Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 10/11/2015 - 11:43
(Thanh tra) - Đường tuần tra biên giới từ xã Hạnh Dịch đi xã Nậm Giải được khởi công từ năm 2011, cắt ngang rừng nguyên sinh thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Hoạt, với tổng chiều dài 22km.
Dự án mở đường tuần tra biên giới sau 5 năm chưa hoàn thiện. Ảnh: Lương Ý
“Điểm nóng” của lâm tặc
Ngày 24/3/2015, BQL KBTTN Pù Hoạt có Báo cáo số 15 về tình hình việc mở đường giao thông từ trạm kiểm soát đồn Biên phòng Hạnh Dịch lên mốc 14M thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Báo cáo nêu những nội dung liên quan đến dự án nói trên, về tình hình lâm sản trên tuyến đường cũng như có kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An và UBND tỉnh để tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ, tiến hành tận thu phần thân, gốc, rễ... nằm rải rác tuyến đường và bị đất đá lấp. Đồng thời, tận dụng một số cây chết dọc hai bên tuyến đường do quá trình thi công tuyến đường theo quy định của Thông tư 35 năm 2011 của Bộ NN&PTNT.
Tháng 3 năm 2015, Sở NN&PTNT Nghệ An đã có văn bản cho phép chủ rừng là BQL KBTTN Pù Hoạt lập hồ sơ thiết kế khai thác, tận thu, tận dụng gỗ gửi UBND tỉnh Nghệ An.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An cho phép BQL KBTTN Pù Hoạt lập hồ sơ thiết kế, khai thác tận thu, tận dụng gỗ trong quá trình mở đường giao thông từ trạm kiểm soát Biên phòng Hạnh Dịch lên mốc M14.
Được sự “cho phép” này, BQL KBTTN Pù Hoạt có tờ trình xin phê duyệt hồ sơ thiết kế, khai thác, tận thu, tận dụng gỗ như đã nêu ở trên và được cơ quan chủ quản đồng ý.
Việc khai thác tận dụng gỗ, đã nhanh chóng được BQL KBTTN Pù Hoạt thực hiện, tuy nhiên việc tận thu gỗ vẫn còn gặp rất nhiều “vướng mắc”.
Minh chứng là vào trưa ngày 3/7, các đối tượng Lương Văn Tâm, Vi Văn Hoài, Lữ Văn Dương, Vi Văn Bình (đều trú xã Thông Thụ, Quế Phong) và Cao Minh Quyết (trú huyện Quỳ Hợp) đã vào khu vực vùng lõi rừng đặc dụng trong KBTTN Pù Hoạt cưa 3 cây sa mu đỏ hàng trăm tuổi có đường kính khoảng 2,5 - 2,8m, cao 35 - 40m. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ chừng 240m3 gỗ sa mu đỏ.
Công an huyện Quế Phong sau đó đã khởi tố cả 5 đối tượng trên về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ và khai thác lâm sản”. Theo tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra cách để đưa được số gỗ sa mu này ra khỏi khu vực bị chặt hạ. Mới đây nhất, vào đêm 28/9, lực lượng chức năng trong lúc tuần tra đã phát hiện nhóm lâm tặc đang tổ chức vận chuyển khối lượng lớn gỗ trái phép, thu giữ 8m3 gỗ Táu.
Được biết, từ năm 2011 - 2015, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 450m gỗ bị đốn hạ trái phép ở Pù Hoạt.
Cần nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin về tình trạng chặt phá rừng ở Pù Hoạt đang có diễn biến hết sức phức tạp. Để khắc phục tình trạng nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã có quyết định chỉ đạo kiểm tra việc tận thu gỗ ở vùng lõi KBTTN Pù Hoạt, huyện Quế Phong.
Vào ngày 20/10, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An đã trực tiếp đến vùng lõi KBTTN Pù Hoạt để kiểm tra việc tận thu gỗ ở đây. Sau buổi thực địa, đoàn có kết luận việc tận thu đảm bảo đúng quy định, không có dấu hiệu bất thường.
Một số cây bị chặt hạ tại KM 19 bên ta luy dương. Ảnh: Lương Ý
Đến ngày 22/10, chúng tôi có dịp quay trở lại hiện trường dự án làm đường tuần tra biên giới đóng trên địa bàn Hạnh Dịch. Qua ghi nhận về tình trạng chặt phá gỗ quý là hoàn toàn có cơ sở, có nhiều cây gỗ bị chặt phá nằm ngổn ngang bên đường thuộc đoạn đường thi công tại KM 19 cách mặt đường khoảng 3m, trong đó có những cây gỗ lớn.
Lãnh đạo BQL KBTTN Pù Hoạt cho biết, do đường đang thi công nên chưa được định hình xong, khu vực chặt cây sẽ được san ủi trong tương lai nên vẫn thuộc diện tận thu. Một số gốc cây ở khá xa ta luy đã đốn hạ, thì đơn vị quản lý cho rằng đây là dấu vết của lâm tặc làm.
“Việc dự án mở đường tuần tra biên giới gặp rất nhiều khó khăn, đã 5 năm trôi qua nhưng con đường vẫn chưa hoàn thiện. Chính vì thế, nhiều lâm tặc đã lợi dụng việc mở đường để khai thác gỗ quý”, lãnh đạo BQL KBTTN Pù Hoạt nói.
Được biết, dự án mở tuyến đường có từ năm 2011, nhưng đến tháng 8/2014, tỉnh Nghệ An mới có quyết định chuyển đổi đất rừng đặc dụng ở đây thành đất khác.
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An nhanh chóng vào cuộc để hoàn thành con đường tuần tra biên giới, đồng thời ngăn chặn việc thất thoát nguồn tài nguyên rừng của quốc gia.
Lương Ý
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Đức Tài
11:04 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền