Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đà Nẵng: Đôi vợ chồng tận tâm chăm sóc hàng ngàn ngôi mộ hài nhi

N. Phê - Q. Thân

Chủ nhật, 17/09/2023 - 21:34

(Thanh tra) - Từ cổng chính Nghĩa trang Hòa Sơn đi vào, rẽ trái là khu vực nhỏ làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của hàng nghìn sinh linh bé bỏng. Gần chục năm qua, vợ chồng ông Huỳnh Thích và bà Phan Thị Thương (trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thầm lặng thu nhận những xác hài nhi chưa kịp thành hình đã phải lìa trần, đem về khâm liệm tử tế và chôn cất tại đây.

Ông Huỳnh Thích bên những phần mộ hài nhi. Ảnh: P.T

12 giờ trưa một ngày giữa tháng 9, mây trời ẩm ương chuẩn bị đổ mưa làm cho Nghĩa trang Hoà Sơn thêm lạnh lẽo… Nơi góc nghĩa trang nhỏ, ông Thích vẫn miệt mài lau dọn hàng ngàn ngôi mộ hài nhi xấu số.

Ông Thích gắn bó với công việc xây dựng, khâm liệm ở nghĩa trang từ năm 2001, đến năm 2013 thì bén duyên với sinh linh nhỏ bé, chưa kịp chào đời.

Khi đó, ông hay tin có một hài nhi bị bỏ rơi ở cạnh nghĩa trang. Thấy xót lòng, ông vội vàng bỏ dở bữa cơm, mang tơi đội nón và chuẩn bị các vật dụng cần thiết rồi đưa hài nhi đi chôn cất thành một ngôi mộ vô danh.

Rồi cứ thế, một, hai, ba, bốn, thành hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn… nay thành khu nghĩa trang với hơn 1.600 ngôi mộ sinh linh bé bỏng.

Cũng từ đấy, dư luận cũng biết đến ông Thích nhiều hơn. Hễ hay tin có hài nhi bỏ rơi như ở cổng chùa, bệnh viện, nghĩa trang… người ta lại điện cho ông. Và, ông đến, ông lo liệu đàng hoàng cho hài nhi.

“Có bận tôi nghe tin rồi chạy xe máy sang tận Bệnh viện 600 giường (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nằm cách nhà gần 20km để nhận hình hài các cháu về chôn cất. Ban đầu, chỉ chôn cất bằng nấm mồ đất nhỏ nhưng mỗi mùa mưa đi qua là sạt lở, thấy xót không chịu được; nên tôi đến tận các xưởng đá để mua, để xin. Bằng nghề xây lắp đá mộ có sẵn, tôi tự tay làm mộ men đá cho các cháu. Giờ cả ngàn ngôi mộ hài nhi đẹp và khang trang”, ông Thích chia sẻ.

Nói về nguyên nhân các hài nhi bị bỏ rơi thì muôn kiểu, muôn phần. Có thể đó là "sản phẩm" của một mối tình bị dang dở hay chuyện của các cô gái thôn quê về phố kiếm việc, học hành bị dụ dỗ và trót lỡ trao thân, lại không muốn gia đình xấu hổ nên phải dứt bỏ hài nhi….

Khu nghĩa trang hàng ngàn ngôi mộ hài nhi. Ảnh: P.T

Ông Thích cho biết, mọi việc ông làm nơi đây đều từ tâm, thiện nguyện. Ban đầu, kinh phí chăm sóc, làm phần mộ cho các hài nhi đều đến từ đồng bạc ít ỏi của vợ chồng ông tích góp. Về sau, các hội nhóm từ thiện xa gần biết đến nhiều hơn nên thi thoảng ông được họ ủng hộ, tặng thêm kinh phí để ông đầu tư lo cho các phần mộ hài nhi có những ngôi nhà đẹp hơn, vững chắc hơn; như dân gian thường bảo "chết có nấm mồ”.

Cũng như chồng mình, nhiều năm trời bà Thương dành nhiều thời gian tự tay lau dọn, chăm sóc cả ngàn hài nhi chôn cất nơi nghĩa trang. Có công sức của ông bà, mọi thứ nơi đây tươm tất, ấm áp hơn với từng hàng ngôi mộ đá đen thẳng tắp, bề thế; đầy đủ hương hoa vào các ngày rằm, mùng một Âm lịch…

Hai vợ chồng ông Thích có 5 người con, đứa nào cũng được ăn học tử tế, khôn lớn thành người và có việc làm ổn định. Đó là niềm tự hào khôn xiết của vợ chồng họ.

Nói như lời ông Thích, công việc vợ chồng ông đang làm là để phước đức cho con cái, nên dù nắng hay mưa, ngày hay đêm hễ có hài nhi cần an táng là ông lên đường lo tất.

Trời dần chiều và sậm đen chờ đổ mưa to. Đôi vợ chồng hiền lương bắt đầu thu dọn đồ đạc tạm xa hàng ngàn “đứa con” bé bỏng của mình để về nhà nghỉ ngơi. Rồi sáng mai, khi mặt trời vừa ló dạng bờ Đông họ lại có mặt nơi đây. Cũng công việc thường nhật là nhổ cỏ, thắp hương, lau dọn phần mộ… cho các cháu.

Cứ thế, ngày lại ngày nhân lên niềm vui với những tình yêu thương của con người lan toả.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm