Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nhật Huyền
Thứ sáu, 21/05/2021 - 07:00
(Thanh tra) - Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp. Nhiều vụ cháy nghiêm trọng tại các nhà kho, xưởng trong khu dân cư đã xảy ra, gây hậu quả nặng nề về tính mạng và tài sản của nhân dân, gây tâm lý bất an trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
Nhiều vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất xảy ra gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Ảnh: TH
Hiểm họa rình rập
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 300.000 nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trong khu dân cư. Các căn nhà này thường nằm sâu trong hẻm nhỏ, xây dựng sát nhau, chứa nhiều loại hàng hóa dễ cháy và hạn chế lối thoát hiểm. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ở các khu vực vùng ven của TP có những khu dân cư tạm bợ hoặc đa phần người lao động nghèo, còn nhiều nhà cửa được dựng lên bằng vách lá, ván ép. Dân nhập cư từ khắp nơi đổ về tạm trú, sinh sống, làm ăn rất đông đúc làm cho tình hình an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy (PCCC), vệ sinh môi trường càng thêm phức tạp. Xen lẫn bên trong các khu dân cư này còn có không ít cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ.
Thời gian qua, đã xảy ra không ít vụ cháy do điểm chung của nhiều cơ sở này thường có quy mô nhỏ, nguyên liệu và sản phẩm là những vật liệu dễ cháy như giấy, mút xốp, nhựa, sơn dầu, dung môi, giày dép… lại được sắp xếp chồng chất, tràn lan, làm cho lối đi chật hẹp, nên chỉ cần có một sự bất cẩn nhỏ trong quá trình sản xuất sẽ dễ dàng phát cháy và khả năng cháy lan rất lớn. Hẻm nhỏ hẹp, nhiều nhà dân sát nhau, xe chữa cháy không vào được… Đó là những vấn đề nan giải trong công tác PCCC ở các khu dân cư trên địa bàn TP từ lâu nay. Vì vậy, các chủ cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu dân cư nếu như không ý thức được trách nhiệm của mình, lơ là trong công tác PCCC hoặc việc thực hiện chỉ mang tính hình thức, đối phó thì nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ càng cao.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, trên địa bàn xảy ra 77 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4 tỷ đồng. Hậu quả rất lớn, tuy nhiên nhiều chủ cơ sở vẫn còn tâm lý khá chủ quan trong việc phòng, chống cháy nổ. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra buộc khắc phục thì mới quan tâm đến tính mạng và tài sản.
Chỉ tính trong tuần đầu tháng 5, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra nhiều vụ cháy rất lớn, làm chết 17 người. Cụ thể, ngày 25/3, tại căn nhà trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, có 3 thành viên trong một gia đình đã chết khi ngôi nhà bốc cháy vào giữa đêm. Các nỗ lực chữa cháy của người dân, lực lượng cứu hỏa sau đó đã không cứu được các nạn nhân. Ngày 30/3, một vụ cháy thảm khốc khác xảy ra tại số nhà 899 đường Nguyễn Thị Ðịnh, khu phố 3, phường Cát Lái, TP Thủ Ðức, số nạn nhân trong vụ hỏa hoạn này lên tới 6 người. Các nạn nhân đều là thành viên trong một gia đình, trong đó có một trẻ sơ sinh.
Thực tế cho thấy, có một đặc điểm chung là hầu hết các vụ cháy đều xảy ra vào buổi tối, ở các hộ gia đình. Mới đây, cũng do chập ổ cắm điện, số nhà 213 đường số 7, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân cũng bốc cháy trong đêm, rất may, 4 thành viên trong gia đình đã may mắn thoát chết khi được các lực lượng chức năng kịp thời cứu thoát.
Trong khi người dân còn chưa hết bàng hoàng về những vụ cháy thương tâm nêu trên, vào ngày 7/5, xảy ra vụ cháy căn nhà ống, đồng thời là cơ sở sản xuất sáp nến ở quận 11, khiến 8 người thiệt mạng, tiếp tục là hồi chuông cảnh báo. Các dạng nhà ống thường chỉ có một lối đi duy nhất, lại được tận dụng mặt bằng ở tầng trệt để kinh doanh, các tầng trên làm kho chứa hàng hoá cản trở lối đi và cầu thang, nên khi xảy ra cháy rất khó kiểm soát.
Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh ý thức chấp hành các quy định PCCC của một bộ phận người dân, chủ cơ sở còn kém, việc cháy, nổ ở lĩnh vực nhà ở kết hợp kinh doanh diễn biến phức tạp còn có nhiều nguyên nhân khác. Mặt khác, dù việc quản lý đối với các cơ sở kinh doanh trên về công tác PCCC đã được phân cấp về đến cấp xã. Theo đó, đối với các cơ sở thuộc Phụ lục IV của Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã, phường quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND cấp xã, phường vẫn còn lúng túng, chưa điều tra cơ bản đối với các cơ sở và chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình.
Tăng cường kiểm tra, giám sát PCCC
Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh đã tham mưu UBND TP dự thảo quy định các điều kiện an toàn PCCC cụ thể đối với loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP.
Trong khi chờ đợi sự phê duyệt của UBND TP, Cảnh sát PCCC&CNCH kiến nghị các cấp các ngành, UBND cấp quận, huyện, và nhất là UBND cấp xã đã được phân cấp quản lý tại Phụ lục IV Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ cần thực hiện hết trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực PCCC để nâng cao tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân thiếu ý thức, cố tình vi phạm.
Nâng cao năng lực giám sát, quản lý đối với nhà ở kết hợp kinh doanh về PCCC, kịp thời điều chỉnh, khắc phục các tồn tại, vi phạm. Ngành Điện lực TP cần quan tâm, phối hợp với chính quyền, lực lượng phòng cháy để xử lý, ngăn chặn triệt để các vi phạm PCCC trong sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã triển khai quyết liệt việc thực hiện các biện pháp xử lý cơ sở có nguy cơ cháy, nổ xen cài trong khu dân cư trên địa bàn. Trong đó, đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án xử lý đối với các cơ sở này, xác định tiêu chí các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ nằm xen cài trong khu dân cư. Tổng kiểm tra, khảo sát thống kê, lập danh sách, phân loại, đánh giá cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chấp hành chủ trương của TP trong công tác di dời.
Đồng thời, nghiên cứu, phối hợp với các sở, ban, ngành TP và UBND các quận, huyện tham mưu đề xuất UBND TP phê duyệt các chính sách hỗ trợ kinh phí, bố trí quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc di dời các cơ sở, tổng kiểm tra, khảo sát thống kê, lập danh sách, phân loại, đánh giá cơ sở có nguy cơ cháy, nổ nằm xen cài trong khu dân cư trình UBND TP các biện pháp xử lý từ hướng dẫn khắc phục, vận động tuyên truyền các cơ sở tự chuyển đổi công năng, cải tạo bảo đảm an toàn PCCC, di dời…
Tuyên truyền và cảnh báo
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP khuyến nghị để PCCC trong khu dân cư; nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, đề nghị người dân không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công, tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái, trường hợp cửa có khóa, cần quy định vị trí để chìa khóa trong nhà...
Không tích trữ, chứa xăng dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Trường hợp cần thiết chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn và bảo quản nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bảo quản, sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy nổ trong tầng hầm, cùng với khu vực có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy và trong phòng ngủ...
Cửa đi ra ngoài tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường như búa, rìu, xà beng... trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy nổ. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng. Nhà ở có ban công, cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì nên bố trí ô cửa để thoát nạn khi có cháy nổ.
Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc qua ứng dụng “Help 114”, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến…
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, sẽ kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo phân cấp quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC theo quy định. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024Minh Thắng
Văn Thanh
Thu Huyền
Uyên Uyên
Uyên Uyên
Cảnh Nhật
Quang Dân
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Lâm Ánh
Hương Giang