Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ mà không đánh giá tác động thì không ổn

Thứ sáu, 20/09/2019 - 16:10

(Thanh tra) - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam muốn tăng số ngày nghỉ trong năm thêm 3 ngày nữa (từ 10 lên 13 ngày), song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, cần phải đánh giá tác động xem có ảnh hưởng đến lao động, sản xuất và cuộc sống của công dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Sáng 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tại đây, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Việt Nam là quốc gia có số giờ làm việc trong nhóm cao nhất thế giới. Trong khi đó, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng chung của thế giới.

Ông Hiểu cho hay, thời gian làm việc càng kéo dài thì nguy cơ tai nạn lao động tăng lên và năng suất lao động thấp đi. Theo thống kê của Bộ Y tế, sau 5 năm tỉ lệ số người đang sức khỏe loại I chuyển sang loại 4, loại 5 tăng lên là hơn 8,5%. Số người nghỉ phép vì lý do sức khỏe của Bộ Y tế thì cũng tăng lên gần gấp 1,5 lần sau 7 năm.

“Cùng với đó là những hệ lụy như họ không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình, nhiều phụ nữ không có điều kiện đi tìm bạn đời, con cái phải gửi ở quê, con mắc bệnh tự kỷ, suy dinh dưỡng”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị không tăng giờ làm thêm; đi cùng với đó là đề xuất, tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm vào dịp khai giảng và Quốc khánh.

“Với tư cách là thành viên Ban Soạn thảo, chúng tôi đã đề nghị từ lâu nhưng rất tiếc chưa được đưa vào Dự thảo”, ông Hiểu nói.

Ông Hiểu cho hay, dịp Quốc khánh, Trung Quốc cho nghỉ một tuần. Việt Nam có thể tham khảo để cho người lao động nghỉ từ 2/9 đến 5/9. Như vậy, các gia đình trẻ, công nhân được tạo điều kiện đưa con đến trường vào ngày đầu năm học mới.

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

"Thực tế, cả năm học, nhiều công nhân không có thời gian đưa con đi học ngày nào”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh và cho rằng, ngày nghỉ của Việt Nam đang thấp so với các nước trong khu vực. Nếu như Trung Quốc và Myanmar thực hiện chế độ 21 ngày nghỉ trong năm thì Việt Nam chỉ có 10 ngày.

Đồng tình cần có thêm ngày nghỉ trong năm, theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 7 (tháng 5/2019) từng đề xuất thêm một ngày nghỉ lễ vào 27/7. Tuy nhiên, nhiều đại biểu không đồng tình chọn ngày này nên Chính phủ đã rút đề xuất khỏi dự thảo.

Bà Hải cho rằng, các đại biểu đều thống nhất tăng một ngày nghỉ hưởng lương, chỉ có điều không chọn ngày 27/7.

"Vậy Dự thảo Bộ luật có bảo lưu đề xuất của Chính phủ trước đây, là thêm ngày nghỉ để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức làm việc hay không? Chúng ta có thể đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, của đại biểu về việc chọn ngày toàn dân đưa trẻ đến trường hoặc ngày gia đình Việt Nam", bà Hải nói.

Tham gia ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong lúc Chính phủ đề nghị, mở rộng khung giờ làm thêm cho người lao động thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đồng tình; nay Tổng Liên đoàn lại đề xuất thêm ngày nghỉ mà không đánh giá tác động thì không ổn.

"Cần phải có đánh giá tác động của việc nghỉ thêm ba ngày trong năm, xem ảnh hưởng đến lao động, sản xuất và cuộc sống của công nhân như thế nào", bà Ngân nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, “đề xuất này tác động xã hội ghê gớm, không quyết thì dư luận suy nghĩ, song quyết ngay thì vội vàng, không chín chắn".

Theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình phiên họp Thường vụ Quốc hội, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 10 ngày lễ, Tết. Trong đó, có nghỉ Tết Âm lịch 5 ngày; các đợt nghỉ một ngày gồm: Tết Dương lịch 1/1, ngày Chiến thắng 30/4, Quốc tế Lao động 1/5, Quốc khánh 2/9, Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch.

Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ nói trên còn được nghỉ thêm một ngày Tết Cổ truyền dân tộc và một Ngày Quốc khánh của nước họ.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 vào kỳ 7, dự kiến khai mạc cuối tháng 10.

 H.Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm