Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội sau 10 năm hợp nhất: Nội đô vẫn tắc nghẽn

Thứ tư, 02/05/2018 - 21:51

(Thanh tra) - Theo nhiều ý kiến, sau 10 năm hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội. Song vẫn còn những tồn tại, trong đó có việc giao thông quá tải dẫn đến khu vực nội đô tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo

Sáng 2/5, UBND TP Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Hài lòng sau 10 năm bấm nút hợp nhất

Theo báo cáo, Nghị quyết 15 được thực hiện trong bối cảnh diện tích TP Hà Nội tăng gấp 3,63 lần, dân số gấp 1,87 lần so với trước đây.

Sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền, dân số nông thôn lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và còn thiếu. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ với số lượng nhiều (nhất là lãnh đạo cấp sở, ngành), chất lượng chưa đồng đều, trụ sở làm việc phân tán.

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội tăng 2,3 lần (từ 1.697 USD lên 3.910 USD). Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm.

Đặc biệt, giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì, phát huy.

Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường mở rộng…

Là đại biểu Quốc hội đã bấm nút tán thành Nghị quyết 15, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nhớ lại, thời điểm cách đây 10 năm khi Quốc hội phát phiếu thăm dò ý kiến về việc hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, bản thân ông và nhiều đại biểu Quốc hội rất băn khoăn.

“Lúc ấy, tôi đánh dấu vào ô chưa tán thành”, ông Hùng chia sẻ, Quốc hội phải tổ chức nhiều cuộc thảo luận, đặc biệt là họp tại tổ, đoàn, các đại biểu Quốc hội và cá nhân ông mới nhận thức rõ hơn vấn đề.

Sau đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết với tỷ lệ trên 92% đại biểu tán thành.

“Qua 10 năm mở rộng địa giới hành chính, với những gì TP đạt được như hiện nay, tôi chắc chắn rằng các đại biểu tán thành Nghị quyết 15 như tôi sẽ rất hài lòng với quyết định của bản thân”, ông Đỗ Mạnh Hùng cho hay.

Chưa hợp nhất, đi làm rất khổ…

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành cho rằng điểm nổi bật nhất trong 10 năm qua là hạ tầng kỹ thuật của TP được đầu tư rất mạnh, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành

“Trước đây tôi đi làm rất khổ. Từ Hà Đông đến Hoài Đức, qua đường Láng - Hòa Lạc đang làm, đường 70 thì không có chỗ mà đi, có khi mất 2 tiếng mới tới nơi. Còn bây giờ hạ tầng rất đẹp, khang trang”, ông Thành nhớ lại thời còn làm Bí thư Huyện ủy Hoài Đức hơn 10 năm trước.

Cũng bày tỏ cảm thấy 10 năm sau khi sáp nhập diện mạo Thủ đô có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, việc TP được điều chỉnh quy hoạch và phát triển đô thị về phía Đông và Tây đã làm giảm áp lực cho khu vực nội đô.

Tuy nhiên, ông Cao Đức Phát cho rằng, TP cần phải thẳng thắn nhìn rõ những tồn tại chưa thực hiện được khi thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính. Nhất là, TP chưa hình thành những khu vực kinh tế điển hình, đặc biệt những khu đô thị vệ tinh để kéo giãn mật độ dân số trong nội thành cũng chưa thực hiện được.

“Tôi cảm nhận, chúng ta còn tập trung các hoạt động kinh tế nhiều vào trong nội đô. Điều đó thể hiện qua việc giao thông quá tải dẫn đến tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường còn tồn tại trong khu vực nội thành”, ông Phát nói.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn cũng cho rằng, với không gian mở rộng, TP có nhiều điều kiện phát triển thành trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước. Nhưng, Hà Nội vẫn chưa có khu đô thị nào đồng bộ, đủ thu hút dân cư, góp phần giải tỏa, gánh đỡ cho nội đô.

Báo cáo cho thấy, phát triển kinh tế cũng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn hạn chế….

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, buổi chiều, lãnh đạo TP họp để tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu bổ sung vào báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 này.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm