Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đi tìm nhân lực cho vựa lúa

Thứ hai, 30/01/2012 - 12:22

(Thanh tra) - Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm, 70% sản lượng trái cây các loại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm gần 60% của cả nước… Tuy nhiên, khu vực này vẫn đang là “vùng trũng” về chất lượng giáo dục và lao động có tay nghề. Đây cũng là bài toán cho “vựa lúa” cất cánh.

Nguồn nhân lực bền vững cho ĐBSCL đang rất cần những quan tâm

Bài toán

Nằm ở hạ lưu sông Mekong với hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kênh rạch chằng chịt, đặc trưng này đang là lợi thế khác biệt của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) so với các vùng khác. Được thiên nhiên ưu đãi nên từ rất lâu ĐBSCL đã trở thành vùng kinh tế nông nghiệp hàng hóa lớn của cả nước, hướng mạnh vào xuất khẩu và tiếp cận tham gia hội nhập quốc tế từ rất sớm.

Là vựa lúa lớn nhất cả nước chiếm hơn 50% diện tích và sản lượng, đóng góp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu, ĐBSCL còn có trên 250.000 ha diện tích trồng cây ăn quả phong phú chủng loại, hàng năm cung cấp đến 70% sản lượng trái cây cho cả nước…

Ngoài ra, với khoảng 17 triệu dân (chiếm 21% dân số cả nước) với trên 60% dân số từ độ tuổi 15 - 30 tuổi, đây là nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và năng đông… Với những lợi thế này, ĐBSCL xứng đáng là vùng đất có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên, thực trạng về nguồn nhân lực tại vùng ĐBSCL đang là vấn đề cần quan tâm, khi nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững. ĐBSCL hiện có trên 17 triệu người, trong đó có 13,5 triệu người sống ở nông thôn (tỷ lệ 80,8%) với 2.369 nông hộ và 7,2 triệu lao động nông nghiệp thường xuyên.

Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang là “vùng trũng” về chất lượng giáo dục và lao động có tay nghề. Đây cũng là bài toán cho “vựa lúa” cất cánh.

Thế nhưng, theo đánh giá, hiện chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ còn thấp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo toàn vùng chiếm 83,25%; cá biệt, có tỉnh con số này là hơn 90%, trong khi tỷ lệ chung cả nước là 74,6%. Rõ ràng, nguồn nhân lực và việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực là điểm yếu và cũng là điều rất khó khăn của ĐBSCL.

Khó khăn này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói chung, cũng như sự phát triển bền vững của cây lúa nói riêng. Do vậy, bài toán nguồn nhân lực có tay nghề đang là đòi hỏi lớn vì phát triển của toàn vùng.

Và lời giải

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, suốt thời gian dài, do chưa nhận thức đúng về vai trò của giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nên ngân sách đầu tư cho ngành Giáo dục tại ĐBSCL chưa thoả đáng, dẫn đến tình trạng mạng lưới trường lớp, phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy luôn thiếu thốn, tỷ lệ bỏ học còn nhiều… Vì lẽ đó, việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững cho ĐBSCL đang rất cần những quan tâm.

Theo PGS.TS. Huỳnh Thị Gấm, Học viện Chính trị - Hành chính KV2, để phát triển nguồn nhân lực ở ĐBSCL cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động có kỹ thuật, thợ lành nghề: Đây là lực lượng khá đông đảo, đa dạng bao gồm lao động nông lâm ngư nghiệp, thủ công nghiệp, kể cả công nghiệp, thương mại, dịch vụ….

Theo PGS.TS. Huỳnh Thị Gấm, có thể đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động này bằng nhiều loại hình trường lớp: Các trường trung cấp nghề, các trung tâm dạy nghề, các lớp huấn luyện kỹ thuật, công nghệ, các lớp khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các khóa cập nhật thông tin, kiến thức mới, các lớp trang bị khoa học công nghệ mới, các cuộc hội thảo phổ biến kinh nghiệm… Trong đó, chú trọng đào tạo ngắn hạn với tạo nguồn phát triển lâu dài, cân đối phát triển giáo dục đào tạo với tăng cường dạy nghề.

Chia sẻ vấn đề này, TS. Phạm Ngọc Trâm, Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Những năm gần đây, một số tỉnh có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao về tỉnh làm việc, nhưng cũng chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì thế, cần thiết có những chính sách, biện pháp thiết thực, thỏa đáng hơn, hấp dẫn hơn nữa, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, trọng thị, trọng dụng phát huy năng lực của người giỏi, người tài. Từ đó mới có thể giữ vững lực lượng đang có; sử dụng được lực lượng mới đào tạo; đồng thời thu hút thêm lực lượng từ nơi khác”.

Mặt khác, để tăng cường lực lượng có trình độ cao, cần thiết huy động số sinh viên có nguồn gốc từ ĐBSCL tốt nghiệp từ các trường đại học trở về phục vụ quê hương; điều động, luân chuyển cán bộ, chuyên gia giỏi tăng cường cho vùng này...

Có thể nói, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL không phải là chuyện một sớm một chiều, đây là vấn đề cần được sự ủng hộ, vào cuộc của các tầng lớp trong xã hội mới có thể thực hiện thành công. 

“Chính phủ phải tăng cường chi phí đầu tư cho giáo dục theo hướng đào tạo trọng điểm. Tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở ĐBSCL cả về số lượng tuyệt đối và tỷ trọng. Thiết lập được mối liên hệ mật thiết giữa đào tạo lý thuyết và thực hành nghề nghiệp, giữa đào tạo chuyên môn kỹ thuật với nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn của ĐBSCL  trong giai đoạn hiện nay. Tránh tình trạng người đào tạo của Việt Nam cái gì cũng biết, cái gì cũng hay nhưng cuối cùng thì chẳng có gì là giỏi. Thay đổi phương pháp đào tạo ngay từ đầu là một việc làm thật sự cần thiết và quan trọng, có như vậy mới hy vọng nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho ĐBSCL”. Đó là ý kiến của TS. Cung Thị Tuyết Mai - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh khi được hỏi về sự quan tâm này.

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cần triển khai mô hình liên kết giữa giáo dục và đào tạo với doanh nghiệp, giữa các trường nghề với các trường đại học, cao đẳng. Đây là mô hình đào tạo có hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng: Nội dung, chương trình, quy mô và cơ cấu đào tạo xa rời với thực tế. Sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo là cơ sở để quán triệt nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành”, “Nhà trường gắn liền với lao động sản xuất”… Bộ dữ liệu này cũng là cơ sở để giải bài toán nhân lực lâu nay cho ĐBSCL.

Từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, TS. Hồ Viết Lương nói: “Cần Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho từng địa phương dựa vào nhu cầu thực tiễn và thế mạnh từng địa phương. Tăng cường hợp tác giữa các trường đại học chuyên ngành Nông Lâm nghiệp với các Viện nghiên cứu khoa học. Ví như, Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam, Viện Chăn nuôi, Viện Rau quả... Tiến tới xây dựng các Viện Nghiên Cứu đa ngành chuyên phục vụ phát triển kinh tế đặc trưng cho các tỉnh khu vực ĐBSCL. Củng cố và tăng cường nâng cấp các trung tâm dạy nghề ở các huyện hiện có, và đầu tư xây dựng mới ở những huyện chưa có, đảm bảo mỗi huyện ít nhất có một trung tâm dạy nghề. Mở mang phát triển các nghề phục vụ thu hoạch và sau thu hoạch, các ngành nghề dịch vụ nông thôn.”

Hy vọng trong tương lai không xa, ĐBSCL sẽ thực sự trở thành vựa lúa hiện đại đúng nghĩa, để hiện thực ước mơ của bao đời các thế hệ cư dân.


Kim Chi

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm