Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cây xóa nghèo trên miền núi thẳm

Phương Nguyên

Thứ ba, 16/11/2021 - 22:47

(Thanh tra) - Đứng trước màu xanh bạt ngàn, vươn rừng, vươn núi mà đi lên, cây chuối phấn vàng thực sự đang đem lại “cơ hội vàng” để xóa nghèo cho người dân ở Tân Minh (Thanh Sơn, Phú Thọ). Cây chuối phấn vàng đã thực sự được dân tộc Mường trên đây coi như “cây vàng” để phát triển kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo.

Cây chuối phấn vàng đem lại thu nhập và niềm vui cho người dân Tân Minh. Ảnh: Phương Nguyên

Phát huy giá trị từ cây bản địa

Trong bảng lảng của sương gió vào hai cữ độ sáng chiều ở thị trấn có cái tên gợi sự giầu có Phố Vàng của huyện miền núi Thanh Sơn, tôi có ý định đi tìm hiểu những mô hình xóa nghèo theo kiểu đặc biệt. Cùng sự thay đổi của nhiều vùng miền, vốn là huyện “đặc sịt 135”, với các nguồn vốn đầu tư nên các xã của Thanh Sơn cũng đã dần thay đổi về diện mạo.

Tuy nhiên, khi được hỏi, được giới thiệu và tham khảo, trong tâm lý “so đũa mà chọn cột cờ” thì tôi gặp anh Kiều Đức Mạnh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Sau một thời gian lựa chọn, anh gợi ý: Ở Thanh Sơn hiện có một mô hình khá đặc biệt, ấy là mô hình xóa nghèo và làm giầu từ cây chuối phấn vàng. Nhưng mô hình đặc biệt này “đang nằm” ở xã xa lắm.

Từ sự “hoa tiêu” của anh Mạnh, theo tỉnh lộ có tên 316 quanh co vắt vẻo qua các xã Cự Thắng, Tất Thắng, Cự Đồng, Hương Cần, tôi vào Tân Minh.

Trong lịch sử phát triển và lịch sử trồng trọt của mình, đã có thời,  cây chuối phấn vàng vốn là đặc sản của Tân Minh. Do không có sự chú ý, do công tác tiếp thị và quảng bá kém nên cây chuối phấn vàng ở Tân Minh đã không được nhiều người biết đến.

Có thế mạnh là vậy, nhưng do bị bỏ bê, không được chú ý nên chuối phấn vàng - cây một thời được mệnh danh là “cây vàng” này đành chịu phận hút bóng giữa… rừng xanh. Cùng với đó là người dân mất đi một cơ hội.

Trong cái mầu xanh ngằn ngặt, trong cái khung cảnh chuối “leo” đồi, ngửa lá mà đón nắng trời cùng lúc lỉu buồng, quả; tôi tìm vào nhà ông Đinh Hùng Cường, một người đang được mệnh danh là triệu phú do thu nhập từ cây chuối mang lại. Giữa ngôi nhà kiên cố, cùng các vật dụng phục vụ cuộc sống được mua, rồi tiền ăn học cho con cái, ông Cường hồ hởi: Tất cả đều do cây chuối phấn vàng đấy anh ạ.

Thú thực, không đến với Tân Minh, chưa được nếm thứ đặc sản có tên chuối phấn, chứng kiến cuộc sống đổi đời của người dân về thứ cây này thì khó có ai có thể hiểu rằng cây chuối phấn vàng lại có giá trị đến vậy.

Theo ông Cường, cây chuối phấn có mặt ở Tân Minh từ những ngày đầu người Mường đến đây lập đất. Người Mường ở đây đã trồng, đã ăn và thấy ngon nhưng không có điều kiện mang ra ngoài để cho bàn dân thiên hạ được biết.

Tuy là đặc sản tương đương với chuối ngự Hà Nam nhưng cây chuối phấn vàng ở Tân Minh đành chấp nhận “phận ẩm, duyên ôi” và bị các cây trồng có giá trị theo kiểu thời vụ “đuổi dần” vào rừng.

Thế rồi cây chuối phấn vàng cũng có cơ hội, ấy là khi các tuyến đường được đầu tư mở vào Tân Minh. Cùng với sự hanh thông của đường sá, xe cộ và khách lạ đã bắt đầu tìm vào xã. Mới đầu thấy lạ, người ta mua ăn. Ăn thấy ngon, họ đã tiện tay đem về làm quà. Thế là cây chuối phấn vàng đã được nhiều người biết đến.

Thấy chuối bán được, lại thêm sự hiểu biết của mình, ông Cường nhận thấy cơ hội đã đến với cây chuối phấn vàng. Cùng gia đình, cháu con, phát cây, bổ đất trồng chuối. Quay đi quay lại, chả mấy lúc 2 ha đất nhà ông đã phủ kín chuối. Cùng với sự tận tụy chăm sóc, nay cây chuối phấn vàng đang ngày đêm miệt mài “nhả vàng” cho ông và gia đình.

Trồng chuối phấn vàng theo xu hướng đại trà giúp người Mường ở Tân Minh nhanh chóng xóa nghèo. Ảnh: Phương Nguyên

Theo ông Cường, cây chuối vốn là cây sống khỏe. Đầu tư ít, lại ít bị dịch bệnh, quá trình chăm sóc cũng dễ dàng hơn với các cây trồng khác. Hơn nữa, cây chuối phấn vàng lại ít bị gián đoạn về thời vụ, Đông cũng như Hè đều cho mức thu sít soát nhau nếu chăm sóc tốt.

Hiện với 2 ha chuối, trung bình mỗi tháng nhà ông thu được khoảng 100 buồng. Mỗi buồng bán tại vườn được khoảng 150 nghìn/buồng, vị chi mỗi tháng cây chuối phấn vàng đã đem lại cho gia đình ông khoảng 15 triệu đồng/tháng. Với một gia đình người Mường, ở nơi xa thẳm, mỗi tháng có nguồn thu như vậy là một điều ít ai nghĩ đến nếu không nhờ cây chuối phấn vàng.

Cây cứu cánh của dân

Theo người dân Tân Minh, vì một thời không được chú ý, lại chưa có người biết tới nên thứ cây đặc sản là chuối phấn vàng này đã bị không ít người dân cho là thứ “cây vứt đi”. Vì quan niệm và sự bỏ bê này nên cây chuối phấn vàng đã teo tóp về diện tích cũng như “thân phận” theo thời gian.

Vì là xã đặc biệt trong huyện nghèo một thời nên trong quá trình đầu tư chọn cây con để xóa nghèo, cây chuối phấn vàng đã được lựa chọn. Lại thêm kết quả đã thấy được ở các hộ dân nên sau khi so sánh với các cây trồng khác, cây chuối phấn đã được đưa lên đầu bảng.

Bằng quyết sách và sự nhìn nhận có tầm này nên cây chuối phấn vàng đã được triển khai gần 30 ha trong xã Tân Minh. Cùng với sự triển khai này, sự quảng bá thương hiệu cho cây chuối cũng được đưa ra.

Vì nằm trong “họ nhà chuối” nên cây chuối phấn vàng cũng là cây “không khái tính”, rất dễ trồng và chăm sóc. Chuối phấn vàng chỉ cần trồng khoảng 6 tháng là cho thu hoạch và thời gian thu hoạch lại kéo rất dài sau một lần trồng.

Ngoài việc cho thu buồng, phụ phẩm của cây chuối phấn vàng lại đều có thể tận dụng và biến thành tiền cho người dân. Hoa chuối thu hái để bán cho các nhà hàng đặc sản, lá chuối dùng để bán cho thương lái mua về gói bánh hay làm giò chả, còn thân chuối có thể tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi.

Vì có thế mạnh về kinh tế nên cây chuối phấn vàng được tận dụng trồng ở mọi nơi. Ảnh: Phương Nguyên

Theo ông Triệu Xuân Hiếu - Chủ tịch UBND xã Tân Minh thì: Nếu không nhờ cây chuối phấn thì không biết bao giờ người Mường ở Tân Minh có thể mở mày, mở mặt với thiên hạ. Nhờ thu nhập do cây chuối mang lại nên số lượng 60% hộ nghèo ở Tân Minh đã giảm xuống nhanh chóng theo thời gian, cùng với sự tăng diện tích của cây chuối.

Chuối xuống đồng, chuối ra sông suối, chuối lên nương, lên núi, cùng với mầu xanh ngăn ngắt của lá chuối già, nõn nà của lá chuối non là niềm vui, là tiền sẽ tìm đến mỗi nhà trong Tân Minh để “gõ cửa”.

Từ một xã nổi danh với các hộ nghèo thì nay Tân Minh đã sáng dần với các hộ khá, mà nguồn thu ấy đều bắt đầu từ cây chuối phấn vàng.

Ngoài anh Cường thì các hộ dân tiêu biểu, có mức độ “xóa nghèo” nhanh, vươn lên thành hộ khá. Phải kể đến như hộ Đinh Tiến Dũng, Đinh Thế Cừ, Hà Văn Hùng, Hà Thị Thoại…

Ngoài đem lại thu nhập cho dân, với phong trào “phục hưng” lại cây đặc sản của địa phương, hiện nay cây chuối phấn vàng ở Tân Minh đã rất mạnh về thị trường. Theo vòng quay của các xe trọng tải lớn, đặc sản chuối phấn vàng của người Mường Tân Minh đã vào Nam, ra Bắc và “leo” lên cả các tỉnh miền ngược.

Đánh giá về tính hiệu quả kinh tế mà cây trồng này mang lại, nhiều người dân cho hay, ước tính trung bình, một buồng chuối phấn vàng từ 25 - 30kg, có buồng lên tới trên 40kg nếu chỉ càn bán với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, thì trừ chi phí mỗi ha chuối cũng đã cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng.

Nhờ trồng chuối, nhiều gia đình trong xã đã có tiền mua sắm vật dụng cho gia đình và gửi tiết kiệm. Ở Tân Minh, hộ có diện tích chuối lớn nhất xã là trên 2ha, ít cũng được dăm sào và thu nhập từ chuối, tính ra hơn hẳn trồng lúa và trồng rừng.

Do “hữu xạ tự nhiên hương”, việc xóa nghèo từ cây chuối đã có hiệu quả của Tân Minh nên thời gian vừa qua, các xã cận kề là Tân Lập, Khả Cửu, Thượng Cửu cũng đang học tập kinh nghiệm và đưa cây chuối phấn vàng vào trồng thay thế các cây kém giá trị khác.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm