Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đắk Lắk: Lao động nông thôn đổi đời nhờ học nghề

Anh Minh

Thứ sáu, 27/09/2024 - 15:51

(Thanh tra) - Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có việc làm ổn định, cuộc sống có nhiều đổi thay.

Từ năm 2021 đến nay, Đắk Lắk đã đào tạo nghề cho hơn 12.000 lao động nông thôn, trong đó có hơn 10.000 lao động người dân tộc thiểu số. Ảnh: AM

Có việc làm sau khi học nghề

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang triển khai nhiều chương trình, dự án của Chính phủ về hỗ trợ đào tạo, giới thiệu việc làm cho bà con nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Nhờ đó, nhiều người có việc làm ổn định, có “cần câu cơm” sau khi hoàn thành khoá học.

Đơn cử như anh Y Phôn Niê Kđăm (ở buôn Mlăng, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Trước đây, anh Y Phôn chỉ làm nương rẫy, nguồn thu nhập phụ thuộc vào vụ mùa. Vì thế cuộc sống khá bấp bênh, nhất là vào mùa giáp hạt. Khi địa phương tổ chức đào tạo nghề, anh Y Phôn tham gia học lớp nghề xây dựng dân dụng. Sau khi hoàn thành khóa học, anh xin đi làm công trình.

Nhờ chịu khó học hỏi, nâng cao tay nghề, anh Y Phôn đã mạnh dạn nhận làm các công trình xây dựng của người dân trên địa bàn. Cứ thế, tay nghề, kinh nghiệm làm việc của anh Y Phôn ngày càng nâng cao, nhận được nhiều công trình hơn. Không chỉ tạo việc làm cho bản thân với mức thu nhập khá, anh Y Phôn còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động khác ở buôn làng.

Sau các khóa đào tạo nghề, nhiều lao động ở các vùng nông thôn tại Đắk Lắk, nhất là người dân tộc thiểu số, đã tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: AM

Cũng nhờ học nghề, cuộc đời của chị Hoàng Thị Niệm (dân tộc Tày), Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 2 (xã Cư Né, huyện Krông Búk, Đắk Lắk), có nhiều đổi thay.

Chị Niệm rất đam mê nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Ê Đê. Do đó, chị quyết định học nghề để nắm kiến thức cơ bản. Kết thúc khoá học, chị Niệm cùng các chị em khác lập ra Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 2. Hiện tổ dệt có hơn 20 tổ viên. Đây đều là những người tốt nghiệp khóa đào tạo nghề dệt được địa phương tổ chức.

Sau khi có đơn hàng, chị Niệm chia lại cho các thành viên cùng thực hiện. Tiền công cho mỗi sản phẩm dao động từ 300 – 500 nghìn đồng. Việc dệt thường làm tranh thủ những lúc nhàn rỗi nhưng đã giúp các chị em vừa có thêm thu nhập, vừa gìn giữ được nghề truyền thống.

Thời gian qua, sau các khóa đào tạo nghề, nhiều lao động ở các vùng nông thôn tại Đắk Lắk, nhất là người dân tộc thiểu số, đã tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, việc học nghề cũng đã góp phần giúp người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số mở ra hướng đi mới khi thành lập các tổ sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Sản phẩm dự thi của Trường Trung cấp Đắk Lắk tại một cuộc thi do Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Ảnh: AM

Triển khai đồng bộ các chính sách

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng, địa phương đã hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho các đối tượng lao động nông thôn theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ và theo 3 Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh gần 3.000 học viên với kinh phí thực hiện gần 10.000 triệu đồng.

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đắk Lắk luôn có sự chỉ đạo, quán triệt sát sao nhiệm vụ đào tạo, tư vấn việc làm…, cho người lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, Sở LĐTB&XH được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, hướng dẫn, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Học viên một lớp Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột) chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: AM

Địa phương này tăng cường liên kết, hợp tác về đào tạo giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp, gắn đào tạo nghề với thị trường lao động; tăng cường xã hội hóa trong đào tạo nghề và khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Chú trọng, quan tâm đến đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động và các đối tượng yếu thế…

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 12.000 lao động nông thôn, trong đó có hơn 10.000 lao động người dân tộc thiểu số. Sau đào tạo, trên 80% học viên có việc làm mới hoặc được nâng cao tay nghề cho năng suất, thu nhập cao hơn.

Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ các chính sách để thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG. Ảnh: AM

Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết, chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tham khảo nhu cầu của người học, người sử dụng lao động và yêu cầu của thị trường lao động cũng như thực tiễn về điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để tư vấn, lựa chọn ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH cũng đã chỉ đạo các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh chủ động, tăng cường kết nối thông tin với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm, đặt hàng đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động; đối với lao động tự tạo việc làm, phía sở cũng đã phối hợp với ngân hàng chính sách để thông tin về chính sách vay vốn ưu đãi đối với người học sau đào tạo…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm