Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Chảy máu” khoáng sản: Sai phạm từ khâu cấp phép

Thứ ba, 08/10/2013 - 15:23

Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản (Tổng cục Địa chất-Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, qua thanh tra gần 1.000 hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản của 57/63 tỉnh-thành phố trên cả nước, nhiều địa phương đã sai phạm lớn trong việc cấp phép, dẫn đến cấp phép tràn lan và gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản.

Việc cấp phép khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thông tin trên vừa được ông Thanh đưa ra tại hội thảo quốc tế “Quản trị tài nguyên khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng nay (8/10), tại Hà Nội.

Cấp phép tràn lan

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1/7/2011 đến hết ngày 30/6/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định và cấp 90 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản (trong đó có 49 giấy phép thăm dò khoáng sản và 41 giấy phép khai thác khoáng sản).

Trong khi đó, từ ngày 1/7/2011 đến ngày 31/12/2012, có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp 957 giấy phép, gồm: 275 giấy phép thăm dò khoáng sản, 682 giấy phép khai thác khoáng sản.

Có 6 tỉnh, thành phố không cấp phép là: Bắc Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số tỉnh cấp giấy phép với số lượng lớn như: Bình Định 40 giấy; Khánh Hòa 40 giấy, Hà Tĩnh 47 giấy, Quảng Bình 48 giấy, Lâm Đồng 51 giấy và Vĩnh Long 77 giấy...

Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng đã thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác cấp phép hoạt động khoáng sản tại 39 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra, rà soát 957 hồ sơ cấp phép, đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện nhiều sai phạm.

Cụ thể, có 103 giấy phép cấp không đúng thẩm quyền; 37 giấy phép cấp khi chưa có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 52 giấy phép cấp khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề về thăm dò, khai thác khoáng sản; 128 giấy phép thăm dò được cấp không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, có 196 giấy phép được cấp khi hồ sơ không có dự án đầu tư khai thác khoáng sản được phê duyệt; 345 giấy phép không có giấy chứng nhận đầu tư dự án; 29 giấy phép không có báo cáo đánh giá tác động môi trường và 196 giấy phép chưa phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo quy định.

Về hoạt động khai thác vàng, cát trái phép, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, vàng bị khai thác trái phép nhiều nhất, diễn ra phổ biến tại một số địa phương như: Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Kon Tum, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai.

Bên cạnh đó, nạn khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông cũng diễn ra tại 31/63 tỉnh, thành phố. Nhiều loại khoáng sản khác cũng bị khai thác trái phép như: Mangan (Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái), quặng sắt (Yên Bái, Hoà Bình, Lào Cai); quặng titan (Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định), quặng thiếc (Lâm Đồng, Nghệ An)…

Nhìn nhận về thực tế trên, ông Thanh cho biết, hiện nay trên cả nước có trên 5.000 mỏ, điểm khai thác khoáng sản với 60 loại khoáng sản khác nhau, trong đó có trên 500 điểm do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

“Tuy nhiên, do khoáng sản ở Việt Nam phân tán nhỏ lẻ, nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, mức xử phạt đối với các hành vi khai thác trái phép hiện nay còn nhẹ, nên không đủ sức răn đe,” ông Thanh thẳng thắn nhìn nhận.

“Siết” quản trị tài nguyên

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc khẳng định, Việt Nam là quốc gia đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và là một trong những nước có hoạt động khai thác khoáng sản lớn nhất trong khu vực ASEAN, trong đó một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như bôxít, than, titan, đất hiếm, dầu mỏ...

“Tuy vậy, ngành công nghiệp khai khoáng của nước ta hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và thách thức, bao gồm nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, hiệu quả kinh tế thấp và dễ bị thất thu cho ngân sách nhà nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này là do thực trạng quản trị và thực thi chính sách còn yếu kém,” Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận.

Ở góc độ quốc hội, ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của quốc hội cho rằng hoạt động khoáng sản phải đảm bảo an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa và hài hòa lợi ích thu được từ khoáng sản.

Để khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế trong hoạt động khoáng sản trong thời gian qua đồng thời phát huy tối đa tiềm năng khoáng sản của đất nước, chúng ta cần thực thi các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản và quản trị tài nguyên minh bạch hơn nữa.

Theo đó, giải pháp trước tiên là phải tiếp tục xây dựng, ban hành các thể chế để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản. Nhất là quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản; hướng dẫn phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề này, trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lí nghiêm các sai phạm, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/12/2013.

Thông qua chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu các tỉnh như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bình Định, Đắk Nông, Hòa Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Khánh Hòa thu hồi các giấy phép đã cấp không đúng quy định.

Cùng với đó, Bộ này cũng yêu cầu các tỉnh xử lí nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong cấp phép hoạt động khoáng sản đồng thời giải quyết các thiệt hại cho chủ đầu tư sau khi thu hồi giấy phép.

Với tư cách là đơn vị kiểm soát hoạt động khoáng sản, ông Thanh cho rằng để nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản, trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng, ban hành các quy định mới để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản.

Theo ông Thanh, Luật Khoáng sản năm 2010 đã thể chế hóa nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Nhà nước trong quản lý khoáng sản. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 02 để tăng cường hiệu quả quản lý khoáng sản.

Do vậy, thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương nên tập trung vào các giải pháp sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao tính khả thi của quy hoạch khoáng sản; nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản; tăng cường công tác quản trị tài nguyên khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản…

Cùng với đó, các Bộ, ngành và địa phương cũng phải nâng cao tính khả thi của quy hoạch khoáng sản, trong đó khẩn trương rà soát nội dung các quy hoạch đã phê duyệt theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2005 để bổ sung, điều chỉnh theo đúng nguyên tắc, nội dung quy định của Luật.

 (Vietnam+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm