Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nguyễn Hiền
Thứ ba, 25/07/2023 - 22:13
(Thanh tra) - “Tìm được hài cốt anh sau 70 năm nằm trong rừng sâu, gia đình tôi thực sự vui mừng, xúc động, thầy mẹ tôi nơi chín suối chắc chắn cũng ấm”, ông Nguyễn Văn Thảnh (82 tuổi), em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Dụng, hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bùi ngùi khi tìm được anh sau nhiều cách trở, thậm chí có lúc đã không còn hy vọng.
Người dân và thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Xuân Vọng (cùng được quy tập tháng 4/2023) thắp hương cho các liệt sĩ trước giờ an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Độc lập. Ảnh: Nguyễn Hiền
Anh ở nơi nào?
Liệt sĩ Nguyễn Văn Dụng, quê xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1949, tại đơn vị C671, D251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Ông tham gia đánh trận Mường Pồn, anh dũng hy sinh ngày 13/12/1953.
Những thông tin về đơn vị của anh mình, ông Nguyễn Văn Thảnh mới biết được các đây không lâu. Khi anh trai mất, ông Thảnh mới 10 tuổi.
Lớn lên, ông cùng 1 người anh khác (nhà có 3 anh em) theo chân ông Dụng lên đường bảo vệ Tổ quốc, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Đến khi đất nước hòa bình, trở về quê hương, một phần vì cuộc sống khó khăn, bận công tác nên chưa có điều kiện đi tìm hài cốt anh, khó hơn cả là gia đình mất hồ sơ, giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công của ông nên không có thông tin tìm kiếm.
Ông Thảnh kể: “Nhà tôi lên phòng, lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để tìm thông tin, tư liệu về anh tôi nhưng đều không có. Sau này đến năm 2004 có chủ trương thống kê các liệt sĩ trong cả nước, vì không còn hồ sơ nên chính quyền địa phương đề anh tôi là liệt sĩ do nhân dân phong, gia đình buồn lắm. Dù không còn giấy tờ nhưng thầy mẹ tôi vẫn nhớ ngày mất của anh (ghi trong giấy báo tử), làm giỗ cho anh hàng năm. Thầy mẹ lúc nào cũng mong ngóng tin anh. Trước khi mất, mẹ vẫn dặn dò nhớ phải tìm đưa bằng được anh về. Nhưng đi khắp các cơ quan hỏi mà không có kết quả gì, các nghĩa trang của Điện Biên cũng không có tên anh, khi ấy tôi đã hoàn toàn hết hy vọng ”.
Nhen nhóm thông tin
Đến năm 2022, ông Thảnh đọc cuốn sách của 1 người bạn, trong đó có bài viết về người Thanh Hóa lên đất Điện Biên. Ông chú ý đến chi tiết 1 cựu chiến binh ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa), thuộc Trung đoàn 174, kể về trận chiến ác liệt tại Mường Pồn, cùng ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Dụng hy sinh.
Ông Thảnh viết đơn gửi đến Trung đoàn 174 để tìm kiếm thông tin anh trai mình.
Lần đầu thư không đến nơi do không đúng địa chỉ. Không bỏ cuộc, ông lên mạng internet tra cứu, tìm kiếm Trung đoàn 174 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay là đơn vị nào, ở đâu, rồi tiếp tục viết thư gửi tới. Chỉ sau 3 ngày, ông nhận được hồi âm của Trung đoàn cùng hồ sơ và danh sách liệt sĩ đã hy sinh.
“Tôi mừng quá, đối chiếu từng tên tuổi, địa chỉ, có tên liệt sĩ Nguyễn Dung, không phải Nguyễn Văn Dụng, nhưng cùng ngày tháng năm sinh anh tôi, tên bố, mẹ tôi, địa chỉ nhà tôi. Khi ấy trong lòng reo lên anh mình đây rồi”, ông Thảnh chia sẻ.
Trong hồ sơ cũng có thông tin nơi an táng, theo địa chỉ ấy (Mường Pồn), ông Thảnh lại biên thư gửi cấp ủy, chính quyền xã Mường Pồn, huyện Điện Biên nhờ kiểm chứng thông tin.
Ngay khi nhận thông tin, lãnh đạo xã đã xuống thực tế tìm hiểu, hỏi người già trên địa bàn. Qua đó xác nhận trong khu vực rừng bản Lĩnh trước kia có 3 ngôi mộ, 2/3 ngôi đã được gia đình tự đến cất bốc từ lâu, 1 ngôi vẫn còn đó.
Ông Thảnh cho biết: “Sau vài ngày gửi thư, đến ngày 25/7/2022, bí thư xã lúc đó là anh Chào Anh Nguyên gọi cho tôi báo tin, gia đình mừng lắm, sắp xếp chuẩn bị lên đường ngay. Sáng ngày 27/7 là có mặt tại Điện Biên”.
Đường đến khu vực nghi là mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Dụng phải đi bộ xuyên rừng, lội suối gần 8km. Hơn 80 tuổi, nhưng ông Thảnh vẫn cùng con cháu đến tận nơi kiểm chứng và thắp hương cho anh.
Sau khi trở về, ông Thảnh làm đơn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên để làm các thủ tục.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã thành lập đoàn khảo sát theo thông tin được cung cấp để xác minh.
Đến đầu tháng 4/2023, khi thời tiết thuận lợi, Bộ Chỉ quy Quân sự tỉnh đã mời gia đình lên thực hiện cất bốc hài cốt liệt sĩ.
“Đoàn tụ” sau 70 năm xa cách
3 giờ sáng ngày 9/4/2023, theo nguyện vọng của gia đình, chính quyền xã đưa thân nhân vào địa điểm thực hiện cất bốc. Hơn 6 giờ, các lực lượng bắt tay vào khai quật, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Do địa hình hiểm trở nên xe cơ giới không vào được, việc tìm kiếm được thực hiện hoàn toàn thô sơ.
Các thành viên Ban Chỉ đạo 24 của xã Mường Pồn đều có mặt, huy động 20 dân quân xã trực tiếp đào bằng tay, cùng hơn 10 người dân trong bản tham gia nấu nướng, vận chuyển đồ ăn, nước uống, đồ cần thiết vào điểm cất bốc. Đại diện Ban Chỉ đạo huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều tham gia.
Từng xẻng đất xúc lên vẫn không có “dấu hiệu” gì. Một ngày dần trôi qua, khu vực được xác định đã đào mở rộng đến hơn 3m, dài 7m, sâu gần 2m nhưng vẫn không có kết quả.
Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBDN xã Mường Pồn chia sẻ: “Mọi người có mặt đều mong sao sớm tìm thấy liệt sĩ. Nhưng đến cuối ngày không như trông đợi thì vẫn không nản, dự kiến dựng lán, bố trí lực lượng canh gác qua đêm để mai tiếp tục tìm kiếm. Nơi nghỉ ngơi tại bản cho gia đình thân nhân cũng sẵn sàng. May mắn đến 17 giờ thì cuốc thấy một phần hài cốt liệt sĩ. Lúc này ai nấy đều mừng rỡ, cố gắng làm trọn công việc ý nghĩa này. Đến 21 giờ thì đã hoàn thành cất bốc và di chuyển hài cốt ra đến đường lớn”.
Giờ phút tìm được anh, ông Nguyễn Văn Thảnh cùng con cháu nghẹn ngào, không nói lên lời. Ông cùng gia đình quyết định đưa anh trai về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia cùng đồng đội với suy nghĩ: “Anh tôi đã được nhân dân Điện Biên, mảnh đất Điện Biên giữ gìn hài cốt suốt 70 năm. Anh cùng đồng đội chiến đấu, hy sinh tại đây, gửi lại tuổi trẻ nơi này. Giờ tôi mong muốn anh tiếp tục được bên đồng đội, cùng nhau đẹp mãi tuổi đôi mươi. Gia đình tôi sẽ lên thăm, thắp hương anh hàng năm”.
Sáng ngày 12/4, liệt sĩ Nguyễn Văn Dụng cùng liệt sĩ Nguyễn Xuân Vọng (cất bốc tại xã Pom Lót, huyện Điện Biên) đã về bên đồng chí, đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập, trong lễ truy điệu, an táng trang trọng do tỉnh Điện Biên tổ chức.
Hoàn thành tâm nguyện của thầy mẹ, gia đình ông Thảnh đã gửi lại ân tình, tri ân mảnh đất Mường Pồn với 20 triệu đồng để xã chăm lo hương khói cho đồng đội của anh mình và sửa sang bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.
Chủ tịch UBND xã Quàng Văn Tiến khẳng định: “Xã thực hiện đúng tâm tư, nguyện vọng của gia đình. Chuẩn bị cho dịp 7/5/2024 sắp tới, xã sẽ sửa sang, quét vôi Bia Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Bia Tưởng niệm anh hùng Bế Văn Đàn tại xã”.
Hoàn thành tâm nguyện, ông Thảnh trở về quê nhà với lời hẹn trở lại Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ để thăm viếng anh trai, đồng thời thăm thú Điện Biên, gặp lại những cán bộ, chiến sĩ, người dân đã giúp gia đình ông đưa anh trở về...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 21/11, Sở Thông tin và Truyền thông khai trương dự án "Thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025".
Kim Thành
21:13 21/11/2024(Thanh tra) - Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của nhiều tờ báo tiếp tục sụt giảm mạnh, từ đó kéo theo thu nhập của những người làm báo chân chính cũng giảm, việc trang trải các chi phí cuộc sống thường ngày trở nên rất khó khăn.
Hoàng Nam
16:03 21/11/2024Văn Thanh
12:04 21/11/2024Phương Anh
21:59 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên