Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chung tay đẩy lùi hủ tục

Đức Minh

Thứ hai, 10/10/2022 - 11:34

(Thanh tra) - Khác với nhiều bạn cùng trang lứa, không ít học sinh nữ giờ đây đã nhận thức rất rõ hậu quả của việc lấy chồng khi chưa đến tuổi. Đây thực sự là đều đáng mừng đối với lãnh đạo của các địa phương tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực từng ngày để tuyên truyền cho các em cũng như gia đình hiểu về những hệ lụy của tảo hôn cũng như hôn nhân cận huyết.

Tảo hôn gây áp lực, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Ảnh: Đức Minh

Hủ tục và hậu họa

Từ năm 2015 đến nay, nhờ triển khai quyết liệt Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Quyết định số 498 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thái Nguyên đã chấm dứt được tình trạng hôn nhân cận huyết thống và giảm số vụ tảo hôn qua các năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 50 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, với trên 384.379 người, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao, Mông... Từ những năm 2015 trở về trước, do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu, lại chưa hiểu biết về luật pháp; thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên nên tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thậm chí có cả hôn nhân cận huyết thống (có 3 cặp là đồng bào dân tộc Mông tại huyện Võ Nhai).

Ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, nơi có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống vẫn còn quan niệm rằng con gái dân tộc Mông tuổi đẹp nhất để lấy chồng là từ 15 đến 17 tuổi và con trai không được vượt quá tuổi 22. Chính vì vậy, nhà có con trai, con gái thì lo lấy vợ, lấy chồng sớm cho con để có người lao động cho gia đình. Với suy nghĩ và quan niệm lạc hậu như vậy, nên trước đây tình trạng tảo hôn rất phổ biến. Mỗi năm, xóm có từ 7 đến 8 vụ tảo hôn. Dân số tăng nhanh, đã trở thành một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu đất sản xuất, khó giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xóm đặc biệt khó khăn này.

Theo lãnh đạo huyện Võ Nhai, dù đã được tuyên truyền rất nhiều, nhưng một số bà con vẫn nặng về phong tục nên vận động hơi khó khăn. Trường hợp Lò Thị Sinh 15 tuổi ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái nguyên đã bỏ học giữa chừng để lấy chồng. Lấy chồng từ lúc còn nhỏ, ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, lại sinh con dày, nên đến nay gia đình Sinh nghèo vẫn hoàn nghèo. Gánh nặng cơm áo, gạo tiền đã khiến cho Sinh già hơn các bạn cùng lứa tuổi.

Tương tự Lò Thị Sinh thì Sùng Vi Linh ở huyện Phú Lương cũng lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi. Không lâu sau, Linh sinh con, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn do cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định, phụ thuộc vào bố mẹ 2 bên. Chồng Linh phải đi làm thuê khắp nơi, sức khỏe của Linh cũng giảm sút sau khi sinh con ở độ tuổi quá trẻ. Hiện nay, dù mới 22 tuổi nhưng Linh đã có tới 2 người con.

Những năm gần đây, do nhận thức của đồng bào đã được nâng cao, tình trạng hôn nhân cận huyết đã không còn tái diễn, tình trạng tảo hôn vốn phức tạp thì nay cũng giảm đi rất nhiều. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều trường hợp đã được tiếp cận nhiều hơn với thông tin xã hội nên nhận thức thay đổi. Có những em gái được đi học, được thầy cô giảng giải, được đọc sách báo nhiều các em đã có những thay đổi hết sức đáng mừng.

Em Lò Thị Vân - học sinh Trường Dân tộc nội trú của tỉnh chia sẻ: Mình thấy nhiều bạn lấy chồng sớm rất khổ. Lúc nào cũng chỉ ở nhà ôm con mà không có ăn. Mình luôn nghĩ mình phải đi học, mình không lấy chồng đâu. Phải học và có việc làm, có lương để tiêu. Công việc ổn định mình mới lấy chồng.

Không chỉ bản thân các em mà nhiều phụ huynh, các bậc cha mẹ cũng đã thay đổi, suy nghĩ tân tiến hơn rất nhiều. Họ biết cách bảo vệ con em mình, hướng dẫn con những cách để vượt qua những lời dụ dỗ, nhìn thấy những điều tốt đẹp khi được học hành có công việc tử tế.

Anh Vừ A Khanh, một người dân ở huyện Võ Nhai cho biết, anh thường xuyên đọc báo và không đồng tình với hủ tục bắt vợ của nhiều vùng đồng bào dân tộc. Anh muốn những bé gái như con anh được học hành, được phát triển cả về thể xác lẫn tâm hồn trước khi trở thành một người vợ, người mẹ.

Hủ tục bị đẩy lùi, chất lượng cuộc sống ở khu đồng bào dân tộc trong đó có Thái Nguyên sẽ được nâng cao. Ảnh: Đức Minh

Tất nhiên, số các em cũng như các bậc phụ huynh có được sự thay đổi nhận thức như thế không phải là nhiều trong cộng đồng các đồng bào thuộc dân tộc thiểu số. Nhưng điều này cho thấy, trong thời đại công nghệ phát triển ngày nay thì việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đồng bào là việc hoàn toàn không khó.

Thực hiện nhiều giải pháp

Trước khi triển khai Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Thái Nguyên là một trong những tỉnh miền núi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khá cao, tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để thực hiện đề án mang lại hiệu quả, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để đẩy lùi vấn nạn tảo hôn. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, bình đẳng giới; phổ biến giáo dục pháp luật; Hội nghị cung cấp thông tin cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Thông qua những hình thức vận động tuyên truyền này, theo đánh giá, nhận thức của bà con đã từng bước được nâng cao. Hiện nay, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đẩy lùi, tạo sự chuyển biến rõ nét. Kết quả cho thấy, nếu như năm 2015, toàn tỉnh có 117 vụ tảo hôn thì đến hết năm 2019 chỉ còn 34 vụ. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, tình trạng hôn nhân cận huyết đã không còn. Kết quả này đã minh chứng cho sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân trong 5 năm qua...

Em Hầu Thị Kim Cúc, xóm Lam Sơn, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai vui vẻ cho biết: “Bố mẹ động viên em không nên lấy chồng sớm. Bởi bố mẹ trước kia lập gia đình sớm nên cuộc sống rất khó khăn, chật vật. Vì thế bây giờ em sẽ tập trung học tập, ổn định kinh tế đã trước đã rồi mới tính đến chuyện lấy chồng.

Bí thư Chi bộ xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương cho biết, nhờ có sự tuyên truyền của các cơ quan, ban, ngành nên từ năm 2021 trở lại đây, ở xóm Đồng Tâm không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, người dân đã nhận thức được tảo hôn là vi phạm pháp luật nên chú trọng giáo dục, dạy bảo con cái thực hiện tốt chính sách dân số, không tảo hôn.

Ông Nguyễn Tuấn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lương cho biết: “Năm 2015, ở xã Yên Trạch có một buổi xử án lưu động 2 vụ tảo hôn. Ở Yên Ninh, Yên Trạch vốn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế về nhận thức về vấn đề này. Sau khi 2 người chồng bị xử án vì tảo hôn đã khiến việc giáo dục, tuyên truyền có tính răn đe, hiệu quả hơn. Bà con nơi đây cũng có chuyển biến về nhận thức”.

Mặc dù hiện nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang từng bước được kiềm chế và đẩy lùi. Tuy nhiên, để tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn trong cộng đồng thì rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Hãy cùng chung tay ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để mọi trẻ em được vui bước đến trường và có một tương lai tốt đẹp hơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm