Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Công dân số một” của bản người Dao Xóm Mới

Vũ Thanh

Thứ tư, 24/11/2021 - 08:00

(Thanh tra) - Có tên là Xóm Mới bởi thời gian những người Dao đầu tiên hạ sơn từ đại ngàn thâm u, hiểm trở thượng nguồn suối Bòng, suối Lài trên Phù Yên (tỉnh Sơn La) về thung lũng bằng phẳng của xã Đồng Sơn (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) khai hoang lập ấp đến nay mới khoảng nửa thế kỷ.

Cụ Trình thăm công trình thi công đập tràn trên con đường vào bản. Ảnh: Vũ Thanh

Và nhắc đến Xóm Mới, không thể không nhắc đến cụ Lý Công Trình - công dân đầu tiên, người “khai sinh”, tạo dựng làng bản và hiện đang là “thủ lĩnh” tinh thần của 54 hộ dân với gần 300 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Dao trong xóm…

92 tuổi đời, 58 năm tuổi Đảng, đôi chân xưa từng băng rừng vượt suối khắp các bản làng vùng cao không biết mỏi mệt giờ đã run rẩy theo từng bước đi chậm chạp nhưng tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc chung của bà con dân bản vẫn luôn sục sôi trong huyết quản già làng - người cộng sản kiên trung Lý Công Trình.

Từ ngày có tràn bắc qua suối nối đường vào bản, cứ cách mấy hôm cụ Trình lại chống gậy tha thẩn dạo quanh, ánh mắt nhăn nheo lấp lánh niềm vui. Gắn bó cả đời với thung lũng bốn bề núi non bao bọc, cụ hiểu lắm tính nết thất thường đỏng đảnh như gái muộn chồng của dòng suối ngày thường vẫn hiền hòa lững lờ chảy cung cấp nước sinh hoạt, trồng lúa cho người dân nhưng mưa lũ đổ về trong nháy mắt đã hung hãn cuồn cuộn cuốn phăng cây cối, hoa màu...

Năm nào dân làng cũng phải huy động nhân công làm lại cầu tre bắc qua suối nối đường vào bản. Nay được Nhà nước đầu tư xây đập tràn kiên cố, hoàn thiện tuyến đường bê tông nối trung tâm xã với bản người Dao, cụ phấn khởi ra mặt. Diện mạo Xóm Mới ngày càng khởi sắc, đời sống của bà con chẳng kém dưới xuôi là mấy, giờ cụ đã yên lòng về với tổ tiên người Dao với nhiều câu chuyện vui để kể.

Sinh năm 1929, theo học trường làng đến khi biết đọc biết viết, chân tay cứng cáp, suy nghĩ chín chắn cũng là lúc cậu thanh niên Lý Công Trình tham gia hoạt động cách mạng. Có sức khỏe, nhanh nhẹn, tháo vát, không ngại khó khăn, nguy hiểm, cậu nhanh chóng được tổ chức tín nhiệm cử làm Tiểu đội trưởng Dân quân Du kích đồn Mù, đóng quân tại khu vực Lai Đồng, sau đó được giao nhiệm vụ phụ trách hoạt động du kích cả khu vực thượng huyện, tiếp giáp với tỉnh bạn Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái…

Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, năm 1963, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Do có nhiều năm sinh sống cùng, am hiểu phong tục tập quán và được bà con tin tưởng, cuối năm 1969, đang điều trị vết thương do mảnh văng từ bom bi của đế quốc Mỹ rải xuống phá hoại miền Bắc, đảng viên Lý Công Trình được tổ chức giao nhiệm vụ lên khu vực suối Bòng vận động các gia đình người Dao hạ sơn.

Nhận nhiệm vụ, ông Trình lại băng rừng lên gặp gỡ, trò chuyện với từng chủ gia đình phân tích kỹ lưỡng điều hơn lẽ thiệt khi chuyển về địa điểm mới gần trung tâm xã. Bao năm di cư khắp các sườn núi hiểm trở, bà con thấm thía lắm những nhọc nhằn, cực khổ khi năm nào thóc trong bồ cũng cạn trước vụ gặt mới, ốm đau không có thuốc, sống chết phó mặc mệnh trời, trẻ nhỏ lớn lên, chắc tay cầm rựa, cầm cuốc là lầm lũi theo bố mẹ lên nương rẫy, tiếp nối vòng tròn luổn quẩn của đói nghèo, tăm tối… Thế nên khi nghe ông Trình trò chuyện, thuyết phục bằng tiếng dân tộc Dao, bà con ưng bụng lắm, thống nhất cùng nhau ăn Tết cổ truyền dân tộc xong sẽ cùng dọn nhà hạ sơn. Ông Trình được mời ở lại ăn Tết cùng dân bản.

Bản Dao Xóm mới hôm nay. Ảnh: Vũ Thanh

Tết Canh Tuất 1970, trời rét đậm. Trên sườn núi cao gió lạnh như cật nứa cắt vào da thổi suốt ngày đêm. Người già, trẻ nhỏ trong bản áo chăn không đủ ấm cả ngày quẩn quanh bên bếp lửa. Đêm mùng mười tháng Giêng, theo hẹn là sáng hôm sau sẽ rời bản hạ sơn, ông Trình cùng gần ba chục hộ dân quây quần bên bếp lửa rừng rực bốc cao thống nhất phân công những việc cuối cùng để sáng mai đồng loạt dọn nhà. Bỗng nhiên, thầy mo đứng dậy nghiêm giọng: “Không ai đi đâu hết, con ma người Dao bảo không được đi. Tôi đã cúng và hỏi rồi, ai đi sẽ bị tai họa, từ người đến con gà con chó cũng không có đường sống…”. Vừa nói, ông thầy mo vừa mạnh tay dùng dao cắt mạnh vào cổ con gà trống rồi chỉ bát tiết sủi bọt giằn giọng: “Đấy, nhìn đi. Con ma người Dao nó nói rồi đấy, ai muốn chết thì cứ dọn nhà mà đi…”.

Không gian chợt tĩnh lặng như đóng băng, mọi người nhìn nhau ngơ ngác, hoảng sợ. Máu nóng dồn lên mặt nhưng biết chuyện hạ sơn thành hay bại là ở khoảnh khắc quyết định này, ông Trình đứng dậy bình thản nói: “Tôi là người của Đảng nên không bao giờ nói lời sai trái. Đảng muốn bà con người Dao mình có cuộc sống no ấm, sung túc hơn nên mới giúp đỡ. Không có con ma nào hại được người làm việc đúng cả. Bà con phải tin tôi, tin Đảng. Sáng mai chúng ta vẫn tiến hành theo kế hoạch. Một gia đình theo tôi, tôi vẫn đưa về định cư chu đáo… ”.

Sáng hôm sau, chỉ 7 hộ trên tổng số gần 30 gia đình người Dao theo ông Trình hạ sơn, định cư tại thung lũng phía hạ lưu con suối. Mấy tháng sau, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương nhiệt tình hỗ trợ vật tư, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác lúa nước cộng hưởng với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi nên đời sống các gia đình hạ sơn đã có chuyển biến tích cực. Hạt lúa, bắp ngô từ đồng ruộng đã đủ nuôi người, trẻ nhỏ được cắp sách đến trường, ốm đau có y bác sỹ thăm khám, điều trị…

Nghe tin rồi trực tiếp đến xem, các hộ dân trên bản động lần lượt rủ nhau dọn nhà hạ sơn về cùng sống. Không còn ai để níu kéo, thầy mo cũng lặng lẽ chuyển cả gia đình về ở cùng.

Xóm Mới có tên từ ngày đó.

50 năm qua, nhân khẩu tăng lên theo thời gian, cuộc sống người dân Xóm Mới cũng ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tiếp nối lời khẳng định chắc như dao chém đá bên bếp lửa trước ngày hạ sơn: “Tôi là người của Đảng. Đảng chỉ muốn bà con người Dao mình có cuộc sống ấm no, sung túc”, khí chất tiền phong gương mẫu của đảng viên Lý Công Trình thể hiện qua các hành động nghiêm túc thực hiện và vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Dao; tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp công sức vì lợi ích chung của làng bản qua suốt 50 năm qua ngày càng củng cố vững chắc niềm tin của người dân với “người của Đảng”, thủ lĩnh tinh thần, “trụ cột” vững chắc của bản làng.

Đến nay, tuổi cao, sức yếu nhưng từ công to việc lớn như làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, trạm y tế, điểm trường học… đến những việc ma chay cưới hỏi, xây cất nhà mới… của người dân trong bản cụ đều nhiệt tình tham gia, đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng…Không chỉ là cánh tay nối dài, tuyên truyền viên đắc lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc phổ biến, vận động người dân vùng cao thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phương châm “đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người”, cụ Trình còn là tấm gương mẫu mực về tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tư cách đạo đức, lối sống, tạo dựng, củng cố bền chặt niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước. Từ đó tạo động lực, nhân lên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống mới trên vùng cao ngày càng phồn thịnh, thanh bình…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm