 09/07/2013 - 09:08

(Thanh tra)- Hằng năm, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) đối với một số doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, kết quả thật đáng giật mình, bởi việc tuân thủ quy định của các DN quá nhiều “không”. Đáng nói, sau những cuộc thanh tra, cơ quan chức năng tỉnh này vẫn chưa có các biện pháp đủ mạnh để chấn chỉnh những việc làm trái quy định.

Nhiều phu đá tham gia khai thác không có bảo hộ lao động ở các núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Văn Thanh

>>Kỳ III: Nguy hiểm từ các cơ sở chế biến đá gây ô nhiễm 
>>Kỳ II: “Thổ phỉ” đá phá nát nhiều quả núi Ô nhiễm không khí
>>Kỳ I: Mạng sống giao cho “thần núi”
  

Không tuân thủ các quy định


Theo tìm hiểu của PV, năm 2012, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa đã tiến hành thanh tra việc chấp hành về công tác AT-VSLĐ ở 9 DN khai thác, chế biến đá trên địa bàn huyện Yên Định gồm: Cty Tân Sơn, Cty Tiến Thịnh, DN Hưng Tùng, Cty Hà Thanh Bình, Cty Xuân Trường, DN Tuấn Hùng, DN Khánh Thành, Cty Thăng Bình, Cty Phú Thắng. Kết quả cho thấy, các DN không thực hiện nghiêm túc các quy định AT-VSLĐ, cụ thể: Không lập kế hoạch AT-VSLĐ hằng năm; không bố trí cán bộ làm công tác AT-VSLĐ cho các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn và người lao động (NLĐ); không thành lập mạng lưới AT-VSLĐ, nếu có chỉ mang tính hình thức; không thực hiện công tác tự kiểm tra tại hiện trường lao động. 

Các DN cũng không tiến hành phân loại lao động theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc, độc hại để làm cơ sở thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ. NLĐ không được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận AT-VSLĐ, không được huấn luyện đầy đủ, cấp thẻ AT-VSLĐ để họ thấy được các nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cần đề phòng.

Ngoài ra, các DN không thực hiện việc kiểm định các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (pa lăng điện, bình chứa khí nén, cổng trục, cầu trục, xe nâng). Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho NLĐ; không tổ chức đo đạc các yếu tố có hại trong môi trường lao động. Không bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Các trang thiết bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ không đầy đủ (thiếu mũ, quần áo, giầy, găng tay…). Không xây dựng, ban hành, niêm yết nội quy an toàn lao động, quy trình vận hành an toàn và quy trình xử lý, khắc phục sự cố phù hợp với từng loại máy. Không thực hiện báo cáo định kỳ và khai báo tai nạn lao động với Sở LĐ-TB&XH sở tại.

Chạy theo lợi nhuận

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Lê Việt Quang, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết: Qua kiểm tra tại hiện trường khai thác, hầu hết DN đều có thuyết minh thiết kế khai thác và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cam kết thực hiện các quy định của Nhà nước về AT-VSLĐ. Tuy nhiên, các DN chưa hình dung hết các yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn trong khai thác, chạy theo lợi nhuận nên đã vi phạm về công tác AT-VSLĐ, không tuân thủ theo thiết kế đã được phê duyệt. Tình trạng chung về vi phạm là không tổ chức khai thác theo đúng quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam 5178-2004 (quy phạm an toàn trong khai thác và chế biến đá lộ thiên). Cụ thể: Không tổ chức khai thác đá cắt tầng từ trên xuống mà khai thác ngay tại chân núi, sườn núi để tạo thành hàm ếch nhằm lợi dụng thế năng làm đá lăn xuống được nhiều, giảm chi phí. Cách khai thác này rất nguy hiểm đến tính mạng của NLĐ, không an toàn cho nhà xưởng, thiết bị máy móc. Không làm đường lên xuống núi cho NLĐ nên lao động rất hao tổn sức lực, nguy hiểm đến tính mạng do trèo lên xuống bằng dây hoặc men theo sườn núi gây trượt ngã.

Những quả núi khai thác không đúng quy trình gây sạt lở nghiêm trọng ở huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Văn ThanhKhông những thế, các DN khai thác mỏ đá không có các loại biển cấm, biển báo an toàn, biển thông báo giờ nổ mìn ở khu vực nổ mìn khai thác. Tại các mỏ khai thác có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại, dễ gây tai nạn lao động, chưa được trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế, tủ thuốc cấp cứu, trang bị bảo hộ lao động thích hợp để bảo đảm ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động. Hộ chiếu nổ mìn có lập nhưng mang tính hình thức, không đúng theo quy định. Không thông báo nơi tiến hành nổ mìn, thời gian, địa điểm, quy mô nổ mìn, khoảng cách an toàn và các điều kiện an toàn khác trước khi nổ mìn. Không có biện pháp chống bụi ở hiện trường khai thác đá và dây chuyền nghiền đá xây dựng. Kho chứa vật liệu nổ công nghiệp đặt gần vị trí khai thác, xưởng chế biến đá, nơi NLĐ ở. Không thực hiện nối đất, nối không cho các thiết bị điện ở hiện trường sản xuất và ở xưởng chế biến đá; cầu giao điện, các thiết bị đóng cắt điện không được bao che. Không có thiết bị che chắn cho các bộ phận truyền động, chuyển động của máy xẻ (dây cua-roa).

Lao động làm việc ở các mỏ đá chủ yếu là lao động phổ thông, làm việc theo mùa vụ, không có hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội, không được đào tạo, chỉ có nhu cầu mưu sinh. Thợ nổ mìn không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Có những mỏ đá không bảo đảm AT-VSLĐ, cơ quan chức năng của tỉnh đã đình chỉ hoạt động, thế nhưng chỉ dừng một thời gian lại khai thác trở lại... 

“Để việc thực hiện công tác AT-VSLĐ theo đúng quy định của pháp luật, nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, tận thu được sản phẩm, tạo điều kiện cho các DN khai thác, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, trong thời gian tới, các ngành chức năng khi tham mưu cấp mỏ phải chọn những DN có tiềm lực về kinh tế, có năng lực chuyên môn về khai thác để có đủ sức đầu tư, khai thác theo thiết kế, cắt tầng. Đồng thời, phải tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động nói chung, trong đó tập trung về thực hiện pháp luật AT-VSLĐ đối với các DN khai thác chế biến đá trên địa bàn, xử lý nghiêm những DN vi phạm”, ông Quang kiến nghị. 

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm