Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Cây” nhân ái kết “trái” thiện lành

Vũ Thanh

Thứ tư, 10/11/2021 - 23:46

(Thanh tra) - Chồng hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, đơn thân sinh nở, nuôi con trong khó khăn và những điều tiếng thị phi, bà Đỗ Thị Lựu (khu Tân Bưởi, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) thấm thía đến tận cùng những thiệt thòi do giới tính cũng như niềm hạnh phúc cao cả, thiêng liêng của người phụ nữ với thiên chức làm mẹ.

Bà Lựu thường xuyên chăm sóc mộ phần các thai nhi xấu số. Ảnh: Vũ Thanh

Xuất phát từ tình cảm, đức tin hướng thiện mà 14 năm nay, bà đã lặn lội đến các bệnh viện, phòng khám phụ sản để vận động, thuyết phục các thai phụ từ bỏ ý định phá bỏ thai nhi; kết nối cho những gia đình hiếm muộn nhận con nuôi; thu nhận thi hài thai nhi về mai táng chu đáo; mua, xin quần áo, chăn màn mang tặng các gia đình khó khăn trên vùng cao biên giới...

“Cây” nhân ái bà dày công vun trồng đã kết “trái” thiện lành giúp cứu sống nhiều sinh mệnh, lan tỏa tình yêu thương...

Việc phúc đức

Được lựa chọn là 1 trong 5 cá nhân của toàn tỉnh đi dự Hội nghị Thi đua toàn quốc “Biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ 5, giai đoàn 2015-2020”, đã hơn 3 tháng trôi qua mà bà Lựu vẫn chưa hết chuyện kể mỗi khi gặp khách đến chơi.

Cùng với niềm vui lần đầu đến Thủ đô, được ở khách sạn, đi thang máy, mắt thấy tai nghe bao điều mới lạ, bà còn mừng vì dẫu chẳng mấy coi trọng chuyện thị phi thiên hạ nhưng cuối cùng những việc làm xuất phát từ cái tâm hướng thiện của mình đã được xã hội công nhận, tôn vinh.

Sinh năm 1959, tuổi Kỷ Hợi nhưng cuộc sống của bà cứ long đong, lận đận mãi cho đến giờ. Nhà nghèo khó, 19 tuổi bà Lựu kết hôn với trai làng là bộ đội đang đóng quân trên Lào Cai, hạnh phúc được hết đợt nghỉ phép, chồng trở lại đơn vị cũng đúng thời điểm quân bành trướng Trung Quốc xâm lược biên giới nước ta. Ông hy sinh, bà trở thành góa phụ khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của người phụ nữ.

Nuốt nước mắt vào trong, cắn răng chịu điều tiếng thị phi, bà đón nhận niềm vui, hạnh phúc khi đứa con trai cất tiếng khóc chào đời rồi quyết định rời nhà từ Yên Tập (huyện Cẩm Khê) vào Đồng Thịnh lập nghiệp theo chương trình di dân phát triển kinh tế mới.

Nhận khai hoang, trồng gần 2 ha chè, mua lại 6 sào ao thả cá, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, cần mẫn lao động quên cả thời gian cũng như tuổi thanh xuân, cuộc sống hai mẹ con chưa đến mức dư dả nhưng cũng không phải chịu cảnh thiếu đói. Con trai trưởng thành, lập gia đình riêng, lên chức bà nội cũng là lúc bà Lựu thấy sức khỏe có chiều hướng đi xuống, số ngày đau ốm trong năm cứ tăng dần. Thay vì lên đồi xới cỏ, vun gốc, hái chè, bà chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc cháu.

Năm 2006, trong một lần xem chương trình truyền hình phản ánh chuyện một người nhiều năm liền bỏ công sức đến các bệnh viện, phòng khám thu nhận thi hài thai nhi về mai táng, hương khói chăm sóc mộ phần, bà xúc động nước mắt giàn giụa. Mấy đêm liền, bà trằn trọc thao thức, đầu óc luôn hiển hiện những lời dạy thương yêu con người, sống thiện tâm, bác ái của Chúa. “Người ta làm được thì mình cũng làm được. Việc phúc đức dẫu khó đến mấy cũng phải cố gắng làm cho được”, ý đã quyết, tâm thanh thản, bà trao đổi với vợ chồng con trai rồi bắt đầu tìm đến các bệnh viện, phòng khám phụ sản đặt vấn đề xin thi hài thai nhi về mai táng.

Nghe bà đặt vấn đề, cán bộ, nhân viên các đơn vị này lắc đầu quầy quậy. Nhiều người còn nói thẳng: “Biết bà lấy để làm gì, không khéo lại mang tội thêm”. Nhưng rồi nghe bà kiên nhẫn giải thích, hứa sẽ mai táng, chăm sóc mộ phần như người thân, cảm nhận được ý định thiện lương từ dáng vẻ chất phác, mộc mạc của người phụ nữ đã bước qua tuổi trung niên, họ đã đồng ý giao cho bà.

Được chính quyền đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi, bà chọn khu đất cao ráo, thoáng đãng ở khu Đồng Cạn (thị trấn Yên Lập) rồi tự tay đào huyệt, mai táng từng thi hài thai nhi theo nghi lễ truyền thống. Từ thi hài đầu tiên, mộ phần cứ tăng dần theo năm tháng. Chứng kiến việc làm của bà, 4 người ở thị trấn Yên Lập, trong đó có 1 cặp vợ chồng cũng là đồng bào Công giáo đã tự nguyện chung tay góp sức cùng bà thành lập nhóm thiện nguyện. Biết chuyện, nhiều người dân khắp các vùng miền cũng tự nguyện ủng hộ bà cả về vật chất lẫn tinh thần để việc tạo phúc, chăm sóc các thi hài thai nhi thêm hanh thông, thuận lợi.

Qua hơn 14 năm, “nhà trẻ cõi âm” - nghĩa địa thai nhi do bà cùng nhóm thiện nguyện xây dựng nên đã quy tụ được hơn một vạn thi hài. Từ những khu mộ chung của các hài nhi chưa rõ hình hài đến các khu mộ của các thai nhi chết lưu đều được chăm sóc chu đáo, hương hoa đầy đủ quanh năm. Chứng kiến bà Lựu đến từng mộ phần nâng niu từng bình hương, lọ hoa cúc trắng, miệng hết thủ thỉ: “Do không có điều kiện nên bà đành để các cháu nằm chung. Thông cảm cho bà, ngủ ngon các cháu nhé...” lại ngân nga câu hát ru như an ủi, vỗ về, trong tôi bỗng dấy lên niềm tin nếu như tồn tại thế giới tâm linh, chắc chắn linh hồn các cháu bé bất hạnh sẽ cảm nhận và được sưởi ấm bởi tình cảm nhân ái, thiện lành của bà Lựu...

Niềm vui cao cả!

Việc phúc đức luôn mang đến những điều kỳ diệu, hạnh phúc trong cuộc sống. Do thường xuyên đến các bệnh viện, phòng khám phụ sản mà bà Lựu có cơ hội tiếp xúc, gần gũi với nhiều thai phụ có ý định nạo, phá thai. Cứ thủ thỉ tâm sự, khuyên nhủ, bà đã giúp nhiều thai phụ thay đổi ý định, giữ lại thai nhi. Trung bình mỗi tháng, bà động viên được 3-4 thai phụ bỏ ý định nạo, phá thai. Có trường hợp thiếu nữ bị bạn trai ruồng bỏ, vợ chồng định chia tay nhưng sau khi sinh nở lại hòa hợp, hạnh phúc.

Cũng có nhiều trường hợp thai phụ không có điều kiện nuôi con, bà Lựu đã động viên, đứng ra kết nối để các gia đình hiếm muộn đến nhận con nuôi. Không thể nhớ con số chính xác nhưng đã có khoảng 50-60 đứa trẻ nhờ bà kết nối mà được sống thành người, có mái ấm hạnh phúc. Những ngày vận động được thai phụ thay đổi ý định, bà Lựu vui lắm. Thêm một sinh mạng được giữ lại, “cây” nhân ái, phúc đức bà dầy công vun trồng càng thêm lớn mạnh, lan tỏa yêu thương sâu rộng đến các gia đình.

… Chuẩn bị quần áo ấm, chăn đệm mang tặng đồng bào vùng cao có hoàn cảnh khó khăn… Ảnh: Vũ Thanh

Từ phương châm sống lấy việc phúc đức, giúp đỡ người khác làm niềm vui, hạnh phúc cá nhân mà nhiều năm nay, bà Lựu đã bỏ tiền túi, vận động người thân, bạn bè và cả những chủ cửa hàng thu gom quần áo ấm, chăn màn mang lên tặng trẻ em, gia đình khó khăn tại các làng bản xa xôi của tỉnh Lào Cai. Những năm trước, mỗi năm bà cố gắng thu gom đi tặng quà 1 lần. Năm 2020, bà đã đi được 4 chuyến mang quần áo ấm lên các bản tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Hiện tại bà đã thu gom được cả chục bao tải quần áo ấm, chăn màn chuẩn bị cho hành trình tặng quà tại Lào Cai. Không vương vấn tư lợi cá nhân, khi được một linh mục trong miền Nam hỗ trợ 20 triệu đồng, bà dành cả để ủng hộ một gia đình khó khăn trong xã xóa nhà tạm và giúp đỡ gia đình khác gặp hỏa hoạn...

Bà Lựu chia sẻ: “Tôi là người Công giáo nên luôn tâm niệm phải thực hiện lời Chúa dạy sống lương thiện, thương yêu con người. Ra đường gặp người khó khăn, trong túi còn 10-20 nghìn tôi cũng lấy ra giúp đỡ. Gia đình con trai không đến mức khó khăn, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho mẹ đi làm việc thiện. Chế độ trợ cấp của tôi giờ được hơn 1,6 triệu mỗi tháng, tôi dành cả cho các hoạt động thiện nguyện. Càng làm việc thiện, tôi càng thấy tâm thanh thản, sức khỏe tốt lên. Hơn chục năm trước, tôi đau ốm phải đi viện thường xuyên mà giờ khỏe mạnh, chạy xe máy, bắt xe khách khắp các vùng miền cũng không thấy mệt...”.

Nói về những việc làm của bà Lựu, ông Đinh Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh khẳng định: “Bà Đỗ Thị Lựu là thân nhân liệt sĩ. Gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy không khá giả nhưng bà đã có nhiều hành động thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ người khác. Chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn tinh thần “sống tốt đời đẹp đạo” của bà lan tỏa, phát huy hiệu quả hơn nữa trong đời sống xã hội”.

“Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Sẵn lòng cho đi, trao tặng niềm vui, hạnh phúc của người khác mà không toan tính vụ lợi sẽ nhận được niềm vui, hạnh phúc gấp bội trong tâm hồn. “Cây” nhân ái của bà Lựu vun trồng đã kết “trái” thiện lành không chỉ cho bà mà còn lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm