Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 21/11/2020 - 14:03
(Thanh tra)- Qua những câu chuyện với cán bộ, công chức Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tôi luôn thầm nghĩ, nếu không có sự quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ của họ trong công tác thanh tra chuyên ngành thì công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản các năm qua sẽ còn muôn vàn thách thức...
Tập thể cán bộ Thanh tra Bộ NN&PTNT. Ảnh: Phương Hiếu
Nhìn lại chặng đường vừa qua, tôi hiểu những kết quả đạt được của ngành Thanh tra trong 75 năm không thể không kể đến kết quả của Thanh tra Bộ NN&PTNT.
Dấu ấn từ những cuộc thanh tra
Những năm trước, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia tăng ở mức báo động cả về quy mô lẫn tính chất. Trên thị trường bầy bán công khai các sản phẩm quảng cáo là “siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai” có chứa Salbutamol. Tình trạng sử dụng chất cấm không chỉ xuất hiện ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, mà còn có ở cả các cơ sở chăn nuôi trang trại, thậm chí là các trang trại trong hệ thống chăn nuôi gia công của các tập đoàn lớn.
Căn cứ vào kế hoạch đã được phê duyệt, cùng sự quyết tâm của mình, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã tham mưu, ban hành kịp thời các văn bản nhằm đáp ứng nhanh với các yêu cầu trong việc triển khai kế hoạch cao điểm hàng năm.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Bộ Công an như Cục An ninh kinh tế (A86), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) trong việc triển khai kế hoạch. Trong từng vụ việc cụ thể, hai bên đã phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hoặc hỗ trợ lực lượng, cử cán bộ theo yêu cầu để phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Điển hình, năm 2015, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu sử dụng chất cấm.
Qua thanh tra, đã xác định được 1 Cty có sử dụng Salbutamol là Cty Trường Phú; 2 Cty sử dụng chất Vàng - O là Cty Việt Nhật và Cty Thăng Long. Thanh tra Bộ NN&PTNT và lực lượng Công an đã làm việc với các Cty trên để xác minh, xử lý vi phạm và truy đường dây buôn bán theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, qua quá trình thanh tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các kênh thông tin từ mạng lưới thị trường, đoàn thanh tra còn xác định thêm hành vi vi phạm mới trong chăn nuôi, đó là việc sử dụng chất cấm là các biệt dược dạng lỏng, được nhập khẩu từ nước ngoài theo dạng thuốc thành phẩm.
Chất lỏng này được xác định là thuộc nhóm Beta-Agronist với giá thành đối tượng cung cấp là 1,5 triệu đồng/lọ 20ml và tiêm trực tiếp cho 20 heo ở giai đoạn 20 ngày trước khi xuất chuồng. Qua công tác trinh sát, đã xác định được đối tượng cung cấp cho 2 trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai sử dụng, đồng thời đối tượng đang tiến hàng đưa ra Bắc cung cấp tại các tỉnh Hưng Yên và Bắc Giang. Đây là hành vi vi phạm hết sức nguy hại, Thanh tra Bộ đã phối hợp với lực lượng công an theo sát hoạt động của đối tượng để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trên.
Từng bước đẩy lùi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương xử lý triệt để những hành vi vi phạm về chất cấm, cùng với sự đồng hành của các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của chất cấm trong chăn nuôi.
Qua tuyên truyền, các cở sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; các chủ trang trại và gia trại chăn nuôi; thương lái heo; các cơ sở sản xuất, chế biến động vật, sản phẩm động vật đã ý thức được mức độ nguy hại của chất cấm, ý thức được việc các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có các biện pháp xử lý nghiêm, đồng thời dư luận xã hội cũng như khách hàng sẽ lên án mạnh mẽ nếu các họ đưa chất cấm vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Chính vì các chủ hộ chăn nuôi, các trang trại và gia trại đều được tuyên truyền và biết về tác hại của chất cấm, nên cũng có động thái bài trừ các chất này. Trên thị trường hiện tại không còn hiện tượng bầy bán công khai các sản phẩm quảng cáo là “siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai” có chứa Salbutamol. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng đều cam kết là sẽ không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, việc đấu tranh, ngăn chặn việc sử dụng các chất cấm “kích thích tăng trưởng” trong chăn nuôi là hiệu quả và đã tạo được bước chuyển biến căn bản. Việc sử dụng các chất cấm này trong chăn nuôi đã và đang từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và không còn phổ biến nữa.
Vẫn còn đó những khó khăn cần tháo gỡ
Kết quả đạt được là vậy, nhưng theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, việc ngăn chặn triệt để và chấm dứt hoàn toàn hành vi vi phạm này được đánh giá là rất khó, cần có những giải pháp quyết liệt kiểm soát tận gốc nguồn cung các chất này.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là việc khảo sát thông tin về hoạt động của đối tượng thanh tra. Để triển khai cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất có hiệu quả thì việc nắm được thông tin về đối tượng rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc thành công hay không của cuộc thanh tra.
Thứ hai, do mức phạt hiện tại của các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn nhẹ nên một số tổ chức, cá nhân vẫn vì lợi nhuận mà bất chấp để sử dụng lén lút chất cấm.
Đối tượng thanh tra của hoạt động thanh tra chuyên ngành về vật tư nông nghiệp và ATTP thường là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, trải rộng khắp cả nước, thường xuyên biến động nên việc nắm bắt được thông tin về hoạt động của đối tượng thanh tra gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, những cơ sở sản xuất, kinh doanh về vật tư nông nghiệp và ATTP có hành vi vi phạm thường tìm cách che đậy thông tin vi phạm, như đăng ký trụ sở tại một nơi, hoạt động tại nơi khác, thuê địa điểm hoạt động ở những nơi ít ai ngờ tới như trong trường học…
Hành vi vi phạm cũng tinh vi hơn, các cơ sở buôn bán và sử dụng chất cấm theo cách là không trộn vào các sản phẩm và bày bán trên thị trường mà đưa thẳng xuống các trang trại, gia trại, đặc biệt là các trang trại theo hệ thống gia công.
Khó khăn nữa là các hành vi vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản thường đòi hỏi phải tiến hành thanh tra đột xuất thì mới kịp thời phát hiện ngay được. Tuy nhiên, quy định hiện hành về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất còn bất cập, khó đạt được hiệu quả với mục tiêu thực hiện trong thời gian ngắn, kịp thời, bắt quả tang tại chỗ.
Nhiều trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi chống đối, thiếu hợp tác như đóng cửa không tiếp đoàn thanh tra, không bố trí người có thẩm quyền làm việc với đoàn thanh tra, tẩu tán, tiêu hủy tang chứng, vật chứng, không cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra, không thực hiện kiến nghị của đoàn thanh tra...
Tiếp nữa là kinh phí cho hoạt động thanh tra chuyên ngành vẫn còn hạn chế. Hoạt động thanh tra chuyên ngành đang chuyển hướng từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra theo hình thức đột xuất, nên việc xây dựng dự toán ngân sách cho hoạt động thanh tra chuyên ngành gặp khó khăn.
Song, tuy khó khăn là thế, nhưng tập thể cán bộ, công chức, viên chức Thanh tra Bộ NN&PTNT đã luôn vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng vì có nhiều thành tích xuất sắc.
Với chỉ 1 bài viết nhỏ này, chúng tôi không thể kể hết những kết quả của cán bộ, công chức Thanh tra Bộ NN&PTNT, những kết quả này đã góp phần không nhỏ trong công tác đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản, đảm bảo quyền, lợi ích người tiêu dùng.
Phương Hiếu
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền