Theo dõi Báo Thanh tra trên
Dương Thanh Tùng
Thứ sáu, 29/10/2021 - 08:00
(Thanh tra)- Theo lệ, cổng chùa Linh Ứng Bãi Bụt ở núi Sơn Trà, Đà Nẵng khép lại sau giờ Hợi (9 giờ tối) nhưng đêm rằm, trăng sáng, cao tăng trụ trì Thích Thiện Nguyện dặn đệ tử cứ để rộng 2 cánh cổng đón tín tăng Phật tử khắp nơi.
Một góc chùa Linh Ứng Bãi Bụt ở núi Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Dương Thanh Tùng
Thiện nam tín nữ đến chùa, ai cũng muốn có chung bức ảnh với người khởi tâm tạo dựng 3 ngôi chùa được ví như “tam linh trấn tự”, giữ yên lành cho cả vùng đất rộng lớn nơi dòng sông Hàn gặp biển nhưng không phải ai cũng thỏa nguyện.
Chuông mõ trong veo, sóng biển rì rào. Thầy Nguyện đang thả bước dưới chân tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trong khói hương trầm thơm ngát, mắt trông vời về Ngũ Hành Sơn nơi thầy khởi nghiệp chân tu buổi còn thơ ấu, chợt có người đến chắp tay cúng kính: “Xin cho được chụp cùng thầy bức ảnh”.
Người đàn ông xin chụp ảnh chung với thầy Nguyện là một nhân sỹ tên tuổi, đến từ phương Nam. Vị nhân sỹ kể với tôi, thời đất nước còn điêu linh giặc giã, đơn vị bộ đội của ông từng được thầy Nguyện nuôi giấu, chở che ở chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn… Sau này vì ngưỡng vọng, ông đã đôi lần đưa mẹ già cùng vợ con vượt hàng ngàn cây số lên chùa Linh Ứng Bà Nà. Từ khi chùa Linh Ứng Sơn Trà xây xong, năm nào ông cũng đến đây hương khói nhưng giờ mới được diện kiến thầy Nguyện, người có công tạo dựng và trụ trì 3 ngôi chùa lớn ở vùng đất Cửa Hàn đầy nắng gió và cũng đầy bão tố phong ba.
Hòa thượng Thích Thiện Nguyện
Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Nẵng
Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng
Nguyên đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng Khóa VII, VIII;
Trụ trì chùa Linh Ứng, TP Đà Nẵng.
Hòa thượng thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 16 giờ 15 phút ngày 19 tháng 9 năm 2016 (nhằm ngày 19/8 năm Bính Thân) tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Trụ thế 71 năm. Hạ lạp 42 năm.
Gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước năm 1975, lần đầu tiên đặt chân đến “Ngũ Hành Đệ nhất Thắng danh lam”, nơi tọa lạc chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn cho đến tận bây giờ, tôi mới biết thầy Nguyện cũng chính là tác giả của 3 câu thơ, đúng hơn là 3 bài thơ về 3 ngôi chùa mà mình khởi tâm kêu gọi chúng sanh góp tài lực rồi đứng ra trông coi việc xây dựng.
Khi đặt đá xây chùa ở núi Ngũ Hành Sơn, thầy Nguyện cảm tác làm 2 câu: “Linh Ứng sở cầu như ý nguyện/Ngũ Hành Đệ nhất Thắng danh lam”.
Cuối năm 1999, đầu năm 2000, khi vừa “xin” được khuôn đất đẹp dưới chân ngọn núi Chúa trên dãy núi Bà Nà, lúc ngồi xe xuôi về Đà Nẵng cùng Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh, thầy Nguyện ứng khẩu 2 câu thơ gắn tạc chân mệnh của ngôi chùa sắp ra đời: “Linh Ứng sở cầu như ý nguyện/Bà Nà đạo pháp vĩnh truyền phương”.
Về ngôi chùa Linh Ứng Bãi Bụt, thầy Nguyện kể rằng: “29 năm về trước, nơi này còn hoang vu lắm. Khoác túi vải lặn lội đến Bãi Bụt, gặp ngư dân cùng thuyền bè tả tơi sau trận bão lớn, thầy hứa với họ là sẽ khôi phục Bãi Bụt thành nơi chở che gió bão, giữ yên lành cho dân”.
Theo thầy Nguyện, Bụt là hiện thân của Đức Phật. Bãi Bụt là bãi biển nơi Phật hiển linh cứu độ chúng sanh tai qua nạn khỏi… Cũng lúc này, 2 câu thơ gắn với ngôi linh tự ở núi Sơn Trà trông xuống Bãi Bụt ra đời: “Linh Ứng sở cầu như ý nguyện/Sơn Trà Bãi Bụt thật hiển linh”.
Ngoại trừ chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng Bà Nà và Linh Ứng Bãi Bụt ở Sơn Trà chỉ mới mở cửa đón tín tăng, Phật tử trong thời gian rất ngắn nhưng đã vang danh bốn biển. 3 ngôi chùa tọa lạc ở lưng chừng 3 ngọn núi (Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Sơn Trà) được người Đà Nẵng ví như “tam trấn linh tự”, gìn giữ bình yên cho một vùng biển trời rộng lớn.
....................
Thành phố Đà Nẵng thoát thai từ những làng chài trên cát trắng. Dưới chân núi Sơn Trà bây giờ vẫn là những làng chài tấp nập ghe thuyền. Từ khi ngôi chùa Linh Ứng Bãi Bụt hoàn thành với tượng Quán Thế Âm Bồ Tát sừng sững, người dân chài lưới có niềm tin rằng họ luôn được chở che khỏi những trận cuồng phong ghê gớm. Có một thực tế là những năm gần đây, Đà Nẵng ít phải hứng chịu những trận bão lớn.
Tháng 11/2013, bão Yaiyan với sức gió cấp 17, sau khi biến thành phố Taloban (Philippines) thành đống đổ nát hoang tàn, chuẩn bị vào miền Trung Việt Nam, bỗng bất ngờ đổi hướng đi song song cách bờ 200km ra phía Bắc, suy yếu rồi đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng. Trận bão lớn bất ngờ đổi hướng càng củng cố thêm lòng tin của người dân về chuyện họ được 3 bức tượng Phật ở “tam trấn linh tự” che chở.
Sự hiển linh của Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt trong tâm thức người dân còn đến từ những sắp đặt ngẫu nhiên của thời tiết. Chẳng hạn, sau cơn mưa, vùng trời phía Đông sau lưng tượng Quán Thế Âm Bồ Tát có cầu vồng cùng ráng mây vàng rực rỡ. Hoặc giữa trưa nắng, trời trong veo, trên đầu tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tỏa vầng hào quang với từng chùm tia ngũ sắc rơi xuống xuống sân chùa.
Thầy Nguyện kể, năm 2004, trước lễ khởi công xây chùa Linh Ứng Bãi Bụt, tín tăng Phật tử khắp nơi đổ về đông vô kể. Nhiều người trong số hàng vạn tín tăng Phật tử nhìn thấy Phật Bà Quan Âm hiển diện. Sự ứng linh của Phật Bà Quan Âm trước ngày đặt đá xây chùa khiến thầy Nguyện và các chức sắc trong Ban Trị sự quyết định đặt móng xây chùa và xây tượng Quán Thế Âm Bồ Tát vào cùng một thời khắc trong ngày.
Lúc tượng Phật Bà Quan Âm trên bệ sen cao 72 mét sắp hoàn tất, đúng 11 giờ (giờ Ngọ) ngày 16 tháng 8 năm 2008 Âm lịch, một vầng hào quang chói lòa bỗng đâu xuất hiện trên đỉnh tượng. Gần chính ngọ ngày 19 tháng 6 năm 2010 Âm lịch (tức ngày 30 tháng 7 năm 2010 Dương lịch) trong lúc Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đang đọc lời phát biểu trước hàng vạn chúng sanh tại đại lễ khánh thành chùa, hào quang lại hiện ra trên đỉnh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát với những chùm ngũ sắc rơi xuống như pháo hoa.
Từ khi đặt viên đá đầu tiên cho đến lễ khánh thành chùa và tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát; thầy Nguyện cùng đông đảo chúng sanh, Phật tử đếm được 12 lần hào quang tỏa rạng.
Tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cao 67 mét và nếu tính cả bệ sen thì lên đến 72 mét đang được coi là bức tượng Phật cao nhất Việt Nam hiện nay. Trong lòng tượng, nơi rộng nhất lên đến 35m2, được chia làm 17 tầng, mỗi tầng là nơi thờ 21 Phật vị.
Hỏi thầy Nguyện về khoản tài chính làm nên bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát uy nghi, vị cao tăng cười mà rằng: “Công đức vô lượng là của chúng sanh. Thầy chỉ là người chắp nối”.
Lúc đầu, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chỉ cấp 800m2 đất đủ xây ngôi chùa nhưng dần dà họ đồng ý cho thầy Nguyện mở mang nơi này thành “cõi Phật dưới trần gian” với diện tích đất lên đến 13ha.
Hàng vạn chúng sanh có mặt tại đại lễ khánh thành chùa Linh Ứng Bãi Bụt ở Sơn Trà vẫn nhớ lời phát biểu của ông Nguyễn Bá Thanh, khi ấy là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: “Kể từ khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, cùng với việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; Đảng và chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng rất chú trọng đến bảo tồn, nâng cao đời sống tín ngưỡng của nhân dân”.
Tại đại lễ long trọng này, người lãnh đạo cao nhất thành phố Đà Nẵng lúc ấy cũng đã kêu gọi tăng, ni, Phật tử, thiện nam tín nữ gần xa đóng góp xây ngôi chùa đá vừa khởi công ở chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn. Thịnh tình của ông Nguyễn Bá Thanh được cao tăng Thích Thiện Nguyện cảm kích coi như mối nhân duyên hòa hợp giữa “đời với đạo”, để đạo pháp mãi mãi trường tồn, đồng hành cùng dân tộc trên chặng đường còn nhiều chông gai phía trước.
Kỳ sau: Chuyện về người xây ba ngôi chùa vang danh bốn biển
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 24/11, thông tin từ lãnh đạo UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An xác nhận, trên địa bàn đã xuất hiện dịch bệnh ung khí thán làm chết hàng chục con trâu, bò.
Văn Thanh
22:33 24/11/2024(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.
Lợi Châu
19:47 23/11/2024Đức Anh
19:47 23/11/2024Bùi Bình
22:58 22/11/2024Văn Thanh
22:01 22/11/2024Hương Giang
TK
Ngọc Giàu
PV
Thu Huyền
Thu Huyền
TK
Cảnh Nhật
Hương Giang