Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hết sức cảnh giác, không được chủ quan với cơn bão số 7

Hoàng Nam

Thứ sáu, 08/11/2024 - 19:07

(Thanh tra) - Chiều ngày 8/11, sau khi bão YINXING đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 7 năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương liên quan về công tác ứng phó với cơn bão số 7 (YINXING).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, chủ trì buổi họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương vào chiều ngày 8/11 để bàn về các biện pháp chủ động ứng phó với cơn bão số 7. Ảnh: Hoàng Nam

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 11h ngày 8/11, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.704 phương tiện/312.506 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 87 tàu/582 người (Nghệ An 24 tàu, Quảng Nam 1 tàu, Quảng Ngãi 47 tàu, Bình Định 15 tàu) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến 13h ngày 8/11, trong khu vực quản lý của các Cảng vụ Hàng hải từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có 909 tàu, trong đó có 441 tàu biển và 498 phương tiện thủy nội địa.

Số liệu của Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến 11h ngày 8/11, tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận là 151.855ha; 192.153 lồng bè; 3.003 chòi canh nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt lo ngại về các nguy cơ của cơn bão số 7, bởi hướng đi của bão được dự đoán sẽ đổ bộ vào Trung miền Trung. Trong khi đó, khu vực này, nhất là 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, vừa phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 6 cũng như đợt mưa lớn kéo dài trong những ngày gần đây. Chính quyền và người dân đã rất vất vả để khắc phục hậu quả, cuộc sống mới dần được ổn định lại thì bão lớn đã chuẩn bị đổ bộ.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6 và đợt mưa rất lớn vừa qua, 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã xảy ra ngập lụt, khiến 8 người chết, 46 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính lên đến trên 900 tỷ đồng. Hiện nay, chính quyền và người dân đã tổ chức dọn dẹp xong vệ sinh môi trường, xử lý ngập úng. Các trường học đã có thể mở cửa trở lại để đón học sinh đến trường; các sự cố giao thông và lưới điện cũng đã khắc phục xong, hiện giao thông đã hoạt động trở lại bình thường, lưới điện đã cấp điện trở lại, thông tin liên lạc được thông suốt.

Để ứng phó với bão số 7, địa phương đã ban hành công điện chỉ đạo các cấp sở, ban ngành, địa phương khẩn trương có phương án ứng phó với bão; kêu gọi các tàu thuyền vào nơi tránh trú. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu, vận động các hộ dân chủ động di tản để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, cơn bão số 6 thiệt hại tương đối lớn, ngập lụt cục bộ nhiều nơi, phải di dời dân. Hiện các địa phương và người dân vẫn đang tập trung khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, ao hồ để tái sản xuất trở lại.

Một số hệ thống đê kè bị hư hại, một số tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở, các đơn vị chức năng đang huy động các phương tiện để kết nối lại giao thông, huy động các nguồn lực tại chỗ, hỗ trợ ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất cho bà con Nhân dân.

Đối với biện pháp ứng phó với cơn bão số 7, hiện chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ về các diễn biến của cơn bão. Trước mắt, kêu gọi tất cả các tàu thuyền về nơi tránh trú, dự báo các khu vực có thể bị ảnh hưởng, ngập lụt để di dời dân, nâng cao tinh thần cảnh giác. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã kích hoạt chế độ sẵn sàng ứng phó với cơn bão.

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hoàng Nam

Theo Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, đặc biệt là không được chủ quan đối với các vùng áp thấp trên biển cũng như áp thấp, hoàn lưu sau bão, có thể gây mưa lớn sẽ rất nguy hiểm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đây là cơn bão mạnh, có thể lên đến cấp 15 và giật trên cấp 15. Theo dự báo, đây đang là thời điểm mạnh nhất của cơn bão, có thể sau đó, bão sẽ giảm cấp, tuy nhiên, vẫn phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan.

Các thông tin dự báo đều cho rằng, bão số 7 sẽ đổ bộ vào khu vực Trung Trung bộ, nơi vừa diễn ra đợt mưa lớn kéo dài, bà con Nhân dân và các địa phương đã rất vất vả trong việc ứng phó với mưa lũ.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết luận cuộc họp. Ảnh: Mard

Hồ chứa các khu vực này đã tích nước rất nhiều, nếu bão và hoàn lưu sau bão tiếp tục gây mưa lớn tại khu vực này, thì khả năng điều tiết lũ sẽ gặp khó khăn. Việc vận hành liên hồ chứa cần phải có sự tính toàn vận hành hợp lý, đảm bảo cắt lũ, không để lũ chồng lũ, nhưng cũng phải tính toán rất kỹ để dự trữ nước cho mùa khô hạn sắp tới.

Các tỉnh miền núi, nhất là khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi, vừa qua đã ngậm no nước, nếu tới đây tiếp tục mưa lớn, nguy cơ sạt trượt là rất cao.

Đề nghị các tỉnh phải tập trung thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 114 vừa ban hành ngày 7/11 về ứng phó với bão số 7.

Bên cạnh đó, trong khi bão vẫn chưa đổ bộ, cần tập trung nguồn lực khắc phục nhanh các hậu quả của bão số 6 và các đợt mưa lớn vừa qua.

Kêu gọi các tàu thuyền trên biển phải khẩn trương vòng, tránh trú kịp thời; đảm bảo an toàn cho việc nuôi trồng thủy hải sản trên biển. Duy trì lực lượng tại chỗ, thông tin liên lạc thông suốt để sẵn sàng ứng phó với bão khi đổ bộ vào đất liền.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm