Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 10/05/2016 - 07:22
(Thanh tra)- Sáng 8/5, sau khi tiêu hủy hàng chục tấn cá lồng bị chết, hàng trăm người gồm lực lượng công an, dân quân, hội phụ nữ các xã: Thạch Lâm, Thành Mỹ, Thành Vinh (Thạch Thành, Thanh Hóa) cùng hàng chục chiếc thuyền đã đồng loạt ra quân thu nhặt cá chết. Sông Bưởi đang bị ô nhiễm nặng.
Lực lượng công an, dân quân, phụ nữ xã Thành Vinh vớt cá chết trên sông Bưởi. Ảnh: Hồng Bài
Người nuôi cá trắng tay
Hơn 10 giờ, PV Báo Thanh tra có mặt tại khu Bãi Cháy, xã Thành Vinh. Nắng như đổ lửa, mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông Bưởi nồng nặc, ngột ngạt, tanh lợm, không thể chịu nổi.
Ông Nguyễn Văn Du, chủ lồng cá lên bè lấy khẩu trang đưa cho chúng tôi. Mắt nhìn xuống sông, giọng buồn rượi, nói: Gần 2 năm trời chăm bẵm, sắp đến ngày "hái quả" rồi, nay trắng tay. Đúng là tai họa giáng xuống đầu thật mà cứ như là mơ. Chỉ sau một đêm, cả hai lồng cá trên 200 con chết không sót một con. Lứa cá đầu đã 10 - 12 kg/con. Lứa bé cùng 4 - 5 kg/con. Đau đớn quá!
Ông Du kể lại, chiều hôm trước (6/5) đã nghe tin trên xã Thành Mỹ, hàng tấn cá lồng bị chết vì nước sông bị ô nhiễm. Không nghĩ rằng, tai họa lại ập đến người nuôi cá lồng ở Thành Vinh nhanh như thế. Nguồn nước ào đến khúc sông nào, là cá lồng, cá sông ở đấy chết ngay. Cá trước khi chết quẫy, nhào lộn rung cả lồng, nghe mà thắt ruột thắt gan.
Chị Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thành Vinh cho biết: Toàn xã có 15 gia đình nuôi cá với 27 lồng. Qua thống kê trực tiếp từng lồng, hiện đã có 10,3 tấn cá bị chết. Chiều 7/5, xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân phối hợp với Công an huyện tổ chức thu gom, chôn hủy toàn bộ số cá chết. Hiện trên sông không còn một con cá nào sống sót. Nguồn nước đổ về có màu đen, mùi hôi. Không biết trong nước có chất gì mà hủy diệt hàng loạt cá như thế. Nước chảy đến đâu cá chết đến đó, kể cả cá tự nhiên.
Gia đình ông Nguyễn Đình Dương, xóm Cư, xã Thạch Quảng nuôi 3 lồng, 500 con cá trắm cỏ. Trong đó có 290 con từ 4kg trở lên, 210 con từ 1kg trở lên. Chiều ngày 5/5, lúc đó là 3 giờ, mấy anh em đang ngồi trên bè thì phát hiện nước sông có màu lạ, lúc đầu màu đỏ, sau màu đen. Nước chảy qua lồng cá một lúc thì nghe cá nhảy nhốn nháo trong lồng. Khoảng hơn 10 phút sau không nghe tiếng cá nhảy nữa, mấy anh em ra xem thì thấy cá đã chết nổi trắng trong lồng. Hơn 4 giờ thì cá trong 3 lồng chết hết. Tính ra giá trị, gia đình ông Dương mất trên 100 triệu đồng. Vậy là công sức, tiền của vay mượn dồn vào 3 lồng cá, nay trắng tay.
Cũng như hộ ông Dương, gần 20 hộ xã Thạch Quảng nuôi cá lồng nay đều lâm cảnh trắng tay, ôm gánh nợ nần. Con số gần 14 tấn cá lồng bị chết là thật, nhưng không ai muốn nghe, muốn biết, vì quá đau lòng.
Đến chiều 8/5, cá vẫn còn chết trắng trên sông Bưởi. Ảnh: Hồng Bài
Sông Bưởi ô nhiễm nặng
Cá lồng bị chết, dòng sông Bưởi, đoạn từ xã Thạch Lâm đến các xã Thành Mỹ, Thành Vinh trở xuống hạ lưu đang trong tình trạng bị ô nhiễm nặng. Các loại cá, tôm trên sông chết chìm, chết nổi trắng mặt nước. Do thời tiết nắng nóng nên cá phân hủy nhanh, tạo mùi tanh, thối nồng nặc. Nước sông chuyển màu nhờn nhợt, không ai dám rửa tay. Muốn ra sông là phải đeo khẩu trang!.
Chị Nguyễn Thị Liên cho biết: Sáng 8/5 UBND huyện đã huy động lực lượng công an, quân đội tăng cường về các xã phối hợp với lực lượng dân quân và hội phụ nữ dùng vợt, rổ rá, chưng dụng tất cả thuyền của các hộ để thu nhặt cá chết trên sông. Trong buổi sáng, các thuyền đã vớt được hàng tạ cá các loại đem tiêu hủy. Chiều 8/5, các tổ tiếp tục dùng thuyền đi dọc hai bờ sông, dùng vợt, cào thu nhặt cá chết chìm.
Việc dọn vệ sinh môi trường trên sông Bưởi rất khó khăn. Vì cá chết chìm nhiều, đang phân hủy, nước sông sâu lại hôi thối. Đội quân thu nhặt cá phải mặc áo phao, đeo khẩu trang, tay đi găng nhựa. Đặt túi ni lông cá xuống đất, anh Nguyễn Thế Vinh nói: Cá chết chìm nhiều quá. Có những con chép, lăng vừa đụng vợt vào đã vữa ra, bốc mùi tanh lợm. Vì ở sâu dưới nước nên không thể vớt hết được.
Khúc sông qua xã Thành Mỹ, ô nhiễm nặng hơn. Vì khúc sông này lặng nước, cá chết chìm nhiều hơn. Việc thu gom, nhặt cá chỉ làm được ven bờ ở độ sâu 1m trở lại. Người dân vạn chài xã Thành Mỹ cho biết, phải có vài trận mưa, lũ lớn mới gột rửa được nguồn nước ô nhiễm hiện nay trên sông Bưởi. Cũng phải sau mùa mưa năm nay người dân dọc sông Bưởi mới có thể khôi phục lại cá lồng.
Thủ phạm gây ra vụ "hủy diệt" cá lồng, cá sông Bưởi là "ai"? Cụm công nghiệp Tân Mỹ, Lạc Sơn, Hòa Bình có 2 nhà máy lớn đang hoạt động, gồm: Nhà máy Chế biến tinh bột sắn và Nhà máy Đường Hòa Bình.
Hồ chứa nước thải Nhà máy Đường Hòa Bình. Ảnh: Hồng Bài
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa với Cty Cổ phần Mía đường Hòa Bình ngày 6/5, nguyên nhân nước sông Bưởi bị ô nhiễm nặng, dẫn đến cá chết hàng loạt là do Cty xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Làm việc với lãnh đạo Cty Mía đường Hòa Bình về vụ việc trên, ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó Giám đốc thừa nhận: Trong quá trình sản xuất, do hồ chứa nước thải bị đầy nên nhà máy đã xả ra ngoài là có. Nhưng, nước xả ra ngoài là từ bể nước làm mát máy. Nước này không độc hại, không có mùi hôi thối, không có màu đen. Lượng nước xả ra chỉ ở mức trên dưới 300m3/ngày đêm. Lượng nước bể chứa chỉ thừa, phải xả ra ngoài khi nhà máy đang sản xuất. Thời gian cá chết xảy ra vào ngày 5/5, trong khi nhà dừng sản xuất từ ngày 25/4, trước ngày cá trên sông Bưởi bị chết 10 ngày.
Bác sỹ Trương Thanh Lẫy, Trưởng Trạm Y tế xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và những người dân vạn chài trên sông Bưởi cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên cá lồng, cá trên sông Bưởi bị chết do nguồn nước bị ô nhiễm. Tình trạng cá chết có từ trước khi Nhà máy Đường Hòa Bình chưa về Cụm công nghiệp Tân Mỹ.
Thủ phạm gây ra cái chết hàng loạt cá lồng, cá trên sông Bưởi là "ai"? Hàng chục hộ dân nuôi cá lồng trên sông Bưởi thuộc địa bàn huyện Thạch Thành đang trông đợi các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, tỉnh Thanh Hóa sớm làm rõ, xử lý nghiêm thủ phạm đã gây ra thảm cảnh khiến họ thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Hồng Bài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.
Trung Hà
15:05 11/12/2024(Thanh tra) - Những năm gần đây, tại nhiều vùng quê Việt Nam, việc lắp đặt đèn năng lượng mặt trời (NLMT) trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành xu hướng nổi bật, diện mạo nông thôn từ đó cũng trở nên hiện đại, tiện nghi, an toàn hơn.
PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024PV
10:46 11/12/2024Tuấn Khải
18:41 10/12/2024Hương Trà
Trần Kiên
Cảnh Nhật
Trần Quý
Văn Thanh
N. Phó - L. Bằng
Hương Giang
Hải Hà
Hương Giang
TC
Hải Hà
Trung Hà