Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Dồn sức ứng cứu doanh nghiệp

Chủ nhật, 29/08/2021 - 06:36

(Thanh tra) - Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp thời gian gần đây ở tỉnh Quảng Ngãi đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: NP

Thiệt hại kinh tế nặng nề nhất ở Quảng Ngãi là ngành Du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái trên huyện đảo Lý Sơn; công nghiệp lọc hoá dầu, dệt may xuất khẩu, sản xuất sữa…

Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 50% DN bị thu hẹp thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Do vậy, Quảng Ngãi đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ổn định sản xuất, kinh doanh.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận, kịp thời giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay; trường hợp nội dung kiến nghị vượt thẩm quyền, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết số 51 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021, với 21 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2021 đã đề ra...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Quảng Ngãi là tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; vừa đảm bảo các yêu cầu cho sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Tại Khu Kinh tế Dung Quất (KKTDQ) và các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, nguy cơ dịch xâm nhập vào các DN là rất cao. Vì vậy, tỉnh yêu cầu các DN cần xây dựng kịch bản, phương án ứng phó tối ưu nhất; thực hiện quy trình hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” trong trường hợp thực hiện giãn cách xã hội.

Thời gian qua, Cty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã giảm công suất hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất xuống 90% mức công suất kỹ thuật tối thiểu, nhưng vẫn gặp khó khăn lớn trong tiêu thụ sản phẩm, phải tìm nơi gửi, chứa sản phẩm sản xuất bị tồn ứ rất nhiều.

Trước tình hình trên, ngày 10/8, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị giải quyết khó khăn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên thị trường nội địa sụt giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19, nhưng lượng nhập khẩu vẫn ở mức cao, gây nhiều trắc trở cho việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước, trong đó có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã đưa ra 11 “đầu việc” thiết yếu và yêu cầu các ngành, địa phương triển khai ngay, tổ chức thực hiện có kết quả để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Trong đó, ưu tiên giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các DN để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện kịp thời các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nhất là việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; với tinh thần chỉ đạo chung là “tỉnh đang rất khó khăn về nguồn lực tài chính ngân sách, nhưng không vì khó khăn đó mà để DN và người dân lao đao, vất vả do đại dịch Covid-19”.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất theo quy định; đồng thời, tập trung nguồn lực để tổ chức cho vay, hướng dẫn người sử dụng lao động thủ tục vay vốn kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ người sử dụng lao động, xác minh thông tin người lao động tham gia bảo hiểm xã hội để người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ vay vốn theo đúng quy định.

Sở Công thương, Ban Quản lý KKTDQ và các KCN tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là tại KKTDQ và các KCN. Kịp thời nắm bắt thông tin, tạo mọi điều kiện hỗ trợ các DN, nhà máy sản xuất thực hiện hoàn thành, vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra; nhất là đối với nhóm các DN chủ lực, sản phẩm chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh như dầu, thép, bia, các sản phẩm sữa, dệt may... Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng các dự án, trong đó, chú trọng tiến độ triển khai của Dự án Khu Liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.

Riêng khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng liên tục và nặng nề do dịch Covid-19, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các địa phương xây dựng, phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh; phát triển các kênh phân phối, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường tại chỗ...

Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm