Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chi gần 12 tỷ đồng cho 162 lao động các huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Chu Gia

Thứ tư, 17/11/2021 - 21:45

(Thanh tra) - Ngay sau khi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn nghiên cứu nghiêm túc thực hiện.

Buổi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Si La. Ảnh: Mai Dung

Theo đó, các sở, ban, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực công tác được giao đã triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn cho các đơn vị, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc từ năm 2016 đến nay của tỉnh Điện Biên cho biết: Đối với Chương trình 30a, tỉnh đã đầu tư xây dựng 169 công trình cơ sở hạ tầng (84 công trình giao thông, 21 công trình thủy lợi, 13 công trình nước sinh hoạt, 12 công trình trường học, 10 công trình trạm y tế, 27 công trình nhà văn hóa xã, 01 công trình cấp điện nông thôn và 01 công trình chợ); tổng vốn đầu tư 881.913 triệu đồng.

Hỗ trợ thông qua khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất cho 1.137 lượt hộ và 88 cộng đồng dân cư; hỗ trợ 647 hộ giống cây lâm nghiệp trồng rừng sản xuất; hỗ trợ gạo cho 536 lượt hộ; hỗ trợ khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang cho trên 2.775 lượt hộ với diện tích 633,65 ha; hỗ trợ một lần toàn bộ tiền mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho 15.453 hộ; hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và trồng cỏ phát triển chăn nuôi cho trên 410 hộ; xây dựng 72 mô hình chuyển giao với 1.986 hộ tham gia; hỗ trợ 1.515 hộ về dụng cụ, máy sản xuất. Tổng kinh phí thực hiện 230.903,2 triệu đồng;

Đặc biệt, tỉnh đã tạo điều kiện cho 162 lao động các huyện nghèo đi làm việc có thời hạn với kinh phí thực hiện 11.772 triệu đồng, theo chương trình dự án hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Đối với Chương trình 135, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tỉnh đã hỗ trợ 7.684 con trâu, bò, dê; 49.126 con gia cầm; 10.000 con cá giống các loại; 57.642 liều thuốc thú y, vắc xin; 1,6 tấn giống lúa, ngô, đậu tương; 66.323 cây ăn quả các loại; 188.070 cây dược liệu chủ yếu là sa nhân; trồng 30ha cỏ chăn nuôi; 47.740 cây lâm nghiệp; 25,94 tấn phân bón; 324,92 tấn thức ăn chăn nuôi; khai hoang tạo nương cố định 6,09 ha; 2.342 máy móc, thiết bị các loại cho hộ và nhóm hộ; nhân rộng 83 mô hình sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ 03 hợp tác xã liên kết tiêu thụ dứa, dong riềng cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Mường Chà; kinh phí thực hiện 141.522 triệu đồng.

Đầu tư xây dựng 359 công trình (trong đó: 218 công trình giao thông, 78 công trình thủy lợi, 20 công trình trường lớp học và các công trình phụ trợ, 29 công trình nhà văn hóa, 09 công trình điện sinh hoạt, 05 công trình nước sinh hoạt); tổng vốn đầu tư 525.193 triệu đồng; duy tu, bảo dưỡng 157 công trình (trong đó: 65 công trình giao thông, 26 công trình thủy lợi, 30 công trình nước sinh hoạt… và một số công trình cấp thiết khác trên địa bàn tỉnh); kinh phí thực hiện 34.956 triệu đồng.

Mở 106 lớp tập huấn cho cộng đồng với hơn 8.252 lượt người tham gia; 28 lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở với hơn 1.934 lượt người tham gia. Tổ chức 04 cuộc thăm quan, học tập kinh nghiệm cho cán bộ làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện, cán bộ cơ sở và cộng đồng với 138 lượt người tham gia; kinh phí thực hiện 19.343 triệu đồng.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 

Là một tỉnh vùng cao, xa các trung tâm kinh tế lớn; kinh tế có xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, các dịch vụ, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra; trình độ dân trí không đồng đều, tình trạng dân di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, xuất cảnh lao động trái phép, tệ nạn xã hội HIV/AIDS, buôn bán tàng trữ chất ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em diễn biến phức tạp… chậm được đẩy lùi; còn tỷ lệ khá cao các gia đình hộ nông thôn xảy ra khó khăn đột xuất.

Thêm vào đó, do đặc thù điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đất đai, thời tiết, khí hậu không thuận lợi. Giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống chậm phát triển, địa bàn dân cư các xã, bản vùng cao dân tộc thiểu số sống giải rác không tập trung; suất đầu tư các công trình trên địa bàn vùng sâu, vùng cao, biên giới cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ chưa nhiều, chưa đủ sức tạo thành động lực mạnh để làm chuyển biến đồng bộ cho người dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo một cách bền vững.

Theo báo cáo, giai đoạn 2016 đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình nông thôn mới 9.309.804 triệu đồng, trong đó: Nguồn vốn bố trí trực tiếp cho chương trình là 1.447.800 triệu đồng. Đến nay chưa có đơn vị cấp huyện nào được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 38 xã đạt chuẩn và cơ bản chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 05 tiêu chí.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm