Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chúng ta đang trong cảnh "có tiền mà không tiêu được"

Phạm Thanh

Thứ sáu, 21/07/2023 - 10:53

(Thanh tra) - TS Võ Trí Thành nhận định, hiện chính sách đang có sự chuyển hướng, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ đều hướng vào việc hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách tài khóa có dư địa còn khá lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư công bởi chúng ta đang trong cảnh "có tiền mà không tiêu được".

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã nhất trí cao chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn".

Việc điều chỉnh này được đánh giá là rất kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.

Để có cái nhìn tổng thể hơn về các chính sách vĩ mô, trong đó có vai trò của điều chỉnh chính sách tiền tệ đối với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng; sự uyển chuyển, linh hoạt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chiều 20/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" với sự tham dự của: Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC); TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh; ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tính lâu dài, ổn định của chính sách đã xuất hiện

Với vai trò là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận: Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình cả quốc tế và trong nước. Chúng ta đã có những điều chỉnh về mặt chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng rất phù hợp với bối cảnh, thời điểm và mức độ.

“Thời điểm quý III năm ngoái, lạm phát của thế giới tương đối cao. Lúc đó chính sách tiền tệ của chúng ta là "chặt chẽ". Cuối năm 2022, về cơ bản lạm phát tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt và lạm phát toàn cầu có dấu hiệu chững lại. Khi đó, chúng ta chuyển sang trạng thái "chắc chắn" và thực hiện được đa mục tiêu. Còn thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như Thủ tướng quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng" và tôi cho rằng rất phù hợp”, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng đánh giá cao “sự rõ ràng về mặt thông tin” trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ giai đoạn vừa qua. Ông Hiếu nhìn nhận “tính lâu dài ổn định của chính sách đã xuất hiện”.

“Chính phủ đã đưa ra những chỉ đạo rất rõ ràng. Thứ nhất, các cụm từ "nới lỏng", "linh hoạt" được sử dụng thay cho "chặt chẽ", "chắc chắn". Thứ hai, mục tiêu phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2% lãi suất đã có. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng đã được xác định 11%. Chúng ta cũng nhìn dư địa, tính lâu dài ổn định của chính sách cũng đã bắt đầu xuất hiện. Nếu như điểm thành công của Nghị quyết 128 về ứng phó với dịch đó là tính dài hạn và tiên đoán được thì lần này chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được xác định ít nhất là cho đến cuối năm nay. Tôi cho rằng, những thông điệp vừa có tính rõ ràng vừa có thời hạn cụ thể, về dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiên liệu và chuẩn bị tốt các kịch bản, kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ”, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nói.

Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: Việc chuyển hướng chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ, chắc chắn" đến nay sang hướng "linh hoạt, nới lỏng" để hướng tới nhiều mục tiêu phát triển được Chính phủ chỉ đạo rất đúng với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.

So sánh “vốn với doanh nghiệp như trồng trọt cần nước”, ông Đậu Anh Tuấn hình dung “Chính phủ đang cố gắng tạo nguồn nước để tưới cho các mảnh ruộng khô hạn”. “Chính vì thế, giải pháp ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn theo chúng tôi là chính sách rất trúng và rất cần thiết”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Giảm lãi suất không phải “liều thuốc vạn năng”

Về câu chuyện chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Bởi “giảm lãi suất chỉ là 1 vế của vấn đề và là điều kiện cần còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp”.

Cùng quan điểm nêu trên, TS Võ Trí Thành nhận định, hiện chính sách đang có sự chuyển hướng, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ đều hướng vào việc hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách tài khóa có dư địa còn khá lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư công bởi chúng ta đang trong cảnh "có tiền mà không tiêu được".

Về chính sách tiền tệ, liều lượng nới lỏng ra sao đang là vấn đề gây tranh cãi. TS Võ Trí Thành cho rằng, vẫn còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất, cụ thể lãi suất có thể giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm song nguyên tắc nới lỏng sẽ là không để "đồng tiền dễ dãi". Bởi, nếu như nới lỏng quá mức thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi tài sản tài chính".

“Giảm lãi suất cũng không phải liều thuốc vạn năng. Mặc dù đây là liều thuốc rất quan trọng đối với sức khoẻ doanh nghiệp, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như: Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn (có gói hỗ trợ tín dụng mà không ảnh hưởng lớn đến tổng cung tiền, hướng đến các lĩnh vực như nhà ở xã hội, lâm thủy sản…)”, TS Võ Trí Thành phân tích.

Cần có sự đồng bộ chính sách

Để việc thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hiện nay vừa phục vụ đắc lực nhu cầu về vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, vừa kiểm soát được tốt dòng tiền, lạm phát, lượng vốn tín dụng theo các yêu cầu, mục tiêu đã được đề ra, tại tọa đàm, các vị khách mời cũng đã nêu ra một số kiến nghị và lưu ý quan trọng.

Với góc nhìn doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, điều quan trọng nhất là phải có sự đồng bộ về mặt chính sách.

"Để cho chương trình tiền tệ này tác động tốt nhất tới doanh nghiệp thì đồng bộ nhóm chính sách rất quan trọng. Chẳng hạn như chúng ta rất cố gắng để giảm lãi suất, chi phí vay nhưng ở đâu đấy vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất nhiều ngành hàng nói về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, trực tiếp ảnh hưởng tới doanh nghiệp rất lớn về dòng vốn. Quốc hội vừa có nghị quyết giảm 2% thuế VAT, đây là một nỗ lực rất lớn nhưng hiện nay với nhiều ngành hàng, một số cơ quan quản lý Nhà nước đang rục rịch tăng phí, thu lại phí. Như vậy chúng ta phải phát huy sự nhịp nhàng của chính sách”, ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.

Tán thành ý kiến, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, nếu không đồng bộ, có thể chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ bị các chính sách khác vô hiệu hóa, triệt tiêu.

“Tôi biết là đa số doanh nghiệp đều nói là lãi suất công khai là một chuyện, lãi suất thực tế là một chuyện khác, cái đó không biết là giảm được bao nhiêu. Tình trạng đó cần khắc phục”, chuyên gia này kỳ vọng.

Cuối cùng, để chính sách đi vào cuộc sống, các chuyên gia tại Toạ đàm đều cho rằng cần có sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt của các bộ, ngành, sự phối hợp trong điều hành và giám sát thực thi.

“Nghị quyết của Chính phủ lần nào cũng có nội dung gọi là phối hợp trong điều hành, có lẽ cũng phải nghĩ đến cách thức để có một đơn vị đầu mối trong việc hỗ trợ thực thi, phối hợp và thúc đẩy giám sát việc thực thi có hiệu quả. Dư địa thời gian quyết định rất nhiều việc nâng cao hiệu quả chính sách và kết quả thu được”, ông Phan Đức Hiếu nêu ý kiến.

Đề xuất cần có KPI cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Các bộ, ngành, địa phương và cá nhân không làm đúng thời hạn, thời điểm, đúng như tinh thần chỉ đạo thì phải có chế tài. Như vậy sẽ tạo ra thông điệp mạnh mẽ về thực thi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tốt hơn nữa”./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc

Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc

(Thanh tra) - Nhằm khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên, khích lệ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước ra sức phấn đấu, cống hiến, thiết thực chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước. Ngày 13/12, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát động thi đua năm 2025.

Nguyễn Điểm

16:01 13/12/2024
Ấn tượng chương trình ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Hà Nội

Ấn tượng chương trình ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Hà Nội

(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Thủ đô năm 2023, với sự tham gia của gần 3.000 người cao tuổi đến từ khắp các quận, huyện Hà Nội. Chương trình do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold. Đây là sân chơi giúp người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, khuyến khích phong trào tập luyện thể dục - thể thao trong cộng đồng.

Vân Trang

14:15 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm