Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không bỏ qua lao động địa phương

Thứ sáu, 18/05/2012 - 09:22

(Thanh tra) - Nếu như không ít doanh nghiệp (DN) tại các địa phương bỏ qua lao động chưa qua đào tạo thì câu chuyện sau đây ở Hải Phòng và Hà Nam lại cho thấy điều ngược lại. DN quan tâm đào tạo nghề cho lao động ngay tại địa phương, coi đây là lực lượng quan trọng có thể làm nòng cốt để phát triển sản xuất.

Cầm tay chỉ việc

Thực hiện theo Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2011, Cty TNHH An Huy đã kết hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đào tạo phát triển làng nghề hoàn tất thủ tục đăng ký mở 2 lớp đào tạo nghề thêu và nghề móc với 80 học viên tại xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng và xã Lưu Kiểm, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). 3 nghệ nhân làng nghề Việt Nam và 1 thợ giỏi cấp TP đã tham gia giảng dạy tại các lớp học.

Cty An Huy đã tập trung kinh phí chuẩn bị tốt dụng cụ, cơ sở vật chất, trường lớp, nguyên vật liệu… Cùng với đó, làm việc với các giáo viên thống nhất chương trình giảng dạy cơ bản với phương châm hướng dẫn cơ bản, cầm tay chỉ việc, kèm cặp trực tiếp đối với các đối tượng học viên.

Bà Hoàng Thị Phương Anh, Giám đốc Cty An Huy cho biết, điều khiến Cty cũng như các giáo viên cố gắng tổ chức thành công lớp học, bởi đa phần học viên là lao động chịu nhiều thiệt thòi. Trong đó, 37 người thu nhập chỉ bằng 150% so với thu nhập hộ nghèo, 35 người là đối tượng bị thu hồi đất sản xuất và 8 người thuộc đối tượng chính sách… Vì thế, việc đào tạo lao động nông thôn chịu thiệt thòi này như một phần trách nhiệm của DN. Do vậy, giáo án bài giảng được thực hiện hết sức nghiêm túc. Hàng tuần với sự chứng kiến của Cty, các giảng viên tổ chức kiểm tra thực hành để đánh giá kết quả học tập và rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, đào tạo trong thời gian tiếp theo.

Câu chuyện tương tự diễn ra ở xã Bình Nghĩa, Hà Nam khi Cty TNHH Bảo Châu đứng ra phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề thêu cho 80 học viên ưu tiên đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi, người có công, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo.

Với phương pháp thực hành truyền nghề, kèm nghề cầm tay chỉ việc nên Cty đã khôi phục nghề thêu truyền thống của địa phương đã bị thất truyền từ năm 1990.

Trở thành lao động nòng cốt


Kết quả sau các khóa đào tạo, 80 học viên ở Cty An Huy đã được cấp chứng chỉ nghề. Trong đó, lớp nghề thêu 25 người đạt loại giỏi, 14 loại khá, 1 trung bình còn lớp nghề móc cũng có 21 loại giỏi, 13 loại khá, 6 trung bình. Tất cả học viên đều đạt yêu cầu của khóa học đề ra.

“Quan trọng hơn, sau khi kết thúc khóa học, tất cả học viên đều thêu được cơ bản trên mọi chất liệu, mọi kiểu dáng bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu và vệ sinh tốt sản phẩm trong sản xuất”, Giám đốc Cty An Huy khẳng định.

Thời gian tới, Cty sẽ tiếp tục lấy lao động cơ sở làm nòng cốt để thực hiện công tác sản xuất kinh doanh với hình thức “giao nguyên liệu, thu sản phẩm” căn cứ mẫu mã do Cty cung cấp đến tận tay người lao động và luôn bảo đảm có công việc ổn định thường xuyên.

Ông Mai Văn Hưởng, Phó Giám đốc Cty TNHH Bảo Châu chia sẻ, việc hỗ trợ giá cho các sản phẩm kết hợp với việc vừa học vừa làm đã cho các học viên tạo ngay nguồn thu nhập trong khi còn đang học tập, giúp họ ổn định cuộc sống. Đồng thời, việc kết hợp lý thuyết với thực hành trên sản phẩm còn giúp lao động được đào tạo tại chỗ có thể đáp ứng ngay những công việc mà Cty cần sau khóa đào tạo.

Qua 2 câu chuyện trên cho thấy, việc DN thủ công mỹ nghệ ở địa phương quan tâm đào tạo tại chỗ cho lao động nông thôn là một hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hướng đi này không chỉ giúp giải quyết gánh nặng thất nghiệp cho địa phương mà còn giúp lao động tại chỗ yên tâm gắn bó phát triển lâu dài với DN.


Tràng An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm