Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đường về quê mẹ Tết xưa

Thứ bảy, 30/01/2021 - 06:35

(Thanh tra)- Chiều mùng 4 Tết trời rét căm căm, tôi khoác ba lô cuốc bộ 18 cây số trên con đường mịt mù gió cát. Trong bụng nhủ thầm “mẹ ơi con đang về ăn Tết với mẹ đây”. Đó là đường về quê mẹ Tết xưa của tôi tròn 30 năm trước.

Con đường về quê mẹ chiều cuối năm. Ảnh: Mai Thắng

1. Sau 9 tháng quân trường huấn luyện nơi vùng Đông Bắc của Tổ quốc, sớm mùng 4 Tết năm 1989, tôi khoác ba lô tạm biệt đồng đội ở tiểu đoàn 474 Lữ đoàn 147 Hải quân về “ăn Tết muộn” với gia đình. 30 năm trước, phương tiện đi lại không thuận tiện như bây giờ.

Sau chặng đường gần 200km từ tỉnh Quảng Ninh, chiếc xe ca 24 chỗ ọc ạch dừng ở đầu đường 13 huyện Hà Trung (đường về huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) lúc hơn 4 giờ chiều.

Từ đầu đường 13 về đến xã Nga Tân (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) hơn 18 cây số. Ngày ấy chưa có xe buýt, xe ôm như bây giờ. Để về Nga Sơn, chỉ có thể đi xe ca ngày hai chuyến. Trong ba lô còn 16 ngàn. Tôi “bấm bụng”, “nếu không có xe, mình cuốc bộ”.  Lúc đó có hai cô gái ngồi bên kia đường. Thấy tôi sốt ruột, một cô gọi “anh ơi, chờ tí nữa đi. Có xe về Nga Sơn muộn đấy. Hai đứa em về Hậu Lộc”. Nghe cô gái nói vậy, tôi chờ thêm chừng 30 phút nữa, song càng chờ, càng “mất hút”. Tôi quyết định cuốc bộ dù đôi chân rã rời, bụng đói meo nhịn ăn từ sáng.

Chiều mùng 4 Tết, đường vắng hoe, trời rét căm căm. Con đường quê lầm bụi một bên núi đá, một bên là cánh đồng ngô xuân trải dài bát ngát. Gặp cụ già ven đường, cụ bảo: “Ô, chú bộ đội về đâu mà muộn thế. Trời tối đến nơi rồi”. Tự dưng mắt tôi cay cay chực khóc. Nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh mẹ đang ngồi bên bọng cửa chờ tôi về ăn Tết, tôi cúi đầu bước tiếp.

Vượt qua những cánh đồng ngô, qua Dốc Gũ - cái địa danh ngày ấy nổi tiếng là địa điểm tụ tập của bọn cướp bóc, trộm cắp. Qua cầu Báo Văn thì trời tối hẳn. Tôi men theo con đường đê nhỏ của xã Nga Thủy, vượt qua cánh đồng cói đến xã Nga Tân. Trước mắt tôi là con sông không có cầu - con sông người dân xã Nga Thủy kéo cói ngày mùa. Tình huống “khó đỡ” nhưng không còn cách nào khác. Lần nữa tôi “hạ quyết tâm” lội sông. Hai tay đưa ba lô cao trên đầu, người ngâm dưới nước giá buốt. Sang bên bờ bên kia, tôi phát hiện vai áo rách toạc do chà gai của người dân đánh tôm dưới lòng sông cào rách. Bộ quân phục ướt nhẹp, tôi run bần bật và khoác ba lô bước nhanh giữa gió gào, mưa phùn.

Mẹ tôi chạy ùa ra đầu ngõ: “Trời ơi, con sao thế này. Con Liên đâu rồi, nấu nước cho em tắm”, rồi mẹ đỡ chiếc ba lô từ trên vai tôi xuống. Mẹ nhìn tôi trân trân, xua tay. “Không sao, về đến nhà là tốt rồi”. Mắt mẹ rưng rưng, tôi hiểu mẹ xúc động nhưng không muốn khóc.

Mâm cỗ Tết muộn được dọn ra trên nền chiếu cói. Dưới ánh đèn dầu, mùi dưa hành thơm phức, chiếc bánh chưng hạt mì nhiều hơn gạo nếp đặt giữa mâm. Mẹ bảo: “Nhà mình nghèo Tết chỉ thế này thôi. No ba ngày Tết, đói ba tháng hè, có gạo ăn là no rồi”. Cả nhà tôi ngồi quây quần bên nhau. Mẹ kể chuyện Tết thời xưa đói khổ, nhà đông con ăn khoai từng bữa, Tết đến không có tiền mua thịt; ngày Tết, cơm in phần chia trẻ con bát đầy, người lớn bát vơi.

2. Trước ngày tôi trở lại đơn vị, tối mùng 7 Tết, mẹ bảo: “Để mẹ khâu lại cái áo chứ rách vầy lên đơn vị ai vá cho con”!

Dưới ánh đèn dầu loang loáng, tay mẹ vá áo, miệng mẹ kể thời son trẻ vá cho bố đêm trước ngày đoàn tàu không số vào Nam chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, bố nằm lại biển xanh. Ngày báo tử, mẹ nhận từ tay đồng đội chiếc áo của bố còn nồng nồng khói súng, mằn mặn mồ hôi. Những mũi chỉ đã sờn, chỉ đọng lại nghĩa tình thêm dầy thêm nặng. Tôi nhìn mẹ nước mắt rưng rưng. Nhìn lên di ảnh bố, mẹ khóc.

Ba ngày về ăn Tết muộn với mẹ qua mau, tôi trở lại Quảng Ninh nơi đơn vị đóng quân. Mẹ gói chiếc bánh chưng trong tấm áo cũ của mẹ, bỏ vào cái làn cói, bảo: “Con mang ra đơn vị cùng anh em mà ăn. Bánh chưng hạt mì nhưng lúc đói sẽ cần”.

Tiễn chân tôi tận bến xe (Ngã Năm Hạnh, xã Nga Mỹ), mẹ nhìn tôi mắt đỏ hoe, dặn dò: “Ra đến nơi con nhớ viết thư về nhá”.

Xe chuyển bánh, bóng mẹ khuất dần sau rặng tre đầu đường. Tôi mở ba lô cầm chiếc bánh chưng, tự dưng nước mắt trào ra. Hình ảnh mẹ già tần tảo bên nồi bánh chưng hạt mì hiển hiện trong tiềm thức.

Xuân Tân Sửu này tôi trở về quê. Con đường lầm cát bụi ngày xưa không còn nữa, mà thay vào đó là đường nhựa uốn lượn quanh triền đồi. Con sông giữa cánh đồng cói ngày xưa vẫn còn, song có cây cầu bê-tông nối liền hai xã Nga Tân và Nga Thủy. Chiếc áo thủy binh hải quân rách vai ngày xưa mẹ vá vẫn còn, chỉ khác nó bạc mầu hơn, cũ hơn theo dòng chảy thời gian.

30 năm xa quê hương quen với cuộc sống đủ đầy nơi phồn hoa đô thị, nhưng quê mẹ vẫn thôi thúc tôi trở về. Tất cả con đường gió cát, khúc sông lạnh giá, bánh chưng hạt mì, hình ảnh mẹ khâu áo yếm hải quân, giờ đây chỉ là hoài niệm, nhưng nó sẽ mãi không phai mờ trong ký ức tim tôi. Để mỗi khi Xuân về, Tết đến, tôi lại bồi hồi nhớ con đường về quê mẹ Tết xưa ngày ấy.

Mai Thắng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm